10/01/2025

Người nâng đỡ hàng ngàn trẻ lầm lỡ

Lớn lên từ đường phố, từng lăn lộn để có được miếng cơm, hơn ai hết, ông Lương Tấn Hằng hiểu những đứa trẻ lầm lỡ, lang thang cần một chỗ dựa. Vì thế ông tiếp nhận những đứa trẻ có hoàn cảnh không may mắn, lo cho các em cái ăn, cái mặc, nơi cư trú.

 

Người nâng đỡ hàng ngàn trẻ lầm lỡ

 

 

Lớn lên từ đường phố, từng lăn lộn để có được miếng cơm, hơn ai hết, ông Lương Tấn Hằng hiểu những đứa trẻ lầm lỡ, lang thang cần một chỗ dựa. Vì thế ông tiếp nhận những đứa trẻ có hoàn cảnh không may mắn, lo cho các em cái ăn, cái mặc, nơi cư trú.

 

 

 

Người nâng đỡ hàng ngàn trẻ lầm lỡÔng Hằng đang sửa từng động tác cho các học trò trong một buổi tập -  Ảnh: Lam Ngọc
Ông Lương Tấn Hằng (53 tuổi, trú 284 Lãnh Binh Thăng, P.11, Q.11, TP.HCM) là trưởng đoàn lân Hằng Anh Đường, vẫn đang hằng ngày tiếp nhận dạy dỗ những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ. Bản thân ông Hằng cũng từng có xuất phát điểm giống như những thanh thiếu niên không may mắn. Mười tuổi, ông bước vào đời bằng nghề bán vé số dạo.
Con không có chỗ nào để đi
“Hơn một năm lang thang đầu đường xó chợ, tôi xin học nghề tại đoàn lân sư rồng Tinh Anh Đường. Ở đây tôi được nuôi ăn, ở, được học chữ và học võ. Cuộc sống bớt phần cực. Tôi vốn đam mê võ thuật từ nhỏ, cộng thêm có chút năng khiếu nên nhanh chóng được đoàn Tinh Anh Đường chọn để đào tạo thành một võ sư và nghệ nhân múa lân. Sau 13 năm học nghề tôi thành lập đoàn lân sư rồng, lấy tên Hằng Anh Đường. Lúc này tôi nghĩ ngay đến những đứa trẻ hè phố”, ông Hằng nhớ lại.
Trong sân tập, ông Hằng chậm rãi tiếp tục câu chuyện: “Mười em đến với đoàn lân thì cả mười không nơi nương tựa, gia đình ly tán, có em sống lay lắt, giựt dọc, có em nghiện hút; có em đến nói “con không có chỗ nào để đi”… Đoàn lân khởi nghiệp từ những học trò đầu tiên có xuất thân như thế. Sau khi tự mình đi xác minh hoàn cảnh thật sự của các em, tôi tiếp nhận, kèm theo lời dặn: Thầy nuôi cơm, các con không lo đói, nhưng phải lo học chữ, học võ, học múa lân để làm người đàng hoàng. Chúng ta có xuất thân không tốt, vì vậy phải nỗ lực gấp đôi người khác, để xã hội có cái nhìn thiện cảm hơn với mình”.
Khi mới thành lập, vì không có chỗ ăn ở nên đoàn chỉ có vài người. Nhiều em cơ nhỡ tