Vài suy tư về tôn giáo ở Nhật Bản
Nhân dịp sang Nhật Bản, Hành Khất Kitô xin chia sẻ với các bạn vài hình ảnh và suy tư về tôn giáo tại Nhật Bản. Cầu chúc các bạn luôn an mạnh, tràn đầy niềm vui và niềm hy vọng vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
Vài suy tư về tôn giáo ở Nhật Bản
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Nhân dịp sang Nhật Bản, Hành Khất Kitô xin chia sẻ với các bạn vài hình ảnh và suy tư về tôn giáo tại Nhật Bản.
1. Thống kê về tôn giáo
Ba tôn giáo lớn của Nhật Bản là Thần đạo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Theo Niên giám Tôn giáo năm 1997 do Cục Văn hoá soạn, tổng số người theo các đạo lên tới 207 triệu 758 nghìn người. Số người theo Thần đạo là 102 triệu 213 nghìn, chiếm 49,2%; số người theo đạo Phật là hơn 91 triệu 583 nghìn, chiếm 44,1%; theo đạo Thiên Chúa là 3 triệu 168 nghìn, chiếm 1,5%, 5,2%; còn lại theo các tôn giáo khác.
Cô thiếu nữ Nhật ở chùa Senso
Nhìn vào số lượng tín đồ, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì cao gần gấp đôi dân số Nhật. Niên giám tôn giáo nêu lý do rằng, dựa trên cơ sở truyền thống lịch sử và tính dân tộc, việc 1 người được coi là tín đồ của 2 đạo rất phổ biến (x. Nguồn Internet, mục Tôn giáo Nhật Bản, Bài Tín ngưỡng, tôn giáo tại Nhật Bản, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản INAS; Bài Tôn giáo ở Nhật Bản, Trung tâm VJCC). Theo thống kê của Toà Thánh Vatican, số người Công giáo năm 2013 ở Nhật là 542.000 trên tổng số 127 triệu dân, chiếm tỷ lệ 0,4% dân số (x. Our Sunday Visitor, 2015 Catholic Almanac, USA, tr. 315).
2. Thần đạo
Thần đạo (đạo Shinto) là tôn giáo độc đáo của Nhật Bản. Thời xưa, người Nhật có quan niệm rằng trên đất nước mình có nhiều vị thần. Họ coi tất cả những vật chất hay hiện tượng mang tính thần bí, đáng kính sợ đều là những vị thần.
Đền Thần đạo trong khu phố nhỏ
Ngoài ra, người Nhật tin rằng mỗi dòng họ, mỗi xã đều có vị thần tổ tiên, vị thần xã riêng. Vì vậy, trong tiếng Nhật có cụm từ “tám trăm vạn vị thần”. Cách suy nghĩ này hiện nay vẫn còn tồn tại. Hoàng gia cũng có vị thần riêng. Đó là Amaterasu-o-mi-kami – thần Mặt trời. Núi Phú Sĩ và các núi cao khác cũng được coi là thần. Có một số trường hợp, những người có cống hiến lớn, sau khi qua đời trở thành thần. Cách suy nghĩ này hơi giống như ở Việt Nam “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.
Đền Minh Trị Thiên Hoàng
Thần đạo ăn sâu vào tâm thức người Nhật nhờ tiếp xúc với nhiều nghi lễ và những tập tục trong đời sống thường ngày. Đi đến khu phố, quận huyện nào, hầu như chúng ta cũng thấy các đền thờ của Thần đạo.
Đền Yasukuni
3. Phật giáo
Trong thời Nara (thế kỷ 8), Phật giáo bắt đầu phát triển mạnh mẽ và nhiều đền chùa được dựng lên nhờ sự ủng hộ của Nhật Hoàng. Nhật Hoàng Shomu (701-756) lên ngôi vua năm 724 quy định lấy Phật giáo là “tôn giáo nhà nước”. Sau này, Minh Trị Thiên Hoàng (1868-1912) quy định Thần đạo là tôn giáo nhà nước và đàn áp Phật giáo. Nhưng chính phủ Minh Trị cho phép Phật giáo cùng tiếp tục tồn tại vì trong khoảng 1200 năm, Phật giáo đã đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và không thể nào xoá bỏ được ảnh hưởng của Phật giáo.
