10/01/2025

Phải thay đổi tâm lý “xài chùa” bản quyền sở hữu trí tuệ

Giáo dục ý thức của người tiêu dùng về bản quyền. Đó là quan điểm chủ đạo của các chuyên gia trong cuộc thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ âm nhạc.

 

Phải thay đổi tâm lý “xài chùa” bản quyền sở hữu trí tuệ

 

Giáo dục ý thức của người tiêu dùng về bản quyền. Đó là quan điểm chủ đạo của các chuyên gia trong cuộc thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ âm nhạc. 



 

 

Khán giả đặt câu hỏi với các diễn giả tại buổi thảo luận về quyền sở hữu trí tuệ trong âm nhạc – Ảnh: Bình Minh
Bị ăn cắp bản quyền cũng giống như là đầu tư kinh doanh mà không có một đồng lãi nào. Nếu tình trạng này tiếp diễn, các nghệ sĩ sẽ dần đánh mất cảm hứng sáng tạo. Điều đó gây thiệt hại không chỉ cho bản thân các nghệ sĩ mà cho cả ngành công nghiệp âm nhạc
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn

Cuộc thảo luận do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 20-4 nhân Ngày sở hữu trí tuệ thế giới.

Điều phối cuộc thảo luận là ông Peter Fowler – tùy viên chuyên trách sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á thuộc Cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO).

Ông Fowler khẳng định phần lớn nghệ sĩ âm nhạc trên thế giới, từ ca sĩ đến nhạc sĩ, đều không dễ dàng sống được bằng các tác phẩm của mình. Điều họ cần là một hệ thống luật pháp quyền sở hữu trí tuệ của họ để họ có đủ điều kiện theo đuổi sự nghiệp sáng tạo.

Tình hình vi phạm vẫn rất nghiêm trọng

Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn nhận định vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề nóng và nghiêm trọng tại VN.

Anh kể vài năm trước, anh có lần lên truyền hình biểu diễn hai ca khúc hoàn toàn mới chưa hề được phát hành ngoài thị trường. Và chỉ vài ngày sau ở thị trường chợ đen đã lập tức xuất hiện đĩa lậu có hai ca khúc này. Anh cho rằng các nghệ sĩ rất cần sự giúp đỡ của tất cả mọi người, từ chính phủ, người tiêu dùng và giới truyền thông để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ.

Ông Roland Vongphasouk – đại diện tập đoàn âm nhạc toàn cầu Universal Music – cho biết hãng đã đến VN từ ba năm qua và đã hợp tác với một số trang web cung cấp âm nhạc như Zing, NhacCuaTui, NhacVui… để phân phối âm nhạc có bản quyền trên mạng Internet.

“Chúng tôi muốn tìm cách làm tăng giá trị của âm nhạc, bởi nếu nghe nhạc miễn phí trên Internet thì cũng đồng nghĩa với việc giá trị của các ca khúc chỉ bằng không” – ông Vongphasouk nói.

Bản quyền có ý nghĩa quyết định

Ông Peter Fowler khẳng định với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kinh tế VN sẽ kết nối sâu hơn nữa với nền kinh tế thế giới. “Đầu tư vào công nghệ và khoa học là đầu tư có giá trị nhất hiện nay. Đó là thứ đầu tư mà VN rất cần để đưa đất nước phát triển trong 20-30 năm tới, để thật sự trở thành một con hổ châu Á. Và bản quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quyết định trong việc thu hút đầu tư công nghệ” – ông Fowler cho biết.

“Chúng tôi đang cố gắng làm việc với các nhà sản xuất, nhạc sĩ và ca sĩ trong nước. Và thách thức lớn nhất là người tiêu dùng nghĩ việc tải nhạc không bản quyền trên mạng Internet không phải là một tội bởi chẳng có ai là nạn nhân. Nhưng thực tế là các nhà sản xuất, ca sĩ và nhạc sĩ không dễ sống với nghề và họ là nạn nhân. Những người trẻ khi chứng kiến những người đi trước gặp khó khăn, họ sẽ không muốn đi theo con đường đó. Niềm cảm hứng sáng tác sẽ bị thui chột, ảnh hưởng đến nền văn nghệ trong nước” – ông Vongphasouk cảnh báo.

Ông Vongphasouk chỉ ra một ví dụ điển hình của nền âm nhạc thành công nhờ bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ là Hàn Quốc (K-pop).

