11/01/2025

Đôi bạn thân xoá ‘ngã tư tử thần’

Hằng ngày, hai người bạn thân là ông Hồ Văn Điều và ông Đặng Viết Cầm (cùng ngụ xã Quỳnh Văn, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) tình nguyện bám trụ tại các ngã tư để dắt các cháu học sinh qua đường để khu vực này không còn điểm đen tai nạn.

 

Đôi bạn thân xoá ‘ngã tư tử thần’

 

Hằng ngày, hai người bạn thân là ông Hồ Văn Điều và ông Đặng Viết Cầm (cùng ngụ xã Quỳnh Văn, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) tình nguyện bám trụ tại các ngã tư để dắt các cháu học sinh qua đường để khu vực này không còn điểm đen tai nạn.

 

 

 

Như đã thành thói quen, mặc dù nhiều em đã lớn nhưng vẫn đợi hiệu lệnh của ông Cầm cho phép rồi mới qua đường - Ảnh: Phan NgọcNhư đã thành thói quen, mặc dù nhiều em đã lớn nhưng vẫn đợi hiệu lệnh của ông Cầm cho phép rồi mới qua đường – Ảnh: Phan Ngọc
11 năm qua, trừ những hôm đau ốm hoặc mưa bão, ngày nào ông Điều (55 tuổi) cũng túc trực tại ngã tư giao giữa QL1A với đường vào Trường tiểu học Quỳnh Văn B vào những giờ cao điểm để dắt các cháu học sinh qua đường an toàn. Một tay giơ cao chiếc gậy ra tín hiệu cho các học sinh dừng lại, một tay kéo những cháu còn đứng lấn ra phía ngoài lề đường, khi nhận thấy các ngả đường vắng các phương tiện qua lại, ông Điều mới thổi còi ra hiệu cho các cháu đi qua.
Xin bỏ việc để làm không công
Ông Điều nói rằng, ngã tư này trước đây đã từng là “điểm đen” tai nạn giao thông, chứng kiến nhiều cháu nhỏ gặp nạn khi sang đường mỗi khi đến trường hoặc từ trường trở về nhà, ông đã quyết định xin nghỉ làm bảo vệ cho UBND xã Quỳnh Văn để dắt các cháu qua đường. Đơn xin nghỉ việc không được chấp thuận, ông Điều “ôm” cả hai công việc.
“Buổi sáng sau khi dắt hết các cháu qua đường, tôi quay về làm bảo vệ. Canh đến giờ các cháu đi học về, tôi tranh thủ chạy ù ra ngã tư để giúp các cháu. Sau này, tôi giới thiệu người khác làm bảo vệ cho ủy ban xã thì mới được nghỉ việc để toàn tâm toàn ý hỗ trợ các cháu học sinh”, ông Điều nói.
Mỗi ngày ông Điều dẫn cả trăm lượt học sinh, chưa kể các cụ già và người khiếm thị qua đường. “Ngã tư tử thần” bị xoá và trở thành điểm hẹn của các cô cậu học trò mỗi khi đến lớp hoặc từ trường trở về nhà. Không chỉ dắt các em qua đường, ông Điều còn hay kể cho lũ trẻ những câu chuyện vui, nhắc nhở về những bài học an toàn giao thông. Các cháu nhỏ ngày càng quý mến và nghe lời “ông Điều giao thông”.
 

