09/01/2025

Lão nông tốt bụng

25 năm nay ông dành hết thời gian cho thôn làng, từ vá đường, làm đường, lập trạm dừng nghỉ, gắn máy bơm miễn phí… để giúp người dân làm đồng thuận tiện.

 

Lão nông tốt bụng

 

 

25 năm nay ông dành hết thời gian cho thôn làng, từ vá đường, làm đường, lập trạm dừng nghỉ, gắn máy bơm miễn phí… để giúp người dân làm đồng thuận tiện.


 

Lão nông tốt bụng - ảnh 1Một trong 5 trạm bơm được ông Mỹ lắp để phục vụ bà con tưới tiêu trên đồng ruộng – Ảnh: An Dy
Lão nông tốt bụng đó là ông Phạm Thế Mỹ (65 tuổi, thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc, H.Điện Bàn, Quảng Nam). Thấy ông trèo tít trên cao, cột lại cái cổng chào đầu đường vào thôn, người dân thôn Cẩm Sa không khỏi ngạc nhiên vì mấy hôm trước ông phải đi viện may 5 mũi do cái cưa rớt xuống cắt qua tay, khi ông đang lui cui làm mấy việc “không tên” trong xóm.
Nói đến ông Mỹ, dân trong thôn nghĩ ngay đến hình ảnh một lão nông cần cù, chịu khó, tốt bụng. 25 năm nay, từ khi nghỉ công việc ở hợp tác xã, ông Mỹ bắt tay vào làm những việc mà theo ông “nên làm”.
Vá đường, lắp máy bơm…
Lão nông tốt bụng - ảnh 2Trong giỏ xe của ông Mỹ bao giờ cũng có bình xăng dự trữ để “tặng” cho những người lỡ hết xăng giữa đường

Nghe ở đâu có xà bần là ông lại đến kéo hết chuyến này đến chuyến khác để đi quanh xóm, quanh làng “vá” lại những con đường ổ gà, ổ voi lầy lội. Ông còn huy động kinh phí làm đường bê tông hơn 500 m dẫn ra cánh đồng Cẩm Sa để việc đồng áng của người dân được thuận lợi. Về sau, các con đường liên thôn, liên xã được bê tông hoá, người làng sợ ông “mất việc”, nhưng rồi người ta thấy ông hì hụi kéo chiếc xe kéo tự chế, chở gạch đá làm con đường tận phía rừng dương. Suốt 3 năm ròng rã, cần mẫn với niềm vui “làm đường”, ông Mỹ đã mở được một con đường đất dài hơn 2 km chạy dọc nghĩa trang xã Điện Nam Bắc để trẻ con đến trường thuận tiện, công nhân có đường đến khu công nghiệp gần hơn…
 
 
Trên bức tường cũ kỹ trong căn nhà nhỏ của ông Mỹ có đến hơn 30 tấm bằng khen các loại, dành cho ông. T.Ư Hội Người cao tuổi, T.Ư Hội Nông dân khen tặng cũng có, các cấp hội địa phương từ thôn lên đến tỉnh khen tặng cũng có. Dù ông khiêm tốn “thấy việc cần làm thì tui làm thôi”, nhưng chính tấm lòng thơm thảo của ông đã làm đẹp xóm làng, làm ấm lòng người, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. “Ông Mỹ không khoẻ, cũng không giàu, nhưng ông có lòng nhiệt tình với bà con. Mấy năm nay, khớp chân ông bị thoái hoá, bà con kêu đi chữa nhưng ông nói, tiền ông để dành làm việc khác. Có dăm bảy đồng từ nghề sửa xe ông đem ra làm việc “bao đồng”, mà theo ông như vậy mới vui, mới khoẻ”, ông Trần Quốc Dũng – Trưởng thôn Cẩm Sa nói. Còn ông Mỹ, người được gọi là “lão nông tử tế” ấy chỉ cười đôn hậu, không thích mọi người nói nhiều về những việc mình làm.
 