“Nhiều năm trước ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc cũng tương tự như VN hiện nay, bản quyền bị xâm phạm nghiêm trọng. Hàn Quốc đã nỗ lực xây dựng cơ chế bảo vệ bản quyền và hiện tại ăn cắp bản quyền tại đây là cực khó. Điều đó đã giúp tăng giá trị thương mại của ngành âm nhạc Hàn Quốc, dẫn đến sự hình thành và phát triển của K-pop ngày nay” – ông Vongphasouk giải thích.

Đại diện Universal Music cho biết hãng cũng muốn lập một cơ chế khai thác thương mại âm nhạc tại VN để thu hút đầu tư vào các nhạc sĩ, ca sĩ địa phương. “Tương tự như Hàn Quốc, chúng tôi hi vọng có ngày V-pop sẽ hình thành” – ông Roland bày tỏ kỳ vọng. Tuy nhiên, bà Phan Cẩm Tú – đại diện Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPA) – đánh giá tình hình vi phạm bản quyền tại VN hiện vẫn rất nghiêm trọng.

Quan trọng vẫn là ý thức

Bà Tú chỉ ra một ví dụ trong lĩnh vực điện ảnh rằng bộ phim “bom tấn” Fast & furious 7 (Quá nhanh, quá nguy hiểm) đang được trình chiếu tại VN, nhưng một trang web đăng tải bản phim đã thu hút hơn 1 triệu lượt người xem trong những ngày qua. “Đây là thiệt hại rất nặng nề đối với các nhà đầu tư” – bà Tú nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Bích Ngọc – nhà sản xuất của Hãng phim Indochina Production – nhận định ở VN, ngay cả người sở hữu bản quyền cũng chưa hiểu rõ được hết quyền lợi của mình.

Bà Ngọc kể một trường hợp Indochina Production sản xuất một bộ phim và tốn rất nhiều thời gian liên lạc với nhạc sĩ của một bản nhạc mà họ muốn sử dụng trong phim. Sau thời gian tìm hiểu, hãng biết nhạc sĩ đã qua đời và tìm cách liên hệ với người nhà của ông. Và khi trả lời điện thoại, con gái nhạc sĩ này trả lời: “Tại sao lại phải gọi tôi? Ai cũng dùng bài hát đó mà. Cứ dùng thoải mái đi” rồi cúp máy. “Ngay cả việc trả tiền bản quyền cho âm nhạc cũng khó khăn” – bà Ngọc kể.

Luật sư Trần Mạnh Hùng thuộc Công ty Baker & McKenzie (B&M) kể gần đây một chương trình truyền hình đã sử dụng không xin phép một ca khúc của khách hàng B&M. Sau nhiều tranh cãi, chương trình này mới chấp nhận ngừng sử dụng ca khúc này và khi bị đòi bồi thường thì cho rằng “không có lý do pháp lý nào” để bồi thường và cũng không chịu xin lỗi vì đã vi phạm bản quyền.

“VN đã có hệ thống luật pháp về bản quyền rất rõ ràng, nhưng vấn đề là thực thi các điều khoản pháp luật đó. Điều khó nữa là thay đổi tâm lý dùng không trả tiền của người tiêu dùng. Theo tôi, giải pháp phải xuất phát từ hệ thống giáo dục. Chúng ta chưa có hệ thống giảng dạy về bản quyền từ cấp trung học đến đại học” – luật sư Hùng cho biết.

Bà Vanja Kovacevic, giám đốc Đông Nam Á Hãng luật Smith & Orlov, cũng nhắc đến “quyền lợi đạo đức” của người nghệ sĩ mà người sử dụng âm nhạc không có bản quyền có thể vi phạm.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn đúc kết: “Về lâu dài tình trạng vi phạm bản quyền gây nhiều thiệt hại cho ngành âm nhạc và xã hội. Đã có một số tổ chức nỗ lực bảo vệ bản quyền âm nhạc ở VN. Ít nhiều điều đó góp phần vào việc bảo vệ người nghệ sĩ và sự sáng tạo.”

“Hơn nữa, giới truyền thông có thể giúp nâng cao ý thức của người nghe nhạc. Đó là điều quan trọng nhất. Bất kể chế tài nào, dù nghiêm khắc đến mấy, cũng không hiệu quả nếu người tiêu dùng không có ý thức” – nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nhấn mạnh.

HIẾU TRUNG