11/01/2025

Hãy sống như người bình thường

Từng bị liệt nửa người nhưng Trần Mạnh Huy (41 tuổi, tổng giám đốc Công ty CP VBPO Đà Nẵng) tự đề ra cho mình phương châm sống phải đẩy hòn đá lên dốc, hay chấp nhận bị đá đè.

 

Hãy sống như người bình thường

 

Từng bị liệt nửa người nhưng Trần Mạnh Huy (41 tuổi, tổng giám đốc Công ty CP VBPO Đà Nẵng) tự đề ra cho mình phương châm sống phải đẩy hòn đá lên dốc, hay chấp nhận bị đá đè.

 


 

 

Anh Huy (phải) chỉ bảo kỹ thuật cho nhân viên trong công ty mình – Ảnh: Đ.Cường

Huy đã tự đứng vững trên đôi chân của mình, không đầu hàng số phận, trở thành chủ của một doanh nghiệp. Không chỉ vậy, anh còn là chỗ dựa của gần 100 người khuyết tật làm việc trong công ty của mình.

Tôi có một ước mơ. Đó là mang việc làm đến cho người kém thế Việt Nam. Đà Nẵng sẽ là nơi khởi phát cho việc thực hiện ước mơ này. Hi vọng VBPO như là một phương tiện để mang việc làm về cho những người chưa may mắn ở nơi đây. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi các đồng nghiệp của tôi ở đây đang cùng tôi nỗ lực thực hiện ước mơ ấy hằng ngày để góp phần ổn định các vấn đề an sinh xã hội, mang lại sự giàu có, hưng thịnh cho quốc gia
TRẦN MẠNH HUY

Đẩy đá lên dốc

Năm 2014, Trần Mạnh Huy được Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tặng giấy khen vì đã có nhiều thành tích hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật.

Năm 2013, tại lễ tôn vinh người lao động khuyết tật và doanh nghiệp vì người khuyết tật năm do Hội đồng Dải băng xanh (BREC) tổ chức, VBPO được vinh danh là doanh nghiệp tiêu biểu.

Buổi chiều, dù đã có hẹn trước với Huy nhưng anh vẫn bận túi bụi. Anh đang có cuộc họp với BREC – Hội đồng Dải băng xanh (hội đồng người sử dụng lao động cấp quốc gia bao gồm các doanh nghiệp trong nước và quốc tế) về việc thành lập văn phòng tại Đà Nẵng.

Phía BREC đang đề nghị Huy làm đại diện của họ tại Đà Nẵng. “Nếu BREC có văn phòng ở miền Trung thì sẽ có nhiều, rất nhiều người khuyết tật được hỗ trợ công ăn việc làm. Điều này vô cùng ý nghĩa với mảnh đất còn rất nghèo này” – Huy tâm sự.

Dù hai chân của Huy đi cà nhắc, hai bàn tay “cà khoeo” nhưng anh vẫn đi đi lại lại trong công ty như con thoi, không hề nghỉ ngơi. Sinh ra ở Buôn Ma Thuột, mới lọt lòng mẹ thì anh đã bị liệt nửa người bên trái.

“Từ đó tôi bắt đầu chiến đấu. Tôi không muốn mình giống với nhiều người khuyết tật có ý định buông xuôi, tự nhiên mặc định cho mình gắn liền với chiếc xe lăn để làm những nghề như bán vé số, bán tăm. Muốn vậy tôi phải tự tập luyện, phục hồi chức năng. Có những lúc bị té u đầu, tứa máu nhưng không được cho phép mình chán nản, bỏ cuộc. Tôi thực hiện nguyên tắc cứng rắn với bản thân và nhận thấy mình cũng rất lì đòn” – Huy nói.

Ngày Huy thi đậu khoa công nghệ thông tin (CNTT) của một trường ĐH tại TP.HCM, đó không phải là một kỷ niệm đẹp. Thấy Huy nhỏ tong teo, chân tay quều quào, nhà trường không nhận vì sợ Huy không đảm bảo sức khỏe. “Lúc đó ba mẹ tôi phải kêu la dữ lắm nhà trường mới chịu gật đầu cho học” – Huy nhớ lại.

