09/01/2025

Tránh đổ bệnh khi trời nóng

Thời tiết nóng bức, nhiệt độ thay đổi trong ngày làm cơ thể phải hoạt động tối đa công suất hệ thống điều hoà nhiệt khiến chúng ta phải tiêu hao nhiều năng lượng, các chất điện giải và nhất là nước.

 

Tránh đổ bệnh khi trời nóng

 

Thời tiết nóng bức, nhiệt độ thay đổi trong ngày làm cơ thể phải hoạt động tối đa công suất hệ thống điều hoà nhiệt khiến chúng ta phải tiêu hao nhiều năng lượng, các chất điện giải và nhất là nước.



 

Khi cho trẻ nhỏ bơi lội, phụ huynh cần trông chừng cẩn thận – Ảnh: Châu Anh

Tình trạng này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, rối loạn giấc ngủ, dễ mắc bệnh ngoài da, cảm cúm…

Khi trẻ muốn tắm hồ bơi, biển, ao hồ, cần phải đảm bảo nước sạch và an toàn để phòng tránh các bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng nguy hiểm (thương hàn, lỵ, amip ăn não người…). Phải luôn có người lớn hoặc nhân viên cứu hộ giám sát để tránh tai nạn

Các bệnh thường gặp

Không phải người già, trẻ nhỏ mới sụt sịt khi thời tiết thay đổi, mà ngay cả những người trẻ khỏe vẫn dễ mắc các vấn đề sức khỏe sau:

* Chứng mệt mỏi: cảm giác bứt rứt, khó chịu, mất tập trung, lừ đừ.

* Rối loạn giấc ngủ: thời gian đi vào giấc ngủ kéo dài. Thông thường chỉ khoảng 10-15 phút để vào giấc ngủ sâu, nhưng nếu bị rối loạn giấc ngủ thì có thể kéo dài vài giờ hoặc không thể ngủ được. Thời gian ngủ ngắn (bình thường là khoảng 10-12 giờ ở trẻ nhỏ, 8 giờ đối với người trưởng thành và khoảng 6-8 giờ ở người cao tuổi). Ngủ bị thức giấc hoặc mộng mị, nằm mơ…

* Bệnh ngoài da: rôm sảy, lang ben, viêm da dị ứng.

* Cảm cúm, viêm hô hấp: nóng, sốt, ho, sổ mũi, đau họng, ho khan, khạc đàm trong hoặc vàng, xanh. Nhức mỏi tay chân, đau các khớp. Nặng hơn có thể viêm phế quản hoặc viêm phổi (sốt cao, đau ngực, ho nhiều, khó thở).

* Hạ huyết áp: khi số đo (ở người trưởng thành) nhỏ hơn 90/60 mmHg. Triệu chứng kèm theo: hoa mắt, chóng mặt, nhất là khi thay đổi từ tư thế nằm sang ngồi hoặc đứng dậy.

* Cao huyết áp: khi số đo (ở người trưởng thành) lớn hơn hoặc bằng 140/90 mm Hg. Triệu chứng kèm theo: nhức đầu vùng thái dương, trán hoặc gáy, cảm giác nóng phừng mặt, da ửng đỏ.

* Sỏi và nhiễm trùng hệ tiết niệu: đau vùng thắt lưng, đau bụng vùng hông hoặc dưới rốn, có thể xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội hoặc âm ỉ, kèm theo tiểu khó, tiểu buốt…

* Rối loạn, nhiễm trùng tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm: do dung nạp những thức ăn, nước uống không đảm bảo vệ sinh (thức ăn để bị ruồi bu, kiến bò, bụi bặm, hoặc để nhiệt độ nóng bên ngoài quá lâu). Triệu chứng thường gặp là: đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, táo bón.

Ngoài ra ở trẻ em, mùa nắng nóng là thời điểm xuất hiện các bệnh do siêu vi như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, thuỷ đậu… Một số tai nạn cũng thường xảy ra khi trời nắng nóng do mọi người, nhất là trẻ em, đi tắm sông, ao hồ, vũng nước đọng bị ngạt nước, say nắng, say nóng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Những giải pháp đơn giản dưới đây giúp chúng ta tự bảo vệ sức khoẻ của mình trước khi phải gõ cửa thầy thuốc:

* Cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể bằng cách chủ động đo lường lượng nước đưa vào cơ thể hằng ngày. Nên bổ sung chia đều nhiều lần, chú trọng vào buổi sáng, trưa và chiều.

* Theo dõi lượng và màu sắc nước tiểu hằng ngày: bình thường màu trong, nếu không uống đủ nước, màu nước tiểu sẽ vàng hoặc sẫm màu, khi nhiễm trùng sẽ có lợn cợn trắng.

* Nên ăn nhiều rau quả, trái cây, uống nước ép trái cây, sữa tươi (người dư cân nên uống sữa tươi không béo, không đường, nhiều canxi).

* Nên điều chỉnh máy điều hoà đúng cách (cài đặt nhiệt độ khoảng 25-27 độ C, tùy theo sở thích, lứa tuổi). Nhiều phụ huynh muốn cài nhiệt độ quá cao 28-29 độ C khiến trẻ bị nóng bức, ra mồ hôi. Việc này càng bất lợi vì khi đang sử dụng máy lạnh mà tiết mồ hôi, thấm vào da trẻ, làm trẻ rất dễ bị viêm hô hấp kéo dài, tái phát.

* Tắm hằng ngày, khi quá nóng có thể tắm hai lần/ngày. Nên dùng các loại sữa tắm ít gây khô da.

* Khi đi ra đường nên mang khẩu trang có than hoạt tính và nên giặt sạch lớp vải ngoài sau vài ngày để tránh bụi bám nhiều. Nên có thói quen nhỏ nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) vào mắt, mũi sau khi ra ngoài đường và khi trở về nhà.

* Không nên để thức ăn uống bên ngoài sau khi sử dụng mà còn thừa. Nên chế biến vừa đủ ăn uống. Nếu muốn tái sử dụng cần phải bảo quản trong tủ lạnh, và xử lý trong khoảng 24 giờ. Nên nhớ rằng tất cả thực phẩm đóng hộp đều chứa các chất bảo quản để tránh ngộ độc do hư thối, nhiễm khuẩn.

* Để phòng tránh rối loạn huyết áp cần hạn chế ăn mặn (thịt cá khô mặn, đồ hộp, mắm…) và uống đủ lượng nước cần thiết.

* Không nên thức khuya, khi buồn ngủ cần ngủ ngay. Buổi trưa chỉ cần nằm nghỉ khoảng 20-30 phút là vừa.

* Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, loại thải những vật dụng không cần thiết, cắt tỉa cây cối gọn gàng.

* Tiêm ngừa văcxin phòng bệnh thuỷ đậu, sởi, quai bị, rubella, cảm cúm… Đặc biệt là tiêm nhắc lại khi đã đến kỳ tiêm chủng.

ThS.BS MAI VĂN BÔN