Cứ đợi một nhóm khoảng 10 người như vậy ông Điều lại đưa qua 1 lầnCứ đợi một nhóm khoảng 10 người như vậy ông Điều lại đưa qua 1 lần
Cẩn trọng từng tí
Không những được các em học sinh yêu quý và nghe lời, ông Điều còn được các phụ huynh trên địa bàn rất tin tưởng vì nhiều năm liền đã dắt các em học sinh qua đường an toàn. Nhưng ông vẫn tỏ ra lo lắng vì đoạn đường này có quá nhiều đường rẽ để vào trường, một mình ông không thể làm xuể, còn bảo các em tập trung một chỗ để qua đường thì lại quá đông.
Năm 2009, ông Điều vận động người bạn học đồng niên, nhà ở xóm bên, là ông Đặng Viết Cầm, ra đứng chốt tại một ngã tư gần nhà, dắt các cháu học sinh băng qua QL1A để ra – vào trường học an toàn. Các con đã khôn lớn, đều đã lập gia đình, lại được vợ ủng hộ và cảm tấm lòng của ông Điều nên ông Cầm quyết định trở thành “đồng nghiệp” của ông Điều. Dù gia đình ông chỉ làm ruộng và kinh tế khó khăn nhưng vợ con ông cũng thông cảm với “công việc đặc biệt” này.
Hai người bạn bàn bạc, phân chia nhiệm vụ: ông Điều vẫn “chốt” ở một ngã tư trên địa bàn xóm 6, còn một ở ngã tư xóm 16 sẽ do ông Cầm phụ trách. Sau đó, hai ông già thông báo tới các bậc phụ huynh, căn dặn các cháu học sinh chỉ đi học qua hai ngã tư trên để nhận được sự trợ giúp.
“Mỗi lần dắt các cháu qua đường, tôi luôn nhủ lòng rằng sau lưng mình là tính mạng của bao con người nên phải cẩn trọng từng li từng tí, cố gắng không để xảy ra sự cố nào”, ông Cầm nói.
Nhờ việc làm của hai ông mà các học sinh đã yên tâm đến trường. “Chúng em cảm thấy được an toàn hơn khi được các ông dẫn sang đường mỗi ngày. Nhiều năm qua, chúng em đều đứng đây xếp hàng chờ các ông đưa sang đường mỗi khi đi học và từ trường trở về nhà. Chúng em rất tin tưởng và yêu quý các ông ấy” – em Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, học sinh lớp 12, Trường THPT Quỳnh Lưu 2, nói.
Ông Cầm khẳng định tuyệt đối không uống bia rượu trước và trong “giờ làm việc” để luôn tỉnh táo, đảm bảo an toàn cho mọi người. “Giờ mọi người tin tưởng tôi lại càng thấy lo hơn, lỡ xảy ra chuyện gì thì không biết phải làm sao”, ông Cầm chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân địa phương, chia sẻ rằng các gia đình rất yên tâm khi con em họ được ông Điều và ông Cầm dẫn qua đường. Nhiều người cảm kích đã vận động nhau quyên tiền, góp gạo hỗ trợ hằng tháng cho hai ông nhưng các ông một mực từ chối.
Ông Lê Tiến Uy, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn, cho hay trên địa bàn xã có 5 trường học đều đóng gần nhau, số lượng học sinh đổ ra đường rất lớn, tiềm ẩn nhiều tai nạn giao thông. Ông Điều và ông Cầm tình nguyện dắt các cháu qua đường an toàn là việc làm đáng trân trọng. Gia đình cả hai ông đều thuộc diện khó khăn nên UBND xã quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người để hai ông có thêm điều kiện làm tốt hơn công việc rất hữu ích này.
Gia đình suýt tan vỡ
Hồi mới ra đứng chốt ở ngã tư, nhiều người, trong đó có cả các thành viên trong gia đình, đã đàm tiếu về việc làm “lạ” của ông Điều, thậm chí nói ông bị điên, rỗi hơi nên mới đi lo chuyện thiên hạ. Ban đầu ông cũng buồn nhưng mỗi lần dắt các cháu qua đường an toàn, ông lại thấy vui và lặng lẽ tiếp tục công việc của mình. Nhưng ông vẫn áy náy với vợ con.
“Hoàn cảnh gia đình tôi hồi đó cũng đang trong lúc khó khăn. Tôi rời quân ngũ, vào làm việc tại một mỏ than ở Quảng Ninh được vài năm thì về “một cục”, chẳng có lương hưu. Đang làm chân bảo vệ ở uỷ ban xã, cũng có được chút tiền giúp đỡ vợ nuôi con. Giờ bỏ việc ở uỷ ban, cả nhà 6 miệng ăn, 4 đứa con còn nhỏ, chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng và rau màu của bà ấy mà thôi. Hai vợ chồng vì thế luôn trong tình trạng… chiến tranh lạnh”.
Bà Hoàng Thị Thía, vợ ông Điều, nhớ lại: “Lúc đầu vì cho rằng ông ấy có vấn đề, tôi khuyên mãi nhưng ông ấy vẫn không nghe. Hai vợ chồng nhiều lần cãi nhau cũng vì vậy. Đã có lần ông ấy bảo nếu không chấp nhận được thì tôi cứ đi đi. Sau nghĩ lại, thấy việc ông ấy làm góp phần đem lại sự an toàn cho các cháu nhỏ nên tôi cũng thuận tình”.

Phan Ngọc