07/01/2025

Diễn đàn Học sinh (Sân Chư dân) lần thứ ba: “Thành phố, Babel hay Jerusalem?”

Ngày thứ Hai 27-4-2015, “Diễn đàn Học sinh” lần thứ ba đã diễn ra tại MAXXI (Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia (Italia) thế kỷ XXI). Sáng kiến tổ chức Diễn đàn này nằm trong chương trình hợp tác của “Sân Chư dân” và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Italia, dành cho các học sinh năm cuối bậc trung học.

Diễn đàn Học sinh (Sân Chư dân) lần thứ ba: “Thành phố, Babel hay Jerusalem?”
 
WHĐ (28.04.2015) – Ngày thứ Hai 27-4-2015, “Diễn đàn Học sinh” lần thứ ba đã diễn ra tại MAXXI (Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia (Italia) thế kỷ XXI). Sáng kiến tổ chức Diễn đàn này nằm trong chương trình hợp tác của “Sân Chư dân” và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của Italia, dành cho các học sinh năm cuối bậc trung học.

Hãng tin Zenit đã có cuộc trao đổi với Cha Laurent Mazas, Giám đốc Tổ chức “Sân Chư dân” về Diễn đàn này – với chủ đề “Thành phố, Babel hay Jerusalem?” – như sau:

– Tại sao cần có một “Diễn đàn Học sinh” của “Sân Chư dân”?

– Từ lâu một giáo sư dạy môn tôn giáo học của một trường trung học công lập lớn ở Roma đã xin tôi quan tâm đến người trẻ và cho họ cơ hội suy tư về những chủ đề lớn của cuộc sống theo tinh thần của “Sân Chư dân”, điều mà chính bản thân ông đã trải nghiệm trong lớp học của mình với một số học sinh không tin nhưng lại quan tâm đến các lớp học về tôn giáo. Điều này nhằm cung cấp hành trang văn hoá cho học sinh để họ đối diện với tương lai, khởi đi từ các cuộc trao đổi này – là nơi họ có thể đặt câu hỏi với các nhân vật thuộc nhiều niềm tin khác nhau và chuyên môn khác nhau.

– Đây là lần thứ ba diễn đàn này được tổ chức: điều đó có nghĩa là hai lần trước đã có những kết quả tốt đẹp?

– Hai diễn đàn trước bàn về “Kinh tế và Tình Liên đới” và “Âm nhạc” đã thành công mỹ mãn. Tôi đã ngạc nhiên một cách thích thú về mức độ chuyên môn và thích hợp của các câu hỏi của các học sinh đến từ 7 hoặc 8 trường công lập của Roma. Không phải là chuyện bình thường khi thấy các học sinh trẻ “tranh luận” với một cựu Thủ tướng hay đối thoại với tay guitar của một ban nhạc tên tuổi khắp thế giới như Dire Straits.

– Xin cha giải thích chủ đề lần này: “Thành phố, Babel hay Jerusalem?”

– Việc suy tư về thành phố là cần thiết không chỉ để giúp những người trẻ mở mắt về những gì đang diễn ra ở một số vùng ngoại ô, mà còn để hiểu mối quan hệ giữa “nơi chốn” và “đền thờ”. Babel là thành phố đa văn hoá tiêu biểu nhất và là biểu tượng của một thế giới muốn tự xây dựng mà không cần đến Thiên Chúa; Jerusalem là thành phố của Đền thờ, nhưng dù được dâng hiến để trở thành Thành phố Hoà bình, thật đáng buồn ngày nay nó lại là biểu tượng của sự chia rẽ giữa các tôn giáo và, nếu bạn nghĩ đến điều xảy ra bên trong Mộ Thánh Chúa, giữa các tôn giáo cùng dựa vào Đức Kitô.

– Việc tổ chức diễn dàn này tại MAXXI (Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia thế kỷ XXI) sẽ mang lại điều gì?

– Các diễn đàn của chương trình này luôn được tổ chức ở những nơi công cộng. MAXXI là một nơi mang tính biểu tượng của cuộc đối thoại giữa văn hoá và hiện đại.

– Kiến trúc, văn hoá, văn học và an ninh, đó là các lĩnh vực chuyên môn của các diễn giả: Tại sao có sự lựa chọn này?


– Các kiến ​​trúc là điều thiết yếu để làm cho các thành phố nhân văn hơn. Có những kiến ​​trúc sư hăng hái thay đổi không gian để tạo nên một cuộc sống chung tốt đẹp hơn. Đây cũng là điều được những người thúc đẩy cuộc đối thoại giữa các nền văn hoá trong các thành phố của chúng ta sử dụng, vì đó là nơi hội tụ làn sóng người nhập cư không ngừng từ khắp nơi trên thế giới. Tội phạm, ma túy, mafia sống được là nhờ tình trạng mất cân bằng xã hội. Kể chuyện cũng là một cách để hiểu được những mất cân đối này, và còn mở ra con đường của hy vọng. Lẽ ra chúng tôi đã có thể mời nhiều diễn viên khác của đời sống thành phố: giao thông, chính sách đô thị, chính sách văn hoá…

– Chủ đề Diễn đàn lấy cảm hứng từ những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đẹp biết bao những thành phố vượt qua được thái độ nghi kỵ tê cứng của mình để đón nhận những người khác với mình và làm cho sự hội nhập này trở thành một nhân tố phát triển mới! Đẹp biết bao những thành phố mà, ngay cả trong thiết kế kiến trúc của chúng, có đầy những không gian để nối kết, liên hệ và tạo thuận lợi cho sự nhìn nhận người khác!” (Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, 210)…

– Những lời ấy thật mạnh mẽ: thành phố sẽ đẹp khi những người sống trong đó xử sự như những công dân, nghĩa là chia sẻ thành phố ấy với nhau. Không có tình huynh đệ thì không có tự do.

– Cha có được Bộ Giáo dục và Nghiên cứu của chính phủ Italia giúp đỡ không?

– Chúng tôi đã ký một biên bản thoả thuận với Bộ, công nhận Diễn đàn này vốn mang tính giáo dục cao qua những kiến nghị về văn hoá. Ngoài các “Diễn đàn Học sinh”, chúng tôi còn tổ chức cho tất cả các học sinh ở Italia có mong muốn, một cuộc thi quốc gia về các chủ đề của riêng của chúng tôi. Chính phủ Italia không ngại đón nhận một sáng kiến ​​văn hoá của Toà Thánh vốn không có mục đích nào khác ngoài việc giáo dục người trẻ biết gặp gỡ và lắng nghe người khác với những khác biệt, để cùng nhau tìm kiếm chân thiện mỹ.

– Cha mong muốn điều gì sau sự kiện này?

– Sẽ là rất tốt đẹp nếu như kiểu gặp gỡ này được thực hiện trên khắp thế giới. Những người trẻ của chúng ta cần có các công cụ văn hoá để đối mặt với tương lai, và để bước vào chiều kích đối thoại này của cuộc sống. Để được như thế chúng ta phải cho họ không gian gặp gỡ và đối thoại để giáo dục họ biết trao đổi các quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm.