09/01/2025

Thần đèn dời núi Đức Mẹ

Sáng sớm hôm qua (23.4), rất đông giáo dân đến xem “thần đèn” Nguyễn Văn Cư dời ngọn núi nặng hơn 420 tấn ở Giáo xứ Phước Thành, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đến vị trí mới cách xa 9 m.

 

Thần đèn dời núi Đức Mẹ

 

 

Sáng sớm hôm qua (23.4), rất đông giáo dân đến xem “thần đèn” Nguyễn Văn Cư dời ngọn núi nặng hơn 420 tấn ở Giáo xứ Phước Thành, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đến vị trí mới cách xa 9 m.


 

 

Rất đông giáo dân đến chứng kiến việc di dời núi đá Đức Mẹ nặng 420 tấn 	ảnh: Quang ThuầnRất đông giáo dân đến chứng kiến việc di dời núi đá Đức Mẹ nặng 420 tấn – Ảnh: Quang Thuần
Mời “thần đèn” ra tay
Giáo xứ Phước Thành nằm sát con đường 30/4, trục đường chính nối từ QL51 vào trung tâm TP.Vũng Tàu. Từ lúc UBND TP.Vũng Tàu triển khai dự án mở rộng đường 30/4 , giáo xứ phải giải tỏa một phần, lùi vào trong hơn 5 m để chuẩn bị mặt bằng cho việc mở rộng đường. Tuy nhiên, tại đây lại đang có một toà núi đá Đức Mẹ cao 9 m, diện tích gần 60 m2, nếu giải tỏa thì phải đập bỏ hoặc di dời. Linh mục Antôn Nguyễn Minh Trí, Chánh xứ Phước Thành, bộc bạch: “Tôi không biết toà núi này chính xác có độ tuổi bao nhiêu, nhưng những giáo dân cao tuổi ở đây kể lại rằng, sau khi giáo xứ được xây dựng vào năm 1955 thì chỉ vài năm sau linh mục thời đó đã cho xây toà núi này, nghĩa là đã có hơn 50 năm tuổi. Về mặt mỹ thuật, tòa núi ở giáo xứ Phước Thành được mô phỏng đúng theo ngọn núi Lộ Đức (Lourdes) ở Pháp, nơi được nhiều người trên thế giới biết đến với sự kiện hiện ra của Đức Mẹ Chúa Trời cùng một em nhỏ cách đây 150 năm. Về mặt tình cảm, ngọn núi là nơi giáo dân trải qua tuổi thơ của mình, là nơi trút mọi nỗi buồn, chia sẻ niềm vui. Những người ở hải ngoại về nước, trước khi đi xa cũng đến ngọn núi này để cầu nguyện. Do đó, nếu phải đập bỏ toà núi này thì hết sức đáng tiếc. Nhưng để giữ lại thì tôi trăn trở nhiều đêm vẫn chưa có giải pháp gì”.
Cho đến trước Tết Ất Mùi vừa qua, tình cờ linh mục Antôn Nguyễn Minh Trí xem được thông tin về “thần đèn” Nguyễn Văn Cư, nên loé lên ý tưởng mời ông này về dời núi. “Phương án di dời được bà con giáo dân hết sức đồng tình vì họ không muốn phá bỏ một hình tượng tâm linh đã in sâu trong ký ức. Việc thương lượng với thần đèn Nguyễn Văn Cư nhanh chóng hoàn tất. Đến hôm nay, tôi và toàn thể giáo dân hết sức vui mừng chứng kiến ngọn núi đã được dời đi theo đúng ý định”, vị linh mục nói.
Thử thách tột độ
Với các giáo dân, việc di dời ngọn núi Đức Mẹ là một niềm hân hoan, còn với thần đèn Nguyễn Văn Cư, đó là một cảm giác “thử thách tột độ với sự nguy hiểm muôn phần”. “Tôi đã từng nâng toà khách sạn, toà nhà liên kế hàng ngàn tấn ở Campuchia, TP.HCM… Khi nhận lời di dời ngọn núi ở Giáo xứ Phước Thành, tôi nghĩ là một công trình đơn giản, nhưng bắt tay vào công việc tôi mới đâm sợ. Đây là một công trình lạ lẫm trong lịch sử di dời, trước giờ chưa có ai làm. Ngọn núi nặng 420 tấn, nhưng khi đào xuống thì ở dưới toàn cát, không có móng, như vậy rất khó để dịch chuyển”, ông Cư kể và cho biết sau nhiều đêm suy nghĩ phương án đã quyết định cho công nhân lòn vào bên dưới, cấy sắt vào đá để đổ đà bằng bê tông. “Đây chính là công đoạn nguy hiểm nhất, vì chỉ cần ngọn núi lún xuống vài phân là đè công nhân nguy hiểm tính mạng. Kết cấu ngọn núi toàn là khối đá hết sức rắn chắc nên việc khoan, cấy sắt vào cũng hết sức vất vả, nhiều mũi khoan không xuyên nổi, bị cháy, gãy liên tục. Chính vì mức độ nguy hiểm quá cao như vậy nên hầu như tôi phải có mặt thường xuyên ở công trường để chỉ đạo. Ngày nào giáo dân cũng tập trung rất đông để mục kích công việc chuẩn bị, càng làm tôi thêm áp lực”, “thần đèn” kể lại.
Cũng theo ông Cư, đêm trước khi chính thức di dời tòa núi, ông đã cẩn thận cho công nhân kéo thử, nhưng toà núi nặng quá, vài con ốc chịu không nổi, gãy lìa. “Rất may, tôi đã chuẩn bị phương án gia cố và ngay trong buổi sáng 23.4, đúng hẹn với cha xứ và các giáo dân, tôi đã dịch chuyển thành công ngọn núi vào vị trí cách đó 9 m, đồng thời nâng cao ngọn núi lên 40 cm, vài ngày nữa sẽ chính thức hoàn chỉnh, trả lại ngọn núi nguyên vẹn cho giáo xứ”, ông Cư hồ hởi.
Một số công trình “Thần đèn” Nguyễn Văn Cư nâng, di dời
– Năm 2007: Nâng toà nhà 6 căn, 3 tấm nặng gần 3.000 tấn lên cao 1 m
– Năm 2009: Nâng khách sạn 1 trệt, 1 lửng, 3 lầu nặng 4.000 tấn 
ở Campuchia lên cao 50 cm
– Năm 2011, chỉnh ngay toà siêu thị cao 5 tầng, nặng gần 2.000 tấn ở thị trấn Liên Nghĩa, H.Đức Trọng (Lâm Đồng)
– Năm 2012, nâng ngôi miếu cổ 300 năm tuổi ở H.Châu Thành (Tiền Giang) lên cao 1,5 m
– Năm 2013, chỉnh ngay khách sạn 7 tầng, nặng 1.500 tấn bị nghiêng lún ở Đà Nẵng
– Năm 2014, di dời cổng tam quan chùa Pháp Liên, H.Hóc Môn (TP.HCM) 5 m, đồng thời nâng cao lên 40 cm và xoay chỉnh 90 độ

Quang Thuần