07/01/2025

CN IV Phục Sinh B-2015: Đời sống thánh hiến của đàn chiên Chúa

Chúa Nhật thứ IV của mùa Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành. Mỗi người giáo dân chúng ta, tuy không phải là linh mục hay tu sĩ, vẫn được mời gọi thánh hiến đời sống cho Thiên Chúa.

 

Đời sống thánh hiến của đàn chiên Chúa

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Chúa Nhật thứ IV của mùa Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, luôn được dành để cầu nguyện cho ơn thiên triệu của các linh mục và tu sĩ. Nhân dịp Năm về Đời sống Thánh hiến, bắt đầu từ Chúa Nhật I MV 30/11/2014 và sẽ kết thúc vào lễ Chúa Giêsu Dâng Mình trong Đền thánh 2/2/2016, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã gửi cho tất cả những ai sống đời thánh hiến bức tông thư để chia sẻ những mơ ước và thúc đẩy họ sống trọn vẹn đời thánh hiến của mình.

Mỗi người giáo dân chúng ta, tuy không phải là linh mục hay tu sĩ, vẫn được mời gọi thánh hiến đời sống cho Thiên Chúa. Hơn nữa, không ít người chúng ta đang là những thành viên của Dòng Ba Đa Minh, Phan Sinh, Cát Minh, Mến Thánh Giá Tại thế…, cũng đang theo đuổi những lý tưởng của đời sống thánh hiến, nên bức tông thư này cũng được gửi tới cho chúng ta. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, chúng ta được mời gọi nhìn lại những gì trong quá khứ để hướng đến tương lai như trong lời chia sẻ của ĐTC gửi đến chúng ta.

1. Nội dung bức tông thư

Trong phần đầu của bức tông thư, ngài mời gọi chúng ta nhìn vào 3 mục tiêu của đời sống thánh hiến năm nay, đó là nhìn về quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với lòng say mê, nhắm đến tương lai với niềm hy vọng.

1.1. Nhìn về quá khứ với lòng biết ơn. Thật sự, rất nhiều linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân được mời gọi nhìn lại quá khứ của dòng tu với vị sáng lập, để cảm tạ vì bao ân huệ mà Thiên Chúa ban cho dòng mình trong giai đoạn khởi đầu. Nhất là nhìn xa hơn để biết trở về nguồn của mọi đời thánh hiến là Đức Giêsu Phục Sinh và xuất phát lại từ Người, cũng như cảm tạ Người đã cho ta được thông phần vào đời sống kỳ diệu của chính Thiên Chúa.

Nhân dịp này, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại quá khứ của dân tộc cách đây 40 năm, với biết bao căng thẳng, mệt mỏi, mất mát, tàn phá, chết chóc của cuộc chiến, với đau khổ và vui sướng, thất bại và chiến thắng của người bên này và bên kia, dù cả hai đều là đồng bào và là con của Mẹ Việt Nam. Nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, vì tất cả những thứ ấy đều là ân sủng mà Chúa ban cho mỗi người cũng như cho dân tộc.

Thật ra chúng ta rất thông cảm với một số anh chị em ta đang nhìn về quá khứ với lòng thù hận vì nhớ lại những ngày tháng đau khổ mình trải qua; những mất mát về vật chất và tinh thần mình phải chịu đựng trong những đợt “cải tạo”; nhớ lại người thân bạn bè gục chết trên những con đường “di tản”, hay bị bọn hải tặc hãm hiếp ngay trước mặt trong các cuộc vượt biên, bị ném xác xuống biển vì đói khát. Những vết thương lòng ấy hầu như không bao giờ khép lại, hoặc nếu có khép được thì cũng vẫn để lại những vết sẹo xấu xí trên da thịt cũng như trong lòng của con người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể chữa lành vết thương lòng và xoá đi những vết sẹo này bằng tình yêu của Chúa và bằng sự dâng hiến của ta.

Vì thế, ĐTC mời gọi chúng ta hãy dâng quá khứ đó cho Thiên Chúa và đón nhận với lòng biết ơn, bởi vì chúng ta không ai mất mát bất cứ một người nào hay vật gì khi chúng ta biết hiến dâng cho Chúa. Tất cả luôn hiện diện trước mặt Chúa và xung quanh chúng ta. Chúa sẽ bù đắp cho những bất công chúng ta phải chịu và ban thưởng cho tất cả những cố gắng tốt đẹp của con người. Nếu chúng ta dâng lên Chúa với lòng biết ơn, chúng ta sẽ thấy chúng ta luôn giữ tất cả mọi người và mọi vật trong niềm vui và bình an vì đó là những ân sủng của Chúa.

1.2. Sống hiện tại với lòng say mê. Chúng ta được mời gọi để thấy những dòng tu phát triển một cách nhanh chóng và mạnh mẽ. Cách đây 40 năm, số linh mục chỉ bằng 1/4 bây giờ, số tu sĩ nam nữ cũng chỉ bằng 1/6 hiện tại. Hiện nay chúng ta có gần 5.000 linh mục, 5.000 chủng sinh và hơn 20.000 tu sĩ nam nữ – chưa kể số giáo dân sống đời tận hiến thì còn nhiều hơn gấp bội. Tất cả chúng ta đang được mời gọi để gắn bó với Chúa Giêsu Phục Sinh, Người là chủ chiên, là mục tử nhân lành đã chết vì đàn chiên để có thể chia sẻ sự sống kỳ diệu, tình yêu vô biên và quyền năng phi thường cho mỗi con chiên của mình.

Khi gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta lại được mời gọi nhìn vào hiện tại của đất nước và gia đình nhân loại để chia sẻ tất cả những ân huệ kỳ diệu của Đấng Phục Sinh cho mọi người. Bao nhiêu những con người nghèo khó, bệnh tật, bị ma quỷ kiềm chế, bị những tham vọng và dục vọng trói buộc đang mời gọi chúng ta đem lại niềm vui, bình an và ơn giải thoát cho họ.

1.3. Nhắm đến tương lai với niềm hy vọng. Chúng ta biết rằng đời sống thánh hiến đang gặp nhiều khó khăn như ơn gọi sụt giảm, trong khi tu sĩ và linh mục càng ngày càng già yếu, không được xã hội  trân trọng, sống thiếu thốn vì không đủ tài chính và tự mình cũng không thể kiếm việc làm… Có người bi quan nghĩ đến đời tu không cần thiết trong xã hội hôm nay, nghĩ đến những linh mục hầu như không còn hiệu quả trong thời buổi hiện tại vì người ta không còn theo đạo hay người ta bỏ chính đạo mình tham dự.

Nhìn vào dân tộc Việt Nam với nền đạo đức suy đồi hiện nay, với nỗi lo vì người Trung Quốc đang lấn chiếm Biển Đông, vì nền kinh tế đầy những bấp bênh và thua lỗ, vì sự nghiệp giáo dục cho người dân còn nhiều thiếu sót.. nhiều người nhìn về tương lai với lòng nặng trĩu ưu phiền.

ĐTC mời gọi chúng ta nhớ rằng “không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được” (Lc 1,37) và đời thánh hiến đang rất cần thiết để giữ cho dân tộc và thế giới tiến bước về tương lai với sự bình an, phát triển và hạnh phúc. Nếu không có những con người thánh hiến cho Thiên Chúa, có lẽ nền đạo đức của dân tộc còn xuống cấp một cách trầm trọng hơn nhiều. Xã hội Việt Nam cũng như nhân loại đang cần đến chúng ta, đang cần đến những con người thánh hiến đời mình cho Thiên Chúa để có thể chia sẻ cho họ tất cả niềm vui, bình an và hạnh phúc mà từng giây phút Chúa ban cho chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy nhìn vào tương lai với tất cả niềm hy vọng nơi Chúa.

2. Những mong đợi cho Năm Đời sống Thánh hiến

Vậy để có thể thực hiện được các mục tiêu này, ĐTC giới thiệu cho chúng ta 5 điểm cơ bản. Đó là “sống niềm vui, sống ngôn sứ, sống hiệp thông, ra khỏi nhà, lắng nghe tiếng Thánh Linh và các nhu cầu của thời đại”. Năm điểm này là cơ bản cho từng linh mục, tu sĩ và giáo dân sống đời thánh hiến có thể thực hiện được những mục tiêu tốt đẹp mà ĐTC mời gọi ta.

2.1. Sống niềm vui và hiệp thông

Đấng Phục Sinh luôn luôn ở với chúng ta, Người chia sẻ biết bao ân huệ của Thánh Thần cho chúng ta giống như Phêrô với người bất toại được chữa lành đứng bên cạnh (x. Cv 4,8-12), như một chứng từ để loan báo cho thế giới hôm nay, một thế giới luôn tin vào khoa học, tin vào vật chất, chiều theo những tham vọng và dục vọng của mình.

Họ rất cần đến những chứng nhân về đời sống phi thường, kỳ diệu mà Thiên Chúa muốn giới thiệu để chúng ta đưa những anh em lương dân được gia nhập vào đàn chiên của Chúa Giêsu. Chúng ta đang được mời gọi để sống trong niềm vui, gặp ai chúng ta cũng chia sẻ bằng ánh mắt thân thiện, bằng nụ cười tươi nở trên môi, bằng những hành động tốt đẹp, dù là nhỏ bé, cho họ thay vì những lời nói xấu, những ý nghĩ và hành động tiêu cực.

2.2. Sống ngôn sứ nhờ thở được Thần Khí của Chúa Phục Sinh

Đấng Phục Sinh ban cho chúng ta Thần Khí của Người, để chúng ta trở thành những ngôn sứ của thời đại hôm nay, dùng lời Tin Mừng “để đánh thức thế giới” khỏi cơn mê của vật chất, quyền lực và dục vọng. Mỗi lời của chúng ta đều là lời chữa lành, đều là lời mang lại niềm vui, hy vọng, giải thoát con người khỏi những kiềm chế của ma quỷ, tham vọng và dục vọng.

2.3. Ra khỏi nhà

Muốn đạt được những kết quả đó, ĐTC nói: “Chúng ta cần phải đi ra khỏi nhà của mình”. Nhà đó có thể là một tu viện mà nhiều tu sĩ cứ bám vào mà không dám đi ra cho những hoạt động sáng tạo hơn; nhà đó có thể là một khuôn viên với nhà thờ, nhà xứ mà linh mục bằng lòng với đời sống an nhàn, không dám đi hoà mình vào đời sống xã hội; nhà đó có thể chính là tâm hồn nhỏ hẹp của mỗi người chúng ta khi đóng kín với những định kiến, ý nghĩ tiêu cực về người khác, về vạn vật và bản thân mình.

ĐTC mời gọi chúng ta hãy đi ra để nhìn thấy một thế giới tươi đẹp luôn luôn mở ra cho chúng ta; nhìn thấy những con người bất hạnh, nghèo khó, túng cực đang cần đến chúng ta; nhìn thấy những ơn lành của Thánh Thần ban cho chúng ta để chia sẻ cho họ.

Lời kết

 

Có như thế chúng ta mới trở thành chứng nhân của Đấng Phục Sinh, chứng nhân của đời sống thánh hiến mà ĐTC đang mời gọi mỗi người.