Chùa trong một khu phố nhỏ với tượng Phật qua các ngôi mộ
Chùa Daibutsu ở Kamakura
Cùng với Phật giáo, Nhật Bản thời Nara còn tiếp nhận một tôn giáo khác, đó là Khổng giáo. Đây là hệ thống lý luận, chuẩn mực đạo đức chính thống về văn hoá và chính trị của Trung Hoa. Nó được truyền bá vào Nhật Bản qua nhiều con đường mà mở đầu là con đường Triều Tiên. Những quy tắc và tư tưởng của đạo Khổng trong “Hiến Pháp 17 điều” của Thái tử Shotoku đã chứng tỏ được sức ảnh hưởng của Khổng giáo đối với nhà nước Nhật Bản.
Chùa Senso
Khổng giáo tác động lên khá nhiều mặt trong đời sống của người Nhật, đặc biệt là mặt đạo đức. Nhiều điều răn dạy của Khổng giáo đã được ghi chép tập hợp lại thành sách, trong đó “Hiếu kinh” được cho là cuốn sách không thể thiếu trong chương trình học của mỗi trường. Tuy nhiên, đối với người Nhật đạo Khổng còn nặng về lý thuyết nhiều hơn thực tế và người Nhật chỉ sử dụng những ngôn từ mượn từ đạo Khổng để duy trì luân lý đạo đức và đề cao trung hiếu.
4. Thiên Chúa giáo
So với Thần đạo và Phật giáo, lịch sử của Thiên Chúa giáo Nhật Bản tương đối trẻ. Năm 1549, nhà truyền giáo, linh mục Francisco de Xavier, dòng Tên, người Tây Ban Nha sang Nhật và lần đầu tiên giới thiệu tôn giáo này. Thời đó, cả triều đình và chính quyền Muromachi đều không có sức chi phối toàn quốc nữa, các sứ quân daimyo chia đất nước Nhật Bản thành nhiều khu vực và cai trị khu vực của mình. Những người truyền giáo Thiên Chúa giáo thời đó không chỉ giới thiệu Thiên Chúa giáo mà còn mang đến nhiều máy móc, kỹ thuật, ấn phẩm tiên tiến của phương Tây cũng như những điều mới lạ của các nước Đông Nam, Tây Nam Á. Vì vậy có một số sứ quân daimyo cho phép nhà truyền giáo hoạt động tại khu vực của mình để tranh thủ học hỏi kỹ thuật tiên tiến, giao dịch buôn bán…
Nhà thờ Chính toà ở Tokyo
Nhưng sau khi thống nhất đất nước, sứ quân Toyotomi Hideyoshi đã cấm các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo hoạt động trên lãnh thổ Nhật Bản vào năm 1587, khi đã có khoảng 150.000 người theo. Chính quyền Tokugawa sau đó cũng tiếp tục đẩy mạnh chính sách này, nghiêm cấm người Nhật theo Thiên Chúa giáo.
Đại học Công giáo Sophia (Thượng Trí Đại học) ở Tokyo
Năm 1637, tại vùng Shimabara-Amakusa (tỉnh Nagasaki hiện nay) cuộc chiến Shimabara bùng nổ, 37.000 tín đồ Thiên Chúa giáo trong khu vực này chiếm thành lũy, giao chiến với quân đội chính quyền. Sau đó, chính quyền tăng cường đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo tới mức những người theo đạo này phải che giấu tín ngưỡng của mình. Sau thời Minh Trị Duy Tân, chính sách cấm Thiên Chúa giáo được hủy bỏ. Nhiều nhà truyền giáo, hầu hết từ Mỹ, đã tới Nhật Bản để phổ biến Thiên Chúa giáo và đặt cơ sở tại Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội.
Một tu viện nữ ở Tokyo
5. Tôn giáo trong đời sống
Nhờ có lòng tin tôn giáo sâu xa, người Nhật sống rất tử tế, chân thực với nhau cũng như với mọi người vì tin rằng Thần Phật luôn nhìn thấu tâm hồn và hành vi của họ và thưởng phạt công minh, dù rằng trong xã hội vẫn còn có một vài trường hợp dối trá, gian lận, tham lam do yếu đuối, tham vọng và dục vọng che mờ lương tâm ngay chính của con người. Điều này ta thấy rõ ràng trong cách buôn bán giao tiếp của họ. Trong các cửa hàng bán lẻ, người ta không thấy có những thiết bị màn hình kiểm soát như tại Hoa Kỳ. Ở Nhật người mua tự động lấy hàng rồi trả tiền và hầu như chẳng bao giờ thấy mất hàng. Nếu lỡ để quên hàng hoá trong cửa hàng hay trên các phương tiện giao thông, người ta cũng không sợ bị mất.
