10/01/2025

Ẩn hoạ khi ăn cá ở kênh ô nhiễm

Tại một số kênh rạch ở TP.HCM như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm… động thực vật thuỷ sinh sống ở đây có thể chứa nhiều mầm bệnh gây độc cho người

 

Ẩn hoạ khi ăn cá ở kênh ô nhiễm

 

Tại một số kênh rạch ở TP.HCM như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hoá – Lò Gốm… động thực vật thuỷ sinh sống ở đây có thể chứa nhiều mầm bệnh gây độc cho người, trong khi cá thả dưới kênh giúp làm sạch bớt nguồn nước ô nhiễm. 


 

 

Câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, P.13, Q.3, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Do vậy cá ở đây như “cái giẻ” lau sạch bụi bẩn, chất độc, mầm bệnh nên không dùng để ăn!

Cá nhiễm chì

Trong nước kênh rạch bẩn có rất nhiều kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, arsen, cadmium, chrome, kẽm, mangan…

Các kim loại nặng thường tích luỹ dần trong cơ thể động thực vật thuỷ sinh và khi ăn chúng ta bị nhiễm độc những kim loại nặng này.

Kim loại nặng có thể phá huỷ tế bào tạo máu, tế bào non trong tuỷ, gan, thận gây suy gan, suy thận, làm tổn thương dạng viêm ở đường tiêu hoá, loãng xương, tổn thương tế bào máu. Về lâu dài kim loại nặng cũng là tác nhân gây ung thư.

Một kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Y tế công cộng, Cục An toàn thực phẩm và Viện Chăn nuôi quốc tế cho thấy đến 100% mẫu rau muống và cá rô phi được khai thác từ sông Nhuệ bị nhiễm chì.

Cá rô phi còn nhiễm chất cadimi – kim loại có độc tính. Nhóm nghiên cứu cũng nhận định: “Việc ô nhiễm các kim loại nặng trong nước và thực phẩm tại sông Nhuệ chảy qua lưu vực Hà Nội và Hà Nam, trong đó có rau muống và cá rô phi, đang là mối nguy cơ đe doạ lớn đối với sức khoẻ nhiều người tiêu dùng và cộng đồng”.

Nước kênh rạch ô nhiễm chứa rất nhiều côn trùng, nguyên sinh vật, ký sinh trùng, vi trùng, siêu vi gây nhiều bệnh nguy hiểm như nhiễm trùng đường ruột, bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn, giun nhái, sán lá gan, sán nhái và nhiều siêu vi gây bệnh như viêm gan A, rota virút…

Nuôi cá làm sạch nước

Có nhiều cách giảm ô nhiễm nguồn nước dựa trên nguyên lý cơ học (lắng, lọc), quá trình hóa học (oxy hóa, hấp thụ, hấp phụ), vi sinh vật có sẵn trong tự nhiên nhằm phân huỷ các hợp chất hữu cơ trong nước thải ô nhiễm, nuôi trồng động thực vật thuỷ sinh (nuôi cá, trồng bèo Nhật Bản, sậy, cỏ vetiver, cỏ voi, cỏ signal…).

Nước bẩn trong kênh rạch đô thị thường nhiễm chất tẩy rửa, thức ăn, nước thải, xác động vật nên có nhiều nitơ và photphat cao gây ra hiện tượng “phú dưỡng” nguồn nước khiến các loài rêu, rong, tảo phát triển mạnh.

Cũng như thực vật, rong, tảo sẽ hô hấp lấy oxy, nhả cacbonic làm nguồn nước càng ô nhiễm thêm.

Một cách đơn giản diệt loài tảo này là nuôi các loài cá ăn thực vật như trắm cỏ, mè hoa hay chép. Theo tính toán, mỗi con cá mè trắng hay cá chép trong cuộc đời có thể ăn đến 50kg tảo và các loại sinh vật phù du.

Kinh nghiệm của Trung Quốc, ở các hồ nước tảo phát triển mạnh người ta thả cả chục triệu cá chép xanh và cá mè trắng để làm sạch hồ.

Do vậy ăn cá, tôm… từ kênh rạch nhiễm bẩn là đầu độc mình.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI