05/01/2025

Diện mạo mới TP.HCM

Sáng 29-4, đường Nguyễn Huệ ở trung tâm TP.HCM đã chính thức mở cửa. Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về tham quan.

 

Diện mạo mới TP.HCM

 

Sáng 29-4, đường Nguyễn Huệ ở trung tâm TP.HCM đã chính thức mở cửa. Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về tham quan. 




 

 

Đường Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) nhìn từ bờ sông Sài Gòn về phía trụ sở UBND TP.HCM (ảnh chụp lúc 18g30 ngày 29-4) – Ảnh: Hữu Khoa

Trong khi nhiều bạn trẻ tạo dáng chụp ảnh trên đường, người già tản bộ thì rất nhiều trẻ em thích thú quẩn quanh vui đùa ở khu vực đài phun nước.

Diện mạo mới của đường Nguyễn Huệ biến nơi đây thành một quảng trường mới của TP.

Săn ảnh đẹp

Chiều tối, phía trước tòa nhà UBND TP.HCM rất đông bạn trẻ thích thú tạo dáng chụp ảnh đủ kiểu. Dù đứng ở phía tòa nhà UBND hay xoay về phía cảng Bạch Đằng xa xa, hoặc ở ngay giữa con đường, người chụp vẫn dễ dàng có được bức ảnh đẹp vì các tòa nhà hai bên đường đều sáng rực đèn.

Nhóm bạn bảy người của Ngân Hà và Minh Phúc – hai sinh viên ĐH Kinh tế – cho biết đã cùng nhau chụp hình ở khu vực này cả tiếng đồng hồ.

WiFi miễn phí

Ông Nguyễn Thành Chung, giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết sẽ có 160 dải ghế được bố trí trên đường Nguyễn Huệ. Loại ghế này được làm bằng gỗ của những cây dầu đã đốn hạ tại khu vực trước Nhà hát TP (phục vụ tuyến metro số 1 trước đây). Ngoài ra kể từ ngày 15-5 sẽ trang bị hệ thống WiFi miễn phí trên trục đường này.

“Ở đây rộng rãi, mát mẻ và tụi mình đã có được rất nhiều tấm hình đẹp” – Phúc nói. Còn nhóm của Châu Bình, sinh viên ĐH Hoa Sen, cho biết: “Tụi mình đi từ nhà ở Q.11 qua đây, không ngờ nơi này thoáng mát và đông vui như vậy, đẹp hơn so với lúc trước”.

Bà Đoàn Thị Bích Hoàn, 86 tuổi, đến từ Q.Gò Vấp, cho biết: “Mấy ngày rồi tôi rất háo hức muốn được đến xem mặt mũi phố đi bộ đầu tiên của TP như thế nào…”. Từ sáng sớm, người nhà đã đưa bà ra đây.

“TP mình bao nhiêu năm thống nhất mới có một đường dành riêng cho người đi bộ như thế này, ước gì mỗi quận huyện cũng có một đường như vậy thì hay quá” – bà Hoàn nói.

Còn anh Bình, nhà ở Q.Bình Tân, cũng tranh thủ ngày nghỉ đưa vợ con ra tham quan. Cậu con trai anh Bình gần 5 tuổi, lần đầu tiên thấy cảnh những vòi nước nhịp nhàng phun lên giữa mặt đường nên chạy ào vào chỗ phun nước, nhiều trẻ em khác thấy thế cũng ùa theo…

Ban ngày từ 7g-11g và từ 13g-18g, cứ cách một giờ sẽ phun nước một lần, mỗi lần kéo dài 15 phút. Ban đêm từ 19g-23g phun nước kết hợp với ánh sáng nghệ thuật, cách phun và thời gian phun nước giống như ban ngày.

Vào buổi chiều tối trời dịu mát, đường Nguyễn Huệ lộng lẫy hơn bởi hệ thống ánh sáng màu và đặc biệt hai khu vực phun nước kết hợp với ánh sáng nghệ thuật nên người dân đến tham quan còn đông đúc hơn.

Nhiều người sau khi tham quan cho rằng cần trang bị thêm các dãy ghế để người đi bộ mỏi chân có thể ngồi nghỉ mệt và mở thêm nhiều điểm bán nước giải khát ở hai bên đường.

Thị sát phố đi bộ trong sáng cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các đơn vị tăng cường lực lượng bảo vệ, hướng dẫn người dân tham quan và giữ gìn vệ sinh, trật tự lòng lề đường. Tuyệt đối không để tình trạng bán hàng rong, xả rác nhếch nhác và đi xe máy băng ngang đường dành cho người đi bộ.

Theo kế hoạch, hôm nay (30-4) khu vực đường Nguyễn Huệ cấm xe cộ lưu thông để phục vụ các hoạt động chào mừng 40 năm thống nhất đất nước cũng như kế hoạch bắn pháo hoa diễn ra lúc 21g45 cùng ngày. 

Người dân chụp ảnh trước trụ sở UBND TP.HCM – Ảnh: Hữu Khoa

Mong ước thành sự thật

Khu vực phun nước là nơi có nhiều người vây quanh nhất để xem phun nước và chụp hình. Các cột nước vọt lên cùng với sắc màu rực rỡ.

