10/01/2025

Tăng cường sức khoẻ cho não bằng lối sống có mục đích

Nghiên cứu mới cho thấy các đặc điểm tính cách như sự lạc quan và có ý thức về mục đích sống có thể đem đến sức khoẻ cho cơ thể, và giúp kéo dài tuổi thọ.

 

Tăng cường sức khoẻ cho não bằng lối sống có mục đích

 

 

Nghiên cứu mới cho thấy các đặc điểm tính cách như sự lạc quan và có ý thức về mục đích sống có thể đem đến sức khoẻ cho cơ thể, và giúp kéo dài tuổi thọ.

 

 

Tăng cường sức khỏe cho não bằng lối sống có mục đích - ảnh 1Hạnh phúc dẫn đến những thói quen lành mạnh tốt cho sức khỏe – Ảnh: Shutterstock
Một nghiên cứu gần đây đã liên kết ý thức về mục đích sống có thể làm giảm tỷ lệ đột quỵ. Hơn 450 người cao tuổi tham gia nghiên cứu, và mỗi năm họ đều trải qua các đánh giá về thể chất, tâm lý cho đến khi chết. Kết quả cho thấy, những người không ý thức mạnh mẽ về mục đích cuộc sống có 44% nguy cơ bị mắc các loại tổn thương mô não, có thể dẫn đến mất trí nhớ liên quan đến tuổi tác. Sự liên kết này tồn tại ngay cả sau khi các nhà khoa học đã điều chỉnh các yếu tố góp phần vào như béo phì, hút thuốc lá, tiểu đường, huyết áp và thiếu tập thể dục, tác giả chính của nghiên cứu Lei Yu (ở Mỹ) nói với Reuters.
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng mục đích sống có tác dụng bảo vệ chống lại những bất lợi của sức khỏe khi về già. Những người lớn tuổi có ý thức hơn về mục đích sống ít có khả năng mắc bệnh, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế suy giảm chức năng thể chất, bệnh Alzheimer và đột quỵ lâm sàng. Quan trọng hơn, mục đích sống có thể giúp cải thiện những thay đổi trong hành vi ở con người.
Có ý thức về mục đích sống là yếu tố quan trọng góp phần dẫn đến tâm lý lành mạnh và nó cũng liên quan đến việc tìm kiếm ý nghĩa đích thực trong những việc bạn làm, bạn là ai và có đang sống một cuộc sống có mục đích hay không?…
Các nhà nghiên cứu tin rằng, lương tâm ảnh hưởng rất lớn đến các hành vi khác. Ví dụ, những người có lương tâm có xu hướng lựa chọn cuộc sống lành mạnh hơn, chẳng hạn như tránh hút thuốc, chọn công việc và bạn đời theo sở thích… các nhân tố này tác động đáng kể đến mức độ căng thẳng và sự mãn nguyện trong cuộc sống nói chung.
Thái độ tích cực cũng giảm nguy cơ bệnh tim và ảnh hưởng đến gien. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những suy nghĩ và thái độ tích cực có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, làm giảm các bệnh mạn tính và giảm stress.
Một nghiên cứu khác còn tìm thấy hạnh phúc, lạc quan, sự hài lòng trong cuộc sống và các thuộc tính tâm lý tích cực khác có liên quan đến việc làm giảm nguy cơ bệnh tim. Điều này thậm chí còn được chứng minh một cách khoa học rằng hạnh phúc có thể làm thay đổi gien. Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học California (UCLA, Mỹ) tìm thấy những người có ý thức sâu sắc về hạnh phúc thường có nồng độ viêm ở gien thấp hơn.
Nếu bạn chưa lạc quan, vui vẻ, hài lòng, và chưa có ý thức về mục đích sống, đừng lo, bởi thực tế là chúng ta đều có thể thay đổi thái độ của mình để cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.
Davidson, tiến sĩ và là tác giả của cuốn The Emotional Life of Your Brain, cho biết một số dây thần kinh trong não sẽ giúp tăng cường sự lạc quan, vui vẻ, khả năng tập trung, thái độ tích cực bằng việc hãy bao quanh mình những hình ảnh hoặc những vật lưu niệm gợi nhớ thời gian hạnh phúc, thường xuyên bày tỏ lòng biết ơn, thêm vào cuộc sống những điều yêu thích, thực hành chánh niệm, mở rộng lòng từ bi…
Tăng cường sức khỏe cho não bằng lối sống có mục đích - ảnh 2Bên cạnh những kinh nghiệm sống và các bài tập huấn luyện tinh thần, độ dẻo cho não, não cũng được kiểm soát bởi chế độ ăn và lối sống vận động – Ảnh: Shutterstock
Cho đến gần đây, nhiều người vẫn tin rằng bộ não con người không thể tạo ra các tế bào thần kinh mới một khi các tế bào cũ chết hay bị hỏng. Niềm tin này hoàn toàn không có cơ sở, bởi mới đây các nhà khoa học đã chứng minh não không chỉ có thể tạo ra các tế bào thần kinh mới mà còn có thể tạo ra con đường thần kinh mới. Vì vậy, chúng ta thực sự có quyền kiểm soát bộ não.
Ví dụ, nếu bạn từng ở trong trạng thái lo lắng, con đường thần kinh sẽ hình thành dây lo âu. Nhưng nếu bạn biết cách lấy lại sự bình tĩnh, loại bỏ lo lắng, những con đường lo âu trong não cũng bị loại bỏ theo, vì nó không có cơ hội hoạt động.
Bên cạnh những kinh nghiệm sống và các bài tập huấn luyện tinh thần, độ dẻo cho não, não cũng được kiểm soát bởi chế độ ăn và lối sống vận động.
Các loại thực phẩm mà chúng ta ăn, thói quen tập thể dục, trạng thái cảm xúc, giấc ngủ và mức độ căng thẳng… tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến não bộ, các nhà khoa học cho biết. Vì thế, hãy bảo vệ não bằng lối sống lành mạnh nhằm thúc đẩy sức khoẻ cho các tế bào thần kinh. Đó là tập thể dục, đặc biệt là tập luyện với cường độ cao, hạn chế tiêu thụ calo, giảm carbohydrate phi thực vật, bổ sung nhiều chất béo omega-3, tăng cường hấp thu vitamin D và choline. Các nhà nghiên cứu gần đây đã xác định được con đường chuyển hoá vitamin D trong vùng hippocampus của não và tiểu não (khu vực có liên quan đến quy hoạch, xử lý thông tin và hình thành trí nhớ). Ở người lớn tuổi, nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức độ vitamin D thấp có liên quan đến chức năng não kém.
Choline ngoài tác dụng giảm viêm, còn đóng vai trò trong việc truyền dẫn thần kinh. Trứng và thịt là hai trong số những nguồn thực phẩm tốt nhất của choline. Và yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là tình trạng của đường ruột cũng có thể gây ảnh hưởng đáng kể về chức năng não bộ. Theo các nhà khoa học, đường ruột được xem là “bộ não thứ hai” trong cơ thể. Nếu trong não bộ có các tế bào thần kinh thì cũng có tế bào thần kinh trong ruột, và các vi khuẩn ở đường ruột truyền tải thông tin từ đường ruột đến não thông qua dây thần kinh phế vị. Do đó, sự bất thường ở đường ruột có liên quan với sự phát triển bất thường ở não.

Diễm Trinh