Hồ nước thanh tẩy của một đền thờ Thần đạo trong khu phố
Đây cũng là mối ưu tư của chúng tôi khi đưa đoàn sinh viên Việt Nam du học và làm việc tại Nhật vào đầu tháng Tư vừa qua. Chúng tôi thấy tại những vùng có nhiều người Việt Nam sang Nhật để học hành và lao động, người ta đã cảnh báo nhau về tệ nạn ăn cắp. Chúng tôi đã nhắc nhở các em du học sinh phải giữ lương tâm ngay chính và bảo vệ danh dự dân tộc. Nhưng có lẽ vì thiếu niềm tin tôn giáo quá lâu, nhất là lại được giáo dục “tôn giáo như một thứ thuốc phiện ru ngủ quần chúng”, “một thứ tồn tại bất đắc dĩ trong thời kỳ quá độ” từ nhiều chục năm nay, nên không ít người Việt chúng ta đã tham lam vì nghĩ rằng không ai thấy việc ăn cắp của mình. Hy vọng từ nay chúng ta biết nhìn lại chính mình và quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục tôn giáo cho con em mình, dù rằng chúng ta vẫn rất tôn trọng sự chọn lựa không tôn giáo của người khác.
Hồ nước thanh tẩy ở đền Yasukuni
Trước khi bước vào 1 đền Thần đạo hay chùa Phật giáo nào, người ta luôn được mời gọi để thanh tẩy con người, miệng lưỡi và tâm trí của mình qua việc múc nước rửa tay, vỗ nước lên miệng, lên trán. Hành động này giống như người Công giáo chấm bàn tay vào bình đựng nước phép ở mỗi cửa nhà thờ trước khi vào cầu nguyện. Nhiều người Công giáo ngày nay không còn làm cử chỉ này và nhiều nhà thờ cũng chẳng còn để bình nước phép vì cho rằng thiếu vệ sinh do có nhiều bàn tay chấm vào và không thay được nước thường xuyên.
Hồ nước thanh tẩy ở chùa Hasedera
Trái lại, người Nhật xây dựng chỗ thanh tẩy này rất trang trọng, cung cấp nước sạch luân chuyển và làm thoát nước đã dùng. Hành động này nhắc nhở cho người Nhật luôn sống xứng đáng đối với thần linh, tổ tiên và những người đã khuất. Trong tinh thần hiệp sĩ đạo, nhiều người không ngại lấy cái chết để chứng minh cho sự vô tội của mình hay để xin mọi người tha thứ cho tội lỗi không thể đền bù của họ. Việc giáo dục lòng tự trọng và liêm sỉ của người Nhật rất đáng cho chúng ta bắt chước.
Hồ nước thanh tẩy ở đền Minh Trị
6. Niềm tin tổng hợp
Đối với người Nhật ngày nay, chúng ta có thể nói rằng họ có một niềm tin tổng hợp của nhiều tôn giáo cùng một lúc: lúc còn trẻ theo Thần đạo, lớn lên theo Thiên Chúa giáo, nhất là khi cưới xin vì muốn thề ước với nhau trong một nhà thờ để hy vọng trọn đời chung thuỷ với nhau, rồi khi về già theo Phật giáo để chuẩn bị cho cuộc tái sinh vào kiếp sau của mình được tốt đẹp.
Các tượng Phật nhỏ cầu cho thai nhi
Đi vào thăm các chùa Phật giáo, chúng ta sẽ thấy hàng trăm ngàn tượng Phật khác nhau cùng một cỡ to nhỏ giống nhau gắn chặt trên bệ đá. Có tượng nhỏ xíu của các bà mẹ lỡ phá thai là để giải oan cho các thai nhi. Có tượng lớn hơn là để cầu cho người đã khuất. Đúng là “người chết nối linh thiêng vào đời” như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn tả.
Các tượng Phật lớn cầu cho người đã khuất
Các em học sinh từ nhỏ đến lớn thường xuyên đến các đền thờ Thần đạo hàng tháng để học gương cao đẹp, anh dũng của các bậc tiền bối nay đã trở thành thần và có thể chuyển cầu cho mọi người. Ở đó người ta viết các ước nguyện vào các bảng gỗ hay vào các mảnh giấy treo quanh đền. Các người phục vụ đền là các tín đồ tự nguyện, ăn mặc rất đẹp và có cử chỉ rất trang nghiêm, lịch sự đối với mọi người đến cầu nguyện hay tham quan.
