10/01/2025

Chúa Nhật III Phục Sinh B – 2015: Làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh

Chúa Nhật thứ III PS nhắc nhở cho chúng ta sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh về một đời sống mới mẻ, tràn đầy niềm vui và quyền năng của Thiên Chúa.

Làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật thứ III PS nhắc nhở cho chúng ta sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh về một đời sống mới mẻ, tràn đầy niềm vui và quyền năng của Thiên Chúa. Thánh Phêrô đã nhắc đến điều đó trong bài giảng đầu tiên mà chúng ta vừa nghe: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Về điều này chúng tôi xin làm chứng”. Còn Chúa Giêsu, qua bài Tin Mừng (x. Lc 24,35-48) đã giao sứ mệnh đó cho chúng ta: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này”. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là: Tại sao chúng ta phải làm chứng? Và làm chứng như thế nào?

1. Tại sao chúng ta phải làm chứng?

1.1. Trong đời sống tự nhiên, trước một sự kiện hay biến cố hiển nhiên mà chúng ta có dịp can dự vào nhưng lại có những người khác chối bỏ, khiến có thể gây nên thiệt hại và nguy hiểm cho mình hay một số đông người nào đó, thì chúng ta buộc phải làm chứng để đem lại sự thật, sự công bình, tốt đẹp và giải thoát cho con người. Đó là trách nhiệm của bất cứ con người “tử tế” nào đối với cộng đồng mình sống.

Thí dụ: công an bắt giữ một người làm công bị nghi là ăn cắp trong một thời điểm nào đó trong ngày. Ta biết rõ người này không phạm tội ác vì vào thời điểm đó người này đang làm việc với ta. Do đó, ta có trách nhiệm phải làm chứng cho sự vô tội của người này, vì nếu ta im lặng thì họ có thể bị kết án, hoặc bị giam giữ và chịu nhiều thiệt hại về tinh thần lẫn vật chất, còn kẻ phạm tội ác vẫn cứ sống nhởn nhơ ngoài pháp luật. Đây là nhiệm vụ phải làm theo lương tâm ngay chính của con người.

1.2. Trong đời sống siêu nhiên, Đức Giêsu sống lại là một sự kiện có thật xảy ra trong lịch sử nhân loại, nhưng lại là một sự kiện nhiệm mầu cần phải có đức tin mới cảm nghiệm và hiểu được hết ý nghĩa cao cả của sự kiện này đối với nhân loại và vũ trụ. Các tông đồ đã tận mắt thấy Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá và tận mắt thấy Người sống lại nên các ông có trách nhiệm phải làm chứng về sự kiện này. Vì sự kiện này không phải chỉ liên hệ đến các ông mà còn liên hệ cả nhân loại và vũ trụ để đưa tất cả vào một đời sống mới, cho mọi người cảm nghiệm được đời sống phi thường, tốt đẹp, tràn đầy niềm vui và hy vọng mà Thiên Chúa muốn ban cho.Vì thế, dù có chết, các tông đồ vẫn phải làm chứng.

1.3. Bằng chứng hiển nhiên. Để giúp cho các ông làm chứng một cách cụ thể, rõ ràng, Chúa Giêsu đã hiện ra với các ông. Các ông không phải chỉ nghe các phụ nữ kể lại việc Chúa phục sinh nhưng đã thấy Người tận mắt, sờ Người tận tay: “Cứ rờ mà xem”. Để các ông xác tín hơn, Người ăn miếng  cá nướng trước mặt các ông (x. Lc 24,42). Người muốn các ông có thể nói cho người khác biết rằng: “Chúng tôi đã cùng ăn cùng uống với Người, chúng tôi đã thấy Người và chúng tôi xin làm chứng” (x. 1Ga 1,1).

Các tông đồ đã cảm nghiệm được Chúa Giêsu thật sự sống lại khi kết hợp mật thiết với Người và tràn đầy Thánh Thần của Người. Các ông cảm nhận được sự sống mới mẻ, kỳ diệu Người chuyển thông cho các ông và chia sẻ cho người khác. Thánh Phêrô trong bài đọc I (x. Cv 3,13-19) cho chúng ta thấy sau khi ngài chữa lành cho người bất toại ở Cửa Đẹp đền thờ và người ấy đang đứng bên cạnh ngài trong bài giảng đầu tiên về Chúa Giêsu, thì những người Do Thái ở Giêrusalem đã tin lời chứng của thánh Phêrô và 3000 người đã được rửa tội sau bài giảng. Đó là nhiệm vụ làm chứng của các tông đồ.

2. Làm chứng như thế nào?

Mỗi người chúng ta cũng được giao phó sứ mạng làm chứng cho Đấng Phục Sinh bởi vì chúng ta đã được rửa tội nhân danh Người, được chia sẻ sự sống kỳ diệu của con cái Thiên Chúa, được cùng ăn cùng uống với Người trong bàn tiệc Thánh Thể như trong thánh lễ hôm nay. Nhưng tại sao chúng ta lại im lặng, sợ hãi và không làm chứng cho Đấng Phục Sinh?