“Trên đoạn đường này, cứ đi một quãng chừng 50 m sẽ thấy một đống gạch đá ông Mỹ xếp sẵn hai bên đường. Đoạn nào sạt lở là ông có sẵn đất đá, cuốc xẻng “cấp cứu” ngay lập tức. Có hôm, buổi sáng đi làm, đường còn ổ gà, ổ voi, nhưng chiều về thì đường đã được vá xong, chạy êm ru, mọi người biết ngay ông Mỹ vừa “ra tay”, anh Nguyễn Văn Thành (xã Điện Nam Bắc, H.Điện Bàn) nói. Ngoài tên gọi “ông Mỹ làm đường”, người dân còn gọi ông là “ông Mỹ đúc bi”, “ông Mỹ máy bơm”, “ông Mỹ nhặt rác”… Có bao nhiêu tiền dành dụm ông dành làm chuyện “không công”. Thấy bà con nông dân vác phân, vác lúa nhảy qua những con kênh rộng hơn 1 m rất vất vả, ông lọ mọ đi mua xi măng, sắt thép về đúc 40 cái bi (đường kính 1 m) đặt xuống lòng kênh để bà con bước qua. Chưa hết, có ít tiền, ông lại “đầu tư” 5 máy bơm lắp khắp cánh đồng để bà con dùng pha thuốc, tưới phân. Tại mỗi máy bơm, ông đặt thêm bi chứa nước để bà con lấy nước dùng sinh hoạt.

Ông Trần Quốc Dũng – Trưởng thôn Cẩm Sa, nói: “Nước từ máy bơm của ông Mỹ uống vào cũng thấy ngọt lành, người dân cũng êm cái dạ, xóm làng cũng bình yên”. Tưởng ông Dũng nói đùa, hóa ra ông nói thật. Hàng chục năm nay, nước ở thôn nhiễm phèn ngày càng nặng, hàng trăm hộ dân nơi đây phải mua nước ngọt về uống, với giá gần 200.000 đồng/tháng. Nhưng từ khi ông Mỹ đóng giếng bơm cũng ngay trên đất này, không hiểu sao nước từ giếng của ông lại ngon, ngọt lạ thường, bà con cứ đến lấy nước dùng thoải mái.
Và những việc “không thể đếm xuể”
Giữa cánh đồng Cẩm Sa nắng như đổ lửa, cứ độ 1 km lại có một “trạm dừng nghỉ”. Bà con làm đồng trưa nắng tìm đến đây nghỉ chân, uống nước chè xanh và lại… cảm ơn ông Mỹ.
Thấy nông dân “rát nắng” trên đồng, ông Mỹ dựng những cái chòi nhỏ và trồng cây bàng lấy bóng mát. Bàng chưa kịp lớn ông làm giàn để dây bầu, dây bí leo lấy bóng râm, trái bí trái bầu thì ai muốn hái cứ hái thoải mái. Rồi bàng lớn, ông dẹp chòi đi và đúc những cái ghế xi măng, ốp lên trên gạch men để bà con có chỗ ngồi. Rảnh ra, ông lại vun thêm vài luống hoa tạo cảnh quan cho “trạm dừng nghỉ”.
Gặp những người nông dân ngồi “tám” với nhau ở đây, chúng tôi hỏi về ông Mỹ, họ chỉ nói vỏn vẹn có 2 từ: “tử tế”. “Ai nói ông Mỹ gàn, ông Mỹ khùng ổng cũng chịu. Ổng nói thấy vui, thấy có ích cho bà con là làm”, bà Trương Thị Là (thôn Cẩm Sa) kể. Còn anh Hồ Văn Hạnh thì bảo: “Công của chú Mỹ mấy chục năm qua ở nơi này không thể đếm xuể. Nếu không có những máy bơm nước chú mua, lắp đặt, bảo trì… thì những lúc làm đồng, chúng tôi phải đi cả cây số mới lấy được nước tưới tiêu. Mỗi ngày chú đi dọc đồng, có rác thì nhặt, máy bơm hư thì sửa, cây ngã thì cưa, đường làng cũng được chú quét sạch sẽ. Nói chung, việc gì tốt cho mọi người, cho làng quê là chú làm”.
Những người bán bắp dạo trên tuyến Đà Nẵng – Hội An thường đi sớm, về khuya trên đường 607A đoạn qua xã Điện Nam Bắc đều biết chỗ ông Mỹ đặt chiếc bơm xe, để khi xe non lốp thì họ bơm. Không ít công nhân ở khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc rất cảm động, biết ơn ông Mỹ khi lỡ xe hết xăng lúc tan ca được ông “tặng” bình xăng.
Và còn rất nhiều những câu chuyện khác về ông Mỹ mà người dân địa phương cảm kích, trân quý. Đến những đứa trẻ cũng có thể kể vanh vách những việc ông làm.

An Dy