08/01/2025

“Đoàn tàu” đặc biệt của thầy Hùng

Tự nhận mình là nông dân chân lấm tay bùn, không một ngày được đến giảng đường đại học, nhưng ở xóm nghèo này ai cũng thương mến gọi ông Đoàn Minh Hùng là “thầy”.

 

“Đoàn tàu” đặc biệt của thầy Hùng

 

Tự nhận mình là nông dân chân lấm tay bùn, không một ngày được đến giảng đường đại học, nhưng ở xóm nghèo này ai cũng thương mến gọi ông Đoàn Minh Hùng là “thầy”.



 
 
 
 
 
 

 

 

Lớp học với các bạn tình nguyện viên – Ảnh: T.Mai

Cứ thế, sau cuộc mưu sinh vất vả ban ngày, tối đến ông Đoàn Minh Hùng (53 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) lại tất tả trong “vòng vây” của 130 học trò nhỏ, với hi vọng mang cái chữ đến cho những đứa trẻ bất hạnh, sinh ra đã ở tận đáy xã hội.

Mang con chữ đến với xóm nghèo

Cặm cụi tẩy tẩy xóa xóa trên trang vở đã lem nhem vết bút chì, bé Ngọc Hân (6 tuổi) thỏ thẻ: “Ban ngày con phải ở nhà trông hai  em nhỏ cho mẹ đi làm. Trưa mẹ về, nấu cơm xong lại đi làm tiếp. Nhà con nghèo, con không được đi học ở trường, tối mẹ mới chở con tới đây học”. Đó là một trong hàng trăm trường hợp éo le ở lớp học chữ miễn phí của thầy Hùng.

Thầy Hùng
Mình nghèo cũng cố lo cho con được ăn học, nhưng con người ta có lẽ khổ hơn mình rất nhiều mới không được đi học. Đúng là thiệt thòi cho thế hệ tương lai!
Ông ĐOÀN MINH HÙNG

Trời vừa sẩm tối cũng là lúc căn nhà tầm 50m2 được dịp nhộn nhạo, huyên náo hẳn lên. Đủ thứ thanh âm tươi vui, rộn rã: tiếng ê a đọc bài, tiếng cười khúc khích, tiếng thì thầm nói chuyện riêng… của đám trẻ nhỏ, xen lẫn tiếng giảng bài đều đều của các thầy cô giáo là tình nguyện viên.

Học trò kéo đến mỗi lúc một đông. Mới 6g tối, phòng học đã chật kín người. Sau tiếng đằng hắng, đốc thúc học bài của thầy Hùng, mấy đứa trẻ đen nhẻm, quần áo lấm lem bẩn lại đưa đôi mắt trong veo chăm chú theo dõi từng nét chữ trên tấm bảng mica dựng tạm.

Phần lớn trong số ấy vừa trở về sau cuộc mưu sinh cơ cực, cả ngày bán mặt cho ánh nắng mặt trời. Mỗi đứa trẻ ở lớp học này đều có hoàn cảnh, thân phận rất đặc biệt. Hơn 85% là trẻ em nghèo, lang thang cơ nhỡ, mồ côi… việc được cắp sách tới trường đối với các em chỉ là một giấc mơ xa xỉ.

Qua một thời gian dài sống cùng khu trọ với những người lao động nhập cư nghèo khổ, hằng ngày chứng kiến cảnh những đứa trẻ ở đây đã quen với công việc nặng nhọc, với những tờ vé số hơn mặt chữ, con số, sách vở, bút thước; quen với việc chửi thề, đánh lộn hơn là việc lễ phép, vâng lời người lớn… làm vợ chồng ông Hùng trăn trở.

Thế là ban ngày đi làm, tối về ông bà lại chong đèn mở lớp dạy chữ cho những đứa trẻ trong khu trọ. Nhưng dạy chữ cho những đứa trẻ ấy đâu phải dễ. Vì “học được vài ngày thì đám trẻ không đi học nữa. Tìm hiểu mới biết một ngày đám trẻ bỏ ra vài giờ để học chữ thì cũng sẽ mất bấy nhiêu giờ đi bán vé số, không có tiền phụ ba mẹ đóng tiền phòng trọ”.

Suy nghĩ mấy ngày, ông bà mới nảy ra ý định là phải “bù lỗ” cho mấy đứa trẻ bằng một bữa cơm chiều để chúng tiếp tục được đi học.

Không chỉ dạy cho các em biết chữ, ông bà còn phải uốn nắn cả cách xưng hô, cư xử, đạo đức thường nhật như phải biết dạ thưa với cha mẹ, lễ phép với người lớn, giữ gìn vệ sinh chung, biết giúp đỡ bạn trong khả năng nhỏ bé của mình…

Ban đầu lớp học của thầy Hùng chỉ có hai đứa trẻ bán vé số  ở kế bên. Dần dà, con số ấy thành 12, rồi 20… xếp ghế nhựa ngoài sân cũng không đủ chỗ. Ông bà phải về quê bán miếng đất hương hoả, thuê căn nhà lớn hơn để có chỗ cho các em học. Sau vài tháng, căn nhà mới này cũng quá tải, gia đình ông lại chuyển sang chỗ trọ rộng hơn để tiếp tục say sưa với niềm vui “gõ đầu trẻ”.

