27/11/2024

Âm thầm chịu đựng bệnh

Sa tạng chậu là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ tuổi trung niên nhưng phần lớn người bệnh còn âm thầm chịu đựng.

 

Âm thầm chịu đựng bệnh

 

 Sa tạng chậu là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ tuổi trung niên nhưng phần lớn người bệnh còn âm thầm chịu đựng. 


 

 

Phẫu thuật nội soi điều trị sa sinh dục tại Bệnh viện Bình Dân – Ảnh bệnh viện cung cấp

Khi đến thầy thuốc điều trị thì bệnh đã nặng và có người vì bệnh này mà trở nên trầm cảm.

Các bác sĩ chuyên khoa sàn chậu học cho biết sa tạng chậu là sự sa xuống khỏi vị trí bình thường của các tạng trong vùng chậu như bọng đái, thành trước và thành sau âm đạo, tử cung, mỏm cắt (mỏm cụt) âm đạo, ruột non, mạc nối lớn, trực tràng, đại tràng chậu hông.

Vận động mạnh là bị sa

Bà N.T.K.H. (57 tuổi, Kiên Giang) là trường hợp điển hình bị sa mỏm cụt âm đạo (chỉ xảy ra ở phụ nữ đã cắt bỏ tử cung và tỉ lệ sa mỏm cụt sau cắt tử cung khoảng 40%). Bà H. nhập viện ngày 23-4 tại Bệnh viện Triều An, TP.HCM trong tình trạng cửa mình bị lòi tạng ra ngoài như một quả cầu lớn.

Theo lời kể của bà H., mỗi khi bà đi nhanh, leo cầu thang, tằng hắng giọng hoặc hắt xì hơi… thì tạng trong người lại lòi ra ngoài và mỗi lần như vậy bà cảm thấy rất khó chịu, đau đớn và khó khăn khi đi lại. Cũng vì bệnh mà bà không dám gần chồng vì mặc cảm.

Trước khi đến Bệnh viện Triều An, bà H. đã đến một bệnh viện chuyên khoa sản lớn tại TP.HCM điều trị bốn lần nhưng tình trạng vẫn không cải thiện.

Ngày 27-4, TS.BS Nguyễn Trung Vinh, trưởng khoa sàn chậu – niệu Bệnh viện Triều An, cho biết cách đây 21 năm vì bị bệnh u xơ tử cung nên bà H. đã được bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ cắt bỏ tử cung.

Hơn một năm sau khi cắt tử cung, mỏm cụt âm đạo của bà H. bị sa lộn ngược ra ngoài và ngày càng sa nặng (độ 3). Khi thăm khám, bác sĩ Bệnh viện Triều An thấy trong mỏm cụt bị sa ra ngoài của bà H. vừa có bọng đái chui ra, vừa có ruột non chui xuống, vừa có thành trước trực tràng chui vào (kiểm tra qua phim cộng hưởng từ động).

Do đó, bà H. được các bác sĩ khoa sàn chậu – niệu Bệnh viện Triều An phẫu thuật đặt mảnh ghép tổng hợp treo hai thành trước và thành sau âm đạo, đưa mỏm cụt trở lại vị trí bình thường.

Sinh nhiều con, nguy cơ càng cao

Theo TS Nguyễn Trung Vinh, một nghiên cứu của Bệnh viện Triều An trên 94 bệnh nhân nữ (25-89 tuổi) nhập viện điều trị tại khoa sàn chậu – niệu của bệnh viện từ tháng 1-2010 đến tháng 12-2014 cho thấy lý do nhập viện chính của bệnh nhân là rối loạn chức năng vùng sàn chậu gồm sa sinh dục và các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, đại tiện.

Qua thăm khám và các xét nghiệm, cả 94 bệnh nhân đều có triệu chứng của sa tạng chậu gồm túi sa vùng đỉnh, sa trực tràng kiểu túi, sa bọng đái niệu đạo, sa bản cơ nâng hậu môn.