Ra trường, anh tự tạo lập công việc cho mình và với năng lực khá, Huy đã làm việc cho nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam. Lúc bấy giờ anh cũng bắt đầu sống với ước mơ bấy lâu của mình là giải quyết việc làm cho người khuyết tật, những người yếu thế như mình.

Tuy nhiên, Huy nhận ra khả năng của mình còn giúp được nhiều người hơn nữa nếu anh chọn một con đường khác, đó là tự lập một công ty chuyên về CNTT để dạy nghề miễn phí và nhận người khuyết tật vào làm việc.

Cuộc đua công bằng

Năm 2010, Công ty CP VBPO Đà Nẵng (chuyên về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp) được thành lập và Huy làm giám đốc. Huy nghĩ nếu anh tận dụng tốt thì CNTT sẽ là việc làm thích hợp nhất cho người khuyết tật.

Việc đầu tiên anh làm là tuyển chọn những người cùng cảnh ngộ khuyết tật, kém may mắn như anh vào làm việc. “Tôi khuyên họ hãy quên đi mình là người khuyết tật. Các bạn phải sống và chiến đấu như những người bình thường khác” – Huy tâm sự.

Công ty của Huy mở lớp đầu tiên dạy nghiệp vụ CNTT cho 30 người khuyết tật, kém may mắn. Nguyễn Phúc Quỳnh Loan (32 tuổi, Đà Nẵng) đã có hơn bốn năm làm việc tại công ty chia sẻ: “Ngày trước tôi làm phiên dịch cho một công ty của Trung Quốc nhưng mình bị khuyết tật mà đi lại nhiều cực quá. Thấy VBPO tuyển dụng người khuyết tật, tôi nghĩ sao mình không thử và đến nay tôi thấy mình đã chọn đúng con đường”.

Loan được công ty đào tạo miễn phí ba tháng nghiệp vụ và giờ làm việc tại đây với mức lương mà theo Loan chia sẻ là khá thoải mái. Nhưng điều đó không phải là quan trọng nhất với một người khuyết tật như Loan.

Chị chia sẻ: “Ai ở trong trường hợp khuyết tật như tụi tôi cũng dễ có sự bi quan, tự ti. Nhưng làm việc với anh Huy, chúng tôi đã biết tự hào, tự tin vào bản thân mình, tự làm công việc mình yêu thích như bao người khác”.

Còn Nguyễn Văn Nhân, sau khi tốt nghiệp một trường cao đẳng CNTT, Nhân còn bối rối, sợ sệt chưa biết sẽ xin việc như thế nào bởi anh bị khuyết tật và cũng mới cầm tấm bằng ra trường. Rồi Nhân về đầu quân cho VBPO sau hai tháng học nghiệp vụ xử lý hình ảnh thiết kế miễn phí do công ty tổ chức.

“Trong môi trường làm việc này chúng tôi được truyền sự hứng khởi, nghiêm túc, thậm chí là nghiêm khắc hơn người bình thường nên trưởng thành nhanh chóng. Chúng tôi có thể tự tin đảm nhận các dự án do công ty giao phó” – Nhân nói. Không chỉ tự tin với công việc, Nhân còn tự tin trong cả tình yêu nên anh đã cưới được một cô gái xinh xắn trong công ty làm vợ.

Theo Trần Mạnh Huy, VBPO Đà Nẵng hiện có 30 người khuyết tật làm việc. Tại các chi nhánh của công ty ở các tỉnh thành khác như Huế, Phú Yên, Đắk Lắk có thêm cả 100 nhân viên người khuyết tật. “Hằng tháng chúng tôi đều thông báo tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc và luôn mở cửa chào đón họ” – Huy tự tin cho biết.

ĐOÀN CƯỜNG