Tiết kiệm để dạy học

Ông Hùng thường ví: “Mình là đầu tàu, các bé là thân tàu. Đầu tàu phải vận hành tốt thì mới kéo được thân tàu đi”.

Nghĩ sao làm vậy, để có kinh phí trang trải cho lớp học, cả gia đình ông bốn người không ngừng cố gắng lao động. Hơn 20 năm ăn chay trường “ra đường không dám thèm thứ gì” cộng với việc tiết kiệm tối đa mọi chi tiêu đã giúp gia đình ông dành dụm được ít vốn liếng mở tiệm cơm chay bán cho khách vãng lai, để có thêm chút đỉnh hỗ trợ suất cơm chiều cho các em.

Tuy nhiên, chỉ trông chờ vào quán cơm chay thôi không đủ, mỗi buổi trưa ông Hùng lại vào các khu chợ gần đó xem ai có cân cần sửa đem về sửa kiếm thêm thu nhập.

Vợ ông – bà Nguyễn Thị Kim Chi – thì đi bỏ mối rau củ quả cho các tiểu thương mỗi sáng sớm. Anh con trai cả vừa tốt nghiệp đại học, đi làm mỗi tháng cũng phụ với ba mẹ tiền nhà và phụ thêm chút ít cho các em có quyển vở, cây bút.

Cậu con út đang học lớp 8 cũng góp sức bằng cách siêng năng học hành, không để ba mẹ phải nhắc nhở, có thời gian rảnh thì phụ giúp anh chị tình nguyện viên kèm các em nhỏ học tập. Cứ thế, hơn sáu năm qua, “đoàn tàu” đặc biệt của thầy Hùng đã chở con chữ đến với biết bao thân phận.

Để duy trì được lớp học trong thời gian dài không phải việc dễ dàng, nhưng ông và gia đình vẫn cố gắng vén khéo. Hôm nào lời ít, bữa cơm của các em đơn sơ hơn, lời khá thì có bữa ăn đa dạng hơn. Nhưng “có thực mới vực được đạo”, dù thế nào gia đình ông cũng quyết không để các em đói bụng.

Những ngày đầu mới thành lập lớp học, đêm đêm ông Hùng lại thong dong đẩy xe đi bán băng đĩa, vòng tay, xâu chuỗi nhà Phật khắp các con đường Sài Gòn.

Tuy khó khăn là vậy nhưng ông chưa bao giờ nản chí. Ông luôn vững tin từ lớp học này, những đứa trẻ nghèo khổ nếu không thành công cũng thành nhân, như vậy cũng là hành thiện tích đức.

Thương trò như thương con

Đang chăm chú đánh vần mấy chữ trong quyển Tiếng Việt lớp 1, Phạm Phước Vĩnh (22 tuổi, quê Đồng Nai – học trò lớn tuổi nhất lớp) bỗng lên cơn co giật. Một cách thành thạo, ông Hùng trấn an đám đông và bình tĩnh giải quyết tình huống.

Ông cho biết cậu học trò này nhìn lớn vậy chứ mới học lớp 1, bị động kinh từ nhỏ, trí tuệ không như người bình thường, không thể theo học ở trường nên tối đến đây học, thỉnh thoảng lại lên cơn bất ngờ. Không chỉ có Vĩnh, ông Hùng còn nhận dạy cả những trẻ bị thiểu năng trí tuệ.

Dạy người bình thường đã khó, dạy trẻ thiểu năng càng khó hơn gấp nhiều lần. “Nhiều khi cả tháng không học được chữ nào, dạy trước quên sau, nhưng dẫu sao cũng là một con người, mình đối xử như nhau, không phân biệt trẻ có nhiều trí khôn hay trẻ có ít trí khôn, phải thật kiên nhẫn” – ông nói về học trò mình đầy trìu mến.

Tiếng lành đồn xa

Sáu năm hoạt động, không biển bảng, không chỉ có học trò gần xa tìm tới lớp học mà các bạn sinh viên tình nguyện cũng tìm đến để chung tay góp sức với gia đình ông.

Là tình nguyện viên dạy thêm cho lớp học Hoà Hảo hơn một năm, anh Nguyễn Anh Kiệt (SV năm 3 Trường CĐ GTVT III) cho biết: “Tôi biết đến lớp học qua lời kêu gọi của một người bạn trên mạng xã hội. Khi ấy lớp đang thiếu người, các em ở đây hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, không biết chữ, cô chú – vợ chồng ông Hùng – đã bỏ công sức, tâm huyết ra để mở lớp học, tôi thấy vậy nên giúp được gì thì gắng giúp. Tiếp xúc với cô chú đã lâu, tôi ngày càng khâm phục và yêu mến họ vì họ rất tốt, sống vì mọi người”. 

Còn ông Nguyễn Văn Thắng (chủ tịch UBND P.Tân Thới Hoà, Q.Tân Phú) cho biết: “Gia đình ông Hùng sống giản dị, đạo đức, hoà nhã với mọi người. Tuy mới chuyển đến địa phương không lâu nhưng được mọi người xung quanh quý mến”.

TUYẾT MAI