Phương Mỹ Chi đang trở thành “ngôi sao nhí” ăn khách của showbiz Việt – Ảnh: Độc Lập
|
Hai năm trở lại đây, những “công đoạn” đó đã được áp dụng với ngay các tài năng nhí như ở những nước có ngành công nghiệp giải trí phát triển. Đưa một nghệ sĩ trở thành ngôi sao của công chúng trong showbiz Việt đã thành công nghệ, tất nhiên đằng sau công nghệ ấy là rất nhiều câu chuyện hấp dẫn.
Chương trình truyền hình thực tế Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) bắt đầu lên sóng mùa đầu tiên vào năm 2013 đã nổ “quả bom” mới cho ngành giải trí Việt, mở đường cho việc các giọng ca nhí bước vào showbiz một cách đông đảo và chuyên nghiệp.
Nở rộ lò luyện sao nhí
|
|
Cẩn trọng với hợp đồng
Năm ngoái, gia đình của giọng ca nhí C. mâu thuẫn với công ty của ca sĩ L. Lý do được phía gia đình đưa ra là không muốn con mình bị khai thác triệt để. Bên cạnh đó, họ không nhận được định hướng đào tạo rõ ràng từ công ty… Công ty thì cho rằng gia đình C. đã tự ý vi phạm hợp đồng. Hai phía đều đưa ra những cái lý của mình. Rõ ràng, đặt chân vào showbiz không còn là một cuộc chơi tự phát mà cần cả sự chuyên nghiệp. Gia đình của các tài năng nhí cần hiểu rõ ông bầu là ai, chấp nhận những điều khoản được đưa ra, cũng như những được – mất của những đứa trẻ trước khi đặt bút ký bất cứ một bản hợp đồng nào.
|
|
|
Nhiều thí sinh tham gia chương trình không còn là những giọng ca “thô”, mà được rèn giũa như những chú “gà nòi” đã qua đào tạo ở các trung tâm, câu lạc bộ âm nhạc. Ngay lần đầu tiên xuất hiện trong vòng giấu mặt của chương trình Giọng hát Việt nhí mùa thứ 2, Mai Chí Công gây ấn tượng mạnh với các huấn luyện viên và khán giả nhờ giọng hát chắc, khoẻ, kỹ thuật tốt. Trước cuộc trình diện xuất sắc này, “hot boy mắt hí” (biệt danh mà mọi người đặt cho Mai Chí Công) đã trải qua thời gian tôi luyện khoảng 1 năm tại Trung tâm nghệ thuật Taca Emca.
Khi phát hiện ra tài năng của Mai Chí Công, ca sĩ Thái Thùy Linh (giám đốc nghệ thuật của trung tâm) đã tìm cách hỗ trợ đưa giọng ca nhí này từ TP.Lai Châu xuống Hà Nội đào tạo tại trung tâm với suất học bổng trong 4 năm. Mai Chí Công không phải là gương mặt nổi bật duy nhất trong Giọng hát Việt đã kinh qua khóa đào tạo đặc biệt của trung tâm này. Hiện tại, Taca Emca đang mở lớp học đặc biệt dành riêng cho thí sinh tham gia Giọng hát Việt nhí và Đồ rê mí năm nay, trong đó ngoài những môn học chuyên môn về thanh nhạc, kỹ thuật biểu diễn, còn có cả những môn học về kinh nghiệm giao lưu với khán giả, kỹ năng tiếp xúc truyền thông…
Việc đào tạo các giọng ca nhí đang ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Ba năm trước, ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi đã ra mắt Học viện Âm nhạc Soul Academy với giáo trình tiêu chuẩn quốc tế tại TP.HCM. Năm nay, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh – nhạc sĩ Anh Quân và nhạc sĩ Huy Tuấn chuẩn bị ra mắt Học viện Âm nhạc Young Hit Young Beat tại Hà Nội với sự đầu tư nghiêm túc và bài bản, cùng với đó một trại hè âm nhạc dành cho các học viên từ 5 – 15 tuổi cũng đang rục rịch được thực hiện.
Khai thác triệt để
Khi sao nhí bước chân vào showbiz cũng là lúc nhiều công ty, nghệ sĩ thành “ông bầu” quản lý các cô bé, cậu bé này. Công ty TNHH Cát Tiên Sa, cũng là nhà sản xuất của chương trình Giọng hát Việt nhí, đã ký hợp đồng quản lý với cậu bé Quang Anh – Quán quân mùa đầu tiên. Trong khi gia đình của Phương Mỹ Chi quyết định “giao” tài năng nhí này cho ông bầu là ca sĩ Quang Lê. Mới đây, giọng ca nhí Thiên Nhâm đã về đầu quân cho Trung tâm đào tạo giải trí Tiếng hát Việt của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng…
Việc có ông bầu là cần thiết cho sự phát triển một cách chuyên nghiệp của các nghệ sĩ nhí, nhưng có những ông bầu khiến người ta hoài nghi không hiểu họ đang quản lý hay tranh thủ khai thác, tận dụng các tài năng nhí này. Khi giọng ca nhí C. “về tay” của “ông bầu” L., cô bé được đưa đi trình diễn tại nhiều show trong lẫn ngoài nước, được đầu tư ra mắt CD đầu tay.
Nếu chỉ nhìn vào đó, người ta sẽ nghĩ ông bầu này đang dốc lòng đầu tư cho em. Nhưng đằng sau đó, cách quản lý của ông bầu này khiến người ta phải lo lắng cho chính cô bé vẫn còn đang ở độ tuổi vô tư, hồn nhiên. Giá cát sê của C. được tăng lên mức cao ngất ngưởng, thậm chí cao gấp nhiều lần so với mức cát sê của “sao” người lớn. Cách đây 2 năm, một đơn vị tổ chức chương trình tại Hà Nội tiết lộ, để mời C. ra biểu diễn phải chi tất cả mọi chi phí đi kèm lên tới 100 triệu đồng. Trong khi ai cũng hiểu, số phần trăm chia cho ông bầu từ khoản tiền này là không hề ít.
Chưa hết, ông bầu này bỏ tiền ra đĩa nhạc cho C. mà thiếu sự chuẩn bị kỹ càng. Điều đó càng khiến người ta không khỏi nghi ngờ kế hoạch này xem ra cũng không ngoài mục đích thu lợi cho L. Bởi chẳng có kiểu bán đĩa nào kỳ cục như việc L. không ngại ngần xin xỏ, năn nỉ khán giả mua đĩa ngay trong buổi biểu diễn với đủ những lý do đáng thương như nhà C. nghèo, mong khán giả mua đĩa để C. có tiền xây nhà cho gia đình…