“Cầu mong đất nước luôn yên bình”
Đó là câu nói mà các PV Tuổi Trẻ nghe được nhiều nhất từ đông đảo người dân đổ về trung tâm TP.HCM tối 30-4 để thưởng thức pháo hoa, văn nghệ mừng kỷ niệm 40 năm đất nước thống nhất…
“Cầu mong đất nước luôn yên bình”
Đó là câu nói mà các PV Tuổi Trẻ nghe được nhiều nhất từ đông đảo người dân đổ về trung tâm TP.HCM tối 30-4 để thưởng thức pháo hoa, văn nghệ mừng kỷ niệm 40 năm đất nước thống nhất…
Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật Đất nước trọn niềm vui tại đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM tối 30-4 – Ảnh: Quang Định |
TP.HCM đêm 30-4-2015 thật tưng bừng, náo nhiệt khi hàng triệu người dân đổ về trung tâm để thưởng thức hai chương trình lớn kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đó là bắn pháo hoa nghệ thuật và “Đất nước trọn niềm vui”.
Những ánh mắt biết cười
Dù 21g45 mới bắt đầu chương trình bắn pháo hoa, nhưng từ lúc 19g30 hàng trăm người đã nôn nao đổ về cầu Thủ Thiêm (Q.2) để tìm vị trí đẹp nhất. Vì không được dừng xe trên cầu nên người dân thành phố đã dồn về khu đất trống dưới chân cầu làm điểm “tập kết” lý tưởng.
Nhiều bạn trẻ mang theo máy ảnh “khủng”, máy quay xịn với chân máy rất “nhà nghề” để săn ảnh, quay hình. Trên gò đất cao, hàng trăm gia đình dẫn theo con nhỏ, nhóm bạn trẻ tụ tập, chọn vị trí đẹp, cao nhất để ngắm trọn vẹn màn bắn pháo hoa.
Chúng tôi nhận ra trong đám đông có khá nhiều bạn trẻ đạp xe đạp, trán vẫn còn rịn mồ hôi – có lẽ đã đi một quãng đường khá xa. Khá nhiều người bán đồ ăn vặt cũng tạm dừng cuộc mưu sinh, tụ tập thành nhóm, cười nói rất vui.
Ánh mắt ai cũng đổ dồn về phía toà nhà Bitexco, nơi sẽ bắn pháo hoa nghệ thuật. Chị Bùi Thị Hương (Q.Tân Bình) tối nay mặc một chiếc đầm thật đẹp, trang điểm kỹ, dẫn theo hai cô con gái nhỏ được mẹ thắt bím tóc điệu đà, diện chiếc váy thật xinh. Chị cười bảo: “Ba mẹ con đi xem pháo hoa cũng phải ăn mặc đẹp chứ”.
>> Trình diễn pháo hoa TP.Hồ Chí Minh
Chị Trần Thuý Lan cho biết chị và mẹ chồng (85 tuổi) cùng hai con đón taxi từ Q.Phú Nhuận ra đây từ lúc 20g vì sợ kẹt đường và không có chỗ đứng để xem pháo hoa.
“Ra đây nhìn mọi người tụ tập thật đông, đứng sát gần nhau, gương mặt ai cũng rạng rỡ, tươi tắn háo hức chờ đón xem pháo hoa, tôi thấy thật bình yên và hạnh phúc. Tôi cầu mong đất nước mình luôn được thanh bình như thế này” – chị Lan nói. Câu nói của chị Lan cũng là câu mà chúng tôi nghe được từ rất nhiều người dân khi hỏi về cảm xúc của họ.
Lẫn trong đám đông, ông Nguyễn Khắc Mạnh, 52 tuổi, đang công tác tại Trường ĐH Mỏ – địa chất Hà Nội, cho biết mình đi cùng thầy giáo. Ông Mạnh từng là quân nhân ở biên giới phía Bắc. Ông cho biết hai thầy trò rủ nhau vào Sài Gòn chơi ba ngày nhân dịp 30-4 và màn bắn pháo hoa là một trong những chương trình thầy trò ông chờ đợi nhất.