TS Vinh cho biết nhiều nghiên cứu của nước ngoài cho rằng những rối loạn vùng sàn chậu có liên quan đến việc bệnh nhân sinh con qua đường âm đạo.

Người càng sinh nhiều con, nguy cơ sa tạng chậu càng cao. Nguyên nhân là do yếu tố rặn gắng sức kéo dài khi sinh, nhất là khi đầu em bé lúc sa vào lối ra khung chậu, gây tổn thương các cấu trúc nâng đỡ tạng chậu.

Trong khi đó, theo bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Vĩnh Thành – đơn vị phục hồi sàn chậu Bệnh viện Từ Dũ, sàn chậu có vai trò nâng đỡ các cơ quan như bàng quang, tử cung, trực tràng và đóng mở đường ra của các cơ quan này là niệu đạo, âm đạo và hậu môn.

Khi bị sa tạng chậu, người bệnh thường e ngại, ít khi đến các trung tâm y tế khám bệnh mà thường dùng những biện pháp dân gian như xông hơ, bôi thuốc… Do không được điều trị đúng nên phần niêm mạc âm đạo ở bên ngoài lâu ngày gây viêm loét tại chỗ.

Ngoài ra, do người bệnh luôn sợ bị són tiểu nên phải đi tiểu thường xuyên, không nín nhịn được hoặc tự hạn chế đi tiểu bằng cách uống ít nước. Những thói quen xấu này hình thành lâu ngày gây nên hệ luỵ về sau cho bàng quang.

Đáng lưu ý, phần lớn người bệnh âm thầm chịu đựng, khi họ đến thầy thuốc thì tình trạng đã nặng hơn và chất lượng sống của người bệnh bị ảnh hưởng rất lớn. Thậm chí có người còn bị trầm cảm, hạn chế việc làm, học tập, giải trí, hoạt động dẫn đến mặc cảm, sống cách biệt với xã hội.

Do tạng chậu có ba khoang: khoang trước là bọng đái, niệu đạo; khoang giữa là tử cung, âm đạo; khoang sau là hậu môn, trực tràng nên TS Vinh cho biết một bệnh nhân khi đã bị sa tạng chậu thì ít khi sa một tạng.

Thường một tạng bị sa thì hai tạng còn lại cũng sẽ sa theo ở mức độ nào đó. Nguyên nhân là do ba tạng này có cùng nguồn gốc phôi học nên khi ra đời thì thần kinh, mạch máu, cơ và hệ thống nâng đỡ chính của ba tạng này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, khi một tạng bị sa nhão thì hai tạng còn lại ít nhiều cũng bị ảnh hưởng theo.

Vì mối liên hệ khắng khít này, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh ở cả ba tạng và điều trị cả ba chứ không thể điều trị tách rời từng tạng dẫn đến hiệu quả điều trị không cao.

5 nhóm triệu chứng rối loạn chức năng sàn chậu

1- Triệu chứng đường tiểu dưới: tiểu không kiểm soát khi gắng sức, tiểu gấp, nhiễm trùng đường tiểu dưới, rối loạn chứa đựng bàng quang và cảm giác bàng quang.

2-  Triệu chứng hậu môn trực tràng: táo bón, tống phân phải rặn, cảm giác tống phân không hết, phải dùng tay hoặc thuốc hỗ trợ, lồng/sa trực tràng, tiêu không kiểm soát.

3- Sa các tạng vùng chậu: trằn nặng vùng chậu, khối phồng trong âm đạo, xuất huyết tiết dịch nhiễm trùng, phải đẩy khối sa lên sau khi đi tiêu, tiểu.

4- Rối loạn tình dục: giao hợp đau, giao hợp giảm cảm giác, bị cản trở.

5- Đau vùng chậu: đau bàng quang, niệu đạo; đau âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn; đau vùng chậu có hay không theo chu kỳ; đau thần kinh thẹn.

LÊ THANH HÀ