Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những chẩn đoán thường gặp nhất các nước phương Tây. Ở Mỹ, có khoảng 1,5 triệu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp mỗi năm, trong đó có tới 30% bệnh nhân chết tại nhà trước khi vào đến bệnh viện.
Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp
Nhồi máu cơ tim cấp là một trong những chẩn đoán thường gặp nhất các nước phương Tây. Ở Mỹ, có khoảng 1,5 triệu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp mỗi năm, trong đó có tới 30% bệnh nhân chết tại nhà trước khi vào đến bệnh viện.
Ở VN, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ người mắc bệnh này, nhưng hằng ngày vẫn có người chết do nhồi máu cơ tim cấp.
Nhồi máu cơ tim cấp do đâu ?
Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam – giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, nhồi máu cơ tim cấp thường xảy ra khi có một sự suy giảm đột ngột dòng chảy của máu trong động mạch vành (động mạch chính nuôi và cung cấp năng lượng cho hoạt động của cơ tim). Sự suy giảm này gây ra bởi hiện tượng tắc nghẽn của động mạch vành mà chủ yếu do mảng xơ vữa động mạch hoặc do cục máu đông hình thành tại chỗ hoặc từ nơi khác di chuyển đến. Mảng xơ vữa và cục máu đông được hình thành do một số yếu tố như: hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn đông máu, rối loạn chuyển hóa chất béo…
Trong một số ít trường hợp, nhồi máu cơ tim cấp có thể xảy ra ở những bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh, co thắt mạch vành, các bệnh về hệ thống, các bệnh tự miễn…, tùy vào vị trí động mạch bị tắc và vùng cơ tim được động mạch đó nuôi dưỡng mà bệnh nhân có những triệu chứng nặng, nhẹ khác nhau. Với những tổn thương nặng và lan toả, bệnh nhân có thể bị vỡ cơ tim do hoại tử vùng thiếu máu nuôi dưỡng. Khi xảy ra tình trạng này, rất khó cứu được tính mạng.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh
Tỷ lệ tử vong cao nhất vì nhồi máu cơ tim xảy ra chính là vào giờ đầu tiên. Bởi vậy, việc chạy đua với thời gian là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng của bệnh nhân. Bác sĩ Hoài Nam cho biết cái khó nhất của bệnh này là có đến hơn 50% bệnh nhân không hề có các triệu chứng báo trước nên việc phòng ngừa rất khó thực hiện. Một số bệnh nhân nếu hỏi bệnh kỹ mới có thể tìm thấy một số yếu tố mang tính chất thúc đẩy bệnh bộc phát như: gắng sức về thể lực, các chấn thương về tình cảm, các bệnh nội ngoại khoa khác mà bệnh nhân đang mắc phải… Không chỉ vậy, thời điểm bệnh tấn công cũng rất đa dạng. Cơn nhồi máu cơ tim cấp có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong ngày nhưng chủ yếu là vào buổi sáng, vài giờ sau khi thức giấc.
Trong phần lớn các trường hợp, người bệnh sẽ thấy đau ngực dữ dội đến khó chịu, nhiều người còn mô tả rằng chưa bao giờ đau nhiều đến như vậy. Cảm giác đau phát ra từ nội tạng mà họ thường dùng từ: đè nặng, xoáy và ép để mô tả cơn đau. Trường hợp điển hình là đau ở phần giữa ngực kết hợp với đau vùng thượng vị, có những trường hợp chỉ đau vùng thượng vị đơn thuần và nhiều người lầm tưởng bị đau dạ dày, nên đôi khi được chẩn đoán loét dạ dày, tá tràng. Ngoài ra, có đến 30% các trường hợp cơn đau lan ra cánh tay trái, và những trường hợp hiếm hơn là cơn đau lan tới bụng, ra sau lưng, hàm dưới và cổ, nên cũng dễ lầm với các bệnh khác. Kèm theo cơn đau ngực là các dấu hiệu như: mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng, nằm không yên, đổ mồ hôi, chóng mặt, nôn mửa…
Một điều đáng lo ngại khác là có khoảng 25-20% bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoàn toàn không bị đau ngực. Theo thống kê, tỷ lệ nhồi máu cơ tim không có triệu chứng đau ngực ở phụ nữ thường cao hơn nam giới và ở những bệnh nhân bị tiểu đường tỷ lệ này cũng tăng lên theo chiều, hướng tỷ lệ thuận với tuổi tác.
Ở những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh có thể khởi đầu không phải bằng triệu chứng đau ngực mà bằng triệu chứng khó thở, mất ý thức đột ngột, lú lẫn, cảm giác mệt mỏi rã rời, rối loạn nhịp tim, đôi khi chỉ biểu hiện bằng một tình trạng choáng đột ngột mà không giải thích được nguyên do.
Có thể phòng ngừa
Mặc dù là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nhưng vẫn có thể phòng ngừa được nếu thay đổi lối sống bằng cách tránh các thói quen xấu, như: không hút thuốc lá vì đây là yếu tố nguy cơ thúc đẩy quá trình nhồi máu cơ tim; thường xuyên tập thể dục, hạn chế stress, tránh béo phì bằng việc thực hiện chế độ ăn uống hợp lý bao gồm nhiều cá, rau củ, hải sản, trái cây tươi. Ngoài ra, nên kiêng ăn các chất béo bão hoà như thịt mỡ, da động vật, hạn chế các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng gia cầm, tim, gan động vật, bơ, kem, sô cô la. Bên cạnh đó cũng cần điều trị tốt bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Ngoài ra, một số bằng chứng khoa học còn cho thấy thêm rượu chát đỏ vào các bữa ăn có thể giúp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim cấp.
Với những bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp, trước khi ra viện, cần được hướng dẫn các phương pháp tập luyện, hoạt động thể lực, chế độ dinh dưỡng. Sau khi về nhà, nếu thấy xuất hiện cơn đau thắt ngực, cần lưu ý ngưng ngay hoạt động và các công việc đang làm, cố gắng nằm nghỉ ngơi và gọi cho người thân. Nếu sau 15 phút, tình trạng đau không đỡ, cần phải nhập viện ngay, bác sĩ Hoài Nam khuyến cáo.
Cẩm Nhung