Thu Hương, nhân viên văn phòng làm việc ở tòa nhà gần đó, hào hứng: “Đáng lẽ giờ này tôi về nhà rồi, nhưng nán lại để ra đây. Tôi từng đi nước ngoài và mơ ước Sài Gòn cũng có. Giờ thì toại nguyện rồi!”. Vừa nói, Hương vừa lấy điện thoại quay lại cảnh nước phun.

Ý tưởng về những phố đi bộ, với những công trình ngầm dưới lòng đất, với đài phun nước theo nhạc… cũng từng xuất hiện trong đồ án tốt nghiệp của một chàng sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM cách đây 14 năm.

Đó là đồ án “Đô thị yên tĩnh” của sinh viên Phạm Tuấn Khanh, đoạt giải thưởng danh dự Ý tưởng sinh viên châu Á, do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới trao tặng năm 2002.

Hồi đó, chàng sinh viên đã mơ về một khu trung tâm TP với không gian đi bộ kết hợp thương mại, với hai trục đi bộ là đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi hướng ra sông Sài Gòn.

Khu chung cư cũ Eden trước toà nhà UBND TP sẽ biến mất và thay vào đó là thảm cỏ xanh, có nhạc nước. Dưới lòng đất sẽ là một công trình ngầm bảy tầng, với đủ các hoạt động mua sắm, giải trí, nhà ga xe điện ngầm…

Bây giờ, chàng sinh viên ấy là một kiến trúc sư công tác tại Sở Quy hoạch kiến trúc TP, giám đốc một công ty tư vấn thiết kế đầu tư xây dựng, giảng viên thỉnh giảng của ĐH Kiến trúc TP.HCM.

Trong chuyến dạo chơi sáng 29-4 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, chàng kiến trúc sư đã rất hào hứng khi nhìn công trình trong giấc mơ của mình đã và đang trở thành hiện thực.

Anh nói: “Những nghiên cứu khi đó của tôi là dựa trên kinh nghiệm của các đô thị lớn trên thế giới, chính là các quy luật của quy hoạch phát triển và giờ đây TP chúng ta đang đi theo đúng quy luật đó”.

Đứng từ khu vực tượng đài Bác Hồ nhìn ra, một không gian có cây, hoa, đài phun nước và từng nhóm người đi bộ, cảnh tượng ấy tưởng như chỉ có trong những bộ phim.

Nhìn những đứa bé nô đùa, những cô gái xúng xính áo dài đứng sát những cột nước để tạo dáng chụp hình, rồi những người đi đường ngoái nhìn, rút điện thoại ra chụp hình, anh Tuấn Khanh nói: “Tôi đang nghĩ đến một ngày gần đây, khi cây xanh cho bóng mát và xe điện ngầm bắt đầu hoạt động, sẽ có những khách đi tàu lên phố đi bộ để nghỉ ngơi và mua sắm…”.

* KTS NGUYỄN NGỌC DŨNG (TP.HCM):

Trục cảnh quan lịch sử của TP.HCM

Đúng nghĩa, đường Nguyễn Huệ hiện giờ là một quảng trường đi bộ chứ không phải là phố đi bộ. Đấy là một quảng trường mang tính đặc thù của TP.HCM, không giống bất kỳ một phố đi bộ hay quảng trường nào trên thế giới.

Đó là một trục cảnh quan kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của TP.HCM với 300 năm lịch sử. Trên trục cảnh quan này, có nhiều công trình cổ như tòa nhà trụ sở UBND TP, các trụ sở kho bạc và ngân hàng cũ, trụ sở ngân hàng thời trước 1975 và những công trình mới sau 1975…

Quảng trường này còn là một tiền đề để TP xây dựng lại cảnh quan bờ sông Sài Gòn, tạo ra một không gian mở thứ hai. Đây là điểm nhấn kế tiếp sau khi TP đã tạo ra những không gian mở ở đôi bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị nghè, Tân Hoá – Lò Gốm… trước đó.

Quảng trường đi bộ còn là một động lực để xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, kết nối với quảng trường và công viên bờ sông phía Thủ Thiêm, đem sông đến cho người dân TP. 

Trong tương lai, đường Tôn Đức Thắng có không gian ngầm kết nối với Thủ Thiêm. Nơi đây sẽ là một không gian mở rộng lớn, một điểm tham quan hấp dẫn, thú vị. Khi metro hình thành thì TP sẽ có thêm nhiều tuyến xe điện, xe buýt, taxi trên sông…

Người dân sẽ thấy Thủ Thiêm không còn xa cách, được hưởng trọn vẹn một không gian sông nước của Sài Gòn, trở lại bản sắc độc đáo trên bến dưới thuyền, cảnh quan sông nước, hình dung lại thuở lập quốc của tiền nhân.

Để trục đường đi bộ này trở thành điểm thân quen, điểm đến của du khách và người dân TP thì cơ quan chức năng nên có kịch bản phù hợp cho từng sự kiện như: kịch bản về lễ hội, đường hoa, về những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn, trọng đại của TP… Bên cạnh đó cần đặt thêm một số tượng, phù điêu để du khách thưởng lãm.

Trong tương lai, TP nên quy hoạch những con đường xương cá xung quanh quảng trường Nguyễn Huệ thành những con đường đi bộ với các chuyên đề khác nhau như đường sách, đường hoa, đường ăn uống, mua sắm, điêu khắc, chép tranh… để khu vực này đa dạng, thu hút và thú vị hơn.

K.YÊN ghi

Q.KHẢI – M.HOA – V.THỦY – Y.TRINH