“Ngày trước khi đi bộ đội, chúng tôi chỉ ao ước được nhìn thấy cảnh người dân sống trong thanh bình, nhiều người đông vui hạnh phúc như tối hôm nay” – ông Mạnh nói mà ánh mắt như biết cười.
Mọi người reo ồ lên, vỗ tay đầy hào hứng, ánh mắt lấp lánh chỉ về những chùm pháo hoa đầu tiên lung linh hiện ra giữa trời đêm. Những tiếng cười đầy thích thú, tiếng vỗ tay vang lên liên tục từ đám đông. Một anh bán kẹo kéo còn ngẫu hứng bật nhạc sôi động khiến mọi người phấn khích, hò reo, nhún nhảy theo thật dễ thương.
Những em nhỏ được mẹ ẵm trên tay, đội trên vai bố cười nói ríu rít, vỗ tay liên tục mỗi khi pháo hoa bắn ra rực rỡ, hoành tráng trên nền trời.
Chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật đêm 30-4 thu hút đông đảo người dân TP.HCM thưởng lãm – Ảnh: Hữu Khoa – Thanh Tùng |
Đất nước trọn niềm vui
Trước đó, bắt đầu từ 20g, chương trình nghệ thuật đặc biệt Đất nước trọn niềm vui được tổ chức tại khu vực lễ đài ngã tư Lê Duẩn – Pasteur, công viên 30-4.
Chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật đêm 30-4 thu hút đông đảo người dân TP.HCM thưởng lãm – Ảnh: Hữu Khoa – Thanh Tùng |
Chương trình nghệ thuật mở màn bằng những hình ảnh tư liệu về cầu Hiền Lương nối liền đôi bờ Bến Hải – con sông chảy dọc theo vĩ tuyến 17, ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam. Biết bao đau thương, bao câu chuyện bi hùng đã diễn ra trên đôi bờ Bến Hải.
Vì độc lập tự do, khát vọng ngàn đời cháy bỏng thống nhất non sông nên “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Lời hiệu triệu của Bác Hồ cũng là lời của núi sông, cũng là quyết tâm sắt đá của con Lạc cháu Hồng.
Từ đó, những câu chuyện lịch sử đầy bi tráng, hào hùng với chín năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm trường kỳ chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, rồi bắt tay xây dựng lại quê hương, xây dựng lại thành phố, bảo vệ biển đảo… đã được tái diễn trong một chương trình nghệ thuật, sân khấu hóa quy mô nhất từ trước đến nay với gần 30 ca khúc tiêu biểu của từng thời kỳ và 17 tiết mục hoành tráng.
Khoảng 5.000 đại biểu cùng đông đảo khán giả bên đường đã không thể rời mắt khỏi sân khấu rộng lớn, khỏi những màn hình trực tiếp đặt dọc trục đường Lê Duẩn, mải mê theo dõi chương trình.
Khá nhiều người dân cũng đã vây kín khu vực ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Lê Duẩn, hướng chính nhìn thấy sân khấu, để thưởng thức chương trình từ xa thông qua các màn hình gắn ở trục đường Lê Duẩn.
Một nhóm bạn trẻ là sinh viên Đại học Sài Gòn chia sẻ: “Chúng tôi biết chương trình có truyền hình trực tiếp nhưng vẫn muốn được thưởng thức ngay tại sân khấu để cảm nhận được hết không khí, nét đặc sắc của chương trình”.
Một nhóm bạn người Thái cũng có mặt trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Kale Kamboh, một bạn trong số đó, thổ lộ: “Chúng tôi đến nước bạn du lịch. Qua một vài người xung quanh, chúng tôi biết đây là một chương trình đặc biệt, mừng lễ của các bạn. Thật lòng không rõ lắm, nghe nhạc và lời dẫn cũng không hiểu ý nghĩa nhưng chúng tôi thấy chương trình thật lớn, nhiều màu sắc và thu hút qua những giai điệu hùng hồn, mạnh mẽ”.
>> Chương trình nghệ thuật Đất nước trọn niềm vui – Phần 1
>> Phần 2
>> Phần 3
>> Phần 4
>> Phần 5
>> Phần 6
>> Phần 7