2.1. Chúng ta phải cảm nghiệm để làm chứng cho Đấng Phục Sinh

Dù Chúa Giêsu trao sứ mạng này cho ta, nhưng ta chưa làm chứng cho Người được là vì nhiều người chưa tận mắt nhìn thấy Chúa. Họ nói với nhau rằng: “Tôi chỉ được nghe kể về Chúa Giêsu qua các bài học giáo lý, bài giảng… chứ tôi chưa tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu, tay tôi chưa được chạm vào những dấu đinh của Người như Tôma đâu, tôi đâu thấy Người ngồi ăn và uống trước mặt tôi như các tông đồ!”. Lời chứng của chúng ta vì thế mà thiếu xác tín và cảm nghiệm, thiếu cả tình yêu và quyền năng vì không thông hiệp được với Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, “Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn như thế” (Dt 13,8), vẫn đang hiện diện giữa chúng ta. Chúng ta chưa nhận ra được Người đang hiện diện đích thực giữa chúng ta chỉ vì chúng ta chưa có đủ lòng tin. Đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa từng con người cụ thể là chúng ta với một Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu (x. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 150-153). Có thể vì chúng ta có niềm tin nhưng chưa có đức tin.

Giống như người mù thành Jêrichô (x. Mc 10,46-52), chúng ta nghe nói về một Giêsu nào đó sẽ đi ngang qua. Chúng ta vẫn ngồi yên bên vệ đường hành khất. Chúng ta vẫn bám víu vào những đồng tiền bố thí của người khác. Chúng ta vẫn chấp nhận đời sống tầm thường, yếu đuối, lệ thuộc. Chúng ta ở lì trong tội lỗi, tham vọng và dục vọng của mình. Chúng ta cần phải bắt chước người mù hét to lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua David, xin thương cứu giúp tôi!”. Chắc chắn Chúa Giêsu ở ngay bên cạnh sẽ chữa lành cho đôi mắt mù loà để chúng ta thấy được Người.

2.2. Làm chứng nhờ sự kết hợp với Đấng Phục sinh

Yêu cầu tiếp theo sau khi tận mắt thấy Chúa Giêsu, là phải kết hợp mật thiết với Người để Người chuyển thông cho ta sự sống kỳ diệu của Người, trong đó có niềm vui, bình an, tình yêu và cả quyển năng để ta có thể làm chứng cho Người. Lúc bấy giờ chúng ta sẽ cảm nghiệm được đời sống phi thường trong con người yếu đuối của ta cũng như có thể chia sẻ để cứu giúp người khác.

Trong Tuần Thánh vừa qua tôi có dịp đi sang Nhật Bản để dẫn 28 sinh viên Công giáo Việt Nam du học, và gặp gỡ các anh em linh mục ở Tokyo để lắng nghe anh em chia sẻ về những khó khăn trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho người Nhật. Trong vòng 15 năm qua, số tín hữu Công giáo trong cả nước Nhật chỉ tăng 40.000 người với 542.000 tín hữu, chiếm tỷ lệ 0.4% trong tổng số 127 triệu dân, tăng được 0,01% so với 0.39% vào năm 2.000. Tuy nhiên nếu so sánh với Việt Nam, dù trong khoảng thời gian ấy, tín hữu Công giáo Việt Nam tăng thêm được gần 550.000 người, nhưng tỷ lệ lại sút giảm từ 7,9% xuống còn 7,4% trong khi số tu sĩ tăng gấp 3 lần và linh mục tăng gấp 2 lần (x. Catholic Almanac 2000-2015, tr. 333, USA).

Người dân Nhật Bản thấm nhuần tinh thần của Thần đạo, tin tưởng vào khoa học thực nghiệm, nhất là người trẻ, chương trình học trong 12 năm đầu của tiểu học và trung học hầu như rất khó có giờ cho các sinh hoạt giáo lý và hội đoàn Công giáo nên việc truyền giáo ở Nhật rất khó khăn. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi ta hãy “đi ra” nên tôi thiết nghĩ các nhà truyền giáo ở Nhật Bản nên khám phá hơn để thấy nhiều điểm trong Thần đạo rất gần với Công giáo, đặc biệt trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo. Nhất là các linh mục, tu sĩ và tín hữu giáo dân Nhật, khi gắn bó với Chúa Giêsu Phục Sinh, có thể cho đồng bào của mình thấy được tình yêu, quyền năng của Chúa Kitô qua những dầu lạ như chữa lành bệnh tật, những khám phá, phát minh trong lĩnh vực khoa học, những thành công trong việc xây dựng những con người đẹp đẽ, tài năng, cả giàu có nữa, như tín hữu Hàn Quốc vì Chúa chúng ta là nguồn chân thiện mỹ. Đây cũng là vấn đề cốt lõi cho việc loan báo Tin Mừng ở Việt Nam.

Lời kết

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho chúng con được thấy Chúa hiện diện sống động ít là một lần trong cuộc đời, để chúng con gắn bó mật thiết với Chúa và trở thành chứng nhân thật sự của Chúa. Amen.