09/01/2025

Bạn trẻ chung tay cải tạo môi trường

Từ đầu năm đến nay, các bạn trẻ ở TP.HCM tham gia cải tạo sáu tuyến kênh, rạch ở TP.HCM xuất phát từ chuyện người dân “ám ảnh” với những con đường ngập nước, kẹt xe kéo dài.

 

Bạn trẻ chung tay cải tạo môi trường

 

Từ đầu năm đến nay, các bạn trẻ ở TP.HCM tham gia cải tạo sáu tuyến kênh, rạch ở TP.HCM xuất phát từ chuyện người dân “ám ảnh” với những con đường ngập nước, kẹt xe kéo dài.



 

 

Các bạn trẻ TP.HCM tham gia vớt rác, lục bình ở rạch Cầu Đúc (Q.Thủ Đức) – Ảnh: Q.NG. 

Đây là một trong nhiều công trình xanh đã được các bạn trẻ ở TP.HCM hoàn thành trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.

Việc khơi thông dòng chảy thật ra là công việc quen thuộc của người trẻ TP.HCM nhiều năm qua. Nhiều việc mới khác như đội hình tình nguyện nhặt rác giúp công viên sạch và xanh hơn, hoạt động kêu gọi ý thức sống xanh, góp phần bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng…

Đường ngập ám ảnh người dân

Chị Trần Thị Kim Chi – cán bộ Trung tâm Công tác xã hội thanh niên thành phố – cho biết việc, khơi thông dòng chảy được đặt ra từ năm 2006 khi những con đường ngập nước kèm theo tình trạng kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh của người dân thành phố mỗi khi ra đường, nhất là vào mùa mưa.

Đơn đặt hàng của lãnh đạo thành phố thời điểm ấy gợi mở cho tổ chức Đoàn nghĩ đến việc góp phần cải tạo dòng chảy, giảm bớt ngập nước.

Công việc này sau đó được đưa vào nội dung chính của các ngày Chủ nhật xanh, rồi trở thành nội dung tập trung trong các công trình trọng điểm của chiến dịch tình nguyện hè từ đó đến nay.

Khi công trình cải tạo môi trường cảnh quan sông Sài Gòn ra đời, việc khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch có dòng chảy lưu thoát ra sông Sài Gòn được chú ý nhiều hơn.

Trung bình mỗi năm các bạn tham gia cải tạo dòng chảy, khơi thông gần chục tuyến kênh tại khắp quận, huyện, năm nhiều nhất làm được 12 tuyến. Từ đầu năm đến nay đã có sáu tuyến kênh rạch được các bạn tham gia cải tạo.

Bạn Minh Nhật (ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) bày tỏ: “Đúng là vớt rác trên kênh khá vất vả nhưng chỉ cần cố gắng và nghĩ đến môi trường thành phố dần cải thiện hơn mỗi ngày, tôi thấy vui vì có phần đóng góp nhỏ của mình trong đó”.

Rạch Hàng Bàng (Q.5), rạch Lăng (Q.Bình Thạnh), rạch Môn (Q.Thủ Đức), rạch Bà Cả (Q.8), rạch Bà Cả Bốn (Q.12)… là những cái tên đã có trong “từ điển làm kênh” của không ít bạn trẻ thành phố.

Mới đây, trong cuộc gặp mặt những điển hình trẻ của thành phố nhiều năm qua, anh Lê Xuân Sinh (ĐH Mở TP.HCM) nói nhìn những dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm đang dần hồi sinh thành dòng kênh xanh từ dòng nước đen ngày nào mà thấy tự hào và thêm yêu thành phố này.

“Tổ chức Đoàn nên mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo thành phố để nhận thực hiện một công trình có quy mô cấp thành, vì chúng ta vốn đã có hơn 20 năm kinh nghiệm thực hiện phong trào tình nguyện cả trong tập hợp lực lượng, huy động trí thức trẻ” – anh Sinh nêu ý kiến.

Hình thành thói quen sống xanh

Những ngày này, bạn trẻ TP.HCM lại có mặt trên những công trình khơi thông dòng chảy, dọn rác trên nhiều con kênh của thành phố. Tại Q.Bình Thạnh, 70 tấn rác từ rạch Văn Thánh và hơn 17 tấn rác từ rạch Lăng đã được vớt lên, trả lại dòng chảy cho tuyến kênh rạch đi qua quận này.

Trong khi đó, trên 60 tấn rác từ rạch Bà Cả và rạch Bà Dơi (Q.8) đã được xử lý, vớt khỏi lòng kênh sau hơn hai ngày. Và công việc ấy vẫn đang được tiếp tục trên con rạch Cầu Đúc (Q.Thủ Đức).

Nhiều đội hình thực hiện công viên không rác đã hoạt động tại các công viên 30-4, 23-9, Gia Định, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ.

Vào cuối tuần, những tình nguyện viên của các đội hình này có mặt tại công viên, vừa mời gọi người dân đến vui chơi tại công viên cùng nhặt rác, vừa phát những tờ rơi tuyên truyền sống xanh, không xả rác nơi công cộng. “Hi vọng từ việc làm nhỏ ấy, tụi mình sẽ đánh động ý thức đến những người khác, rồi lan rộng ra cộng đồng” – bạn Thu Nga (Q.10) chia sẻ.

Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường nói: “Chính hình ảnh các bạn trẻ bước xuống kênh lội giữa dòng nước đen ngòm bốc mùi hôi thối, vớt lên từng sọt rác, lục bình sẽ có sức thuyết phục lớn nhất với mọi người về tinh thần tình nguyện, xung kích của người trẻ trong việc chung tay giải quyết các vấn đề của thành phố, trong đó có câu chuyện bảo vệ môi trường”.

Cần lòng kiên trì

Theo ghi nhận thực tế, không ít con kênh sau khi được cải tạo chỉ một thời gian ngắn sau đã trở lại hiện trạng ngập rác thải sinh hoạt như ban đầu.

Điều này phụ thuộc rất lớn vào ý thức chung của mọi người. Song song đó là chưa có giải pháp ngăn chặn lục bình hiệu quả nên nhiều nơi lục bình theo con nước trôi vào và chẳng bao lâu lại che hết mặt kênh.

“Bảo vệ môi trường là câu chuyện dài, cần lòng kiên trì của nhiều người trong xã hội, trong đó các bạn trẻ là người giữ vai trò tiên phong thực hiện cũng như kêu gọi ý thức trong cộng đồng. Các công trình cụ thể của tuổi trẻ thành phố chính là hành động tích cực hưởng ứng phong trào “Vì thành phố văn minh, sạch đẹp, an toàn” do lãnh đạo thành phố phát động chào đón sự kiện thành phố 40 năm thống nhất và phát triển” – Bí thư Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

QUỐC NGUYÊN