Các bảng gỗ dâng lời cầu nguyện ở đền Yasukuni
Các mảnh giấy dâng lời cầu nguyện ở đền Yasukuni
Các người phục vụ ở đền Minh Trị
Nhìn vào các cơ sở tôn giáo ở Việt Nam, nhiều khi chúng ta không khỏi ngậm ngùi vì thấy vẻ nhếch nhác, bẩn thỉu, coi thường thần thánh của người phục vụ cũng như của các tín đồ trong những lễ hội tổ chức hằng năm. Người ta chen lấn, xô đẩy, giành giật nhau trước mặt Thần Phật chỉ vì mối lợi cho cá nhân mình. Muốn xây dựng niềm tin tôn giáo để cho đất nước Việt Nam phát triển như Nhật Bản, và đặc biệt như Hàn Quốc, vì chính người Nhật cũng phải lưu ý đến sự phát triển nhanh chóng tột bậc của Hàn Quốc khi định hướng theo Kitô giáo, chúng tôi nghĩ không cần phải tổ chức mỗi năm đến 5.000 lễ hội như Bộ Văn hoá và Thông tin công bố, nhưng cần giáo dục cho người dân biết giá trị của tôn giáo thay vì chối bỏ nó như chúng ta vẫn còn thấy trong các bài học chính trị cho sinh viên, học sinh hiện nay.
Chúng ta hy vọng rằng chính các tôn giáo chân thực cũng biết canh tân chính mình, giới thiệu giáo lý tốt đẹp của mình, bỏ đi những hình thức mê tín, dị đoan, có những chứng nhân thật sự cho mọi người thấy được bản chất thần linh của mọi người, mọi vật như đã từng có trong lịch sử mỗi tôn giáo, cũng như đã ăn sâu vào tâm hồn người Việt như bản sắc của dân tộc khi tin rằng “Trời cao có mắt”, “Trời Phật độ trì”, “Thiên bất dung gian”… (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr. 353-370).
7. Niềm hy vọng vào tương lai
Chúng tôi vẫn mơ ước một ngày nào đó, trong một tương lai rất gần của một hai thế hệ, dân tộc Việt Nam chúng ta trở thành một dân tộc văn minh, tiến bộ, phát triển như Hàn Quốc đã đạt được nhờ lòng tin vào sức mạnh của dân tộc và vào Đức Giêsu Kitô.
Hoàn cảnh dân tộc Hàn Quốc cũng rất giống chúng ta: cùng chịu sự đô hộ của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, chịu ảnh hưởng của tam giáo Đông Phương: Nho-Phật-Lão, bị chia đôi đất nước, chịu đựng cuộc chiến tương tàn vì 2 ý thức hệ Cộng sản và Tư bản. Năm 1963, Hàn Quốc là 1 nước kém phát triển, GDP chỉ có 83 USD/người, còn Việt Nam Cộng Hoà lúc đó là khoảng 200 USD/người. Đến nay, Việt Nam đã thống nhất đất nước, GDP của ta hiện nay là 1.400 USD/người, trong khi Hàn Quốc là 16.000 USD/người vào năm 2013. Việt Nam vẫn đang xếp hạng 80-90 trong nhóm các nước đang phát triển còn Hàn Quốc đã trở thành 1 trong 10 nước phát triển hàng đầu thế giới. Năm 1949, số tín hữu theo Kitô giáo chiếm tỷ lệ 1% dân số, năm 2013, tỷ lệ này là hơn 33%, kể cả người Công giáo và Tin Lành, và dự tính sẽ đạt đến 50/% dân số vào năm 2030 (x. Viện Triết học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội thảo Quốc tế, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, từ 11-12/11/2013 về chủ đề: “Thực trạng việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. Và bài phát biểu của Lm. Nguyễn Ngọc Sơn tại hội thảo này: “Có nên quan tâm đến yếu tố tôn giáo trong hoạt động doanh nghiệp ở Việt Nam không?”, tr. 430-446).
Lời kết
Trên đây là vài dòng cảm nghĩ và hình ảnh về tôn giáo ở Nhật Bản nhân cuộc viếng thăm vừa qua. Cầu chúc các bạn luôn an mạnh, tràn đầy niềm vui và niềm hy vọng vào sự trường tồn của dân tộc Việt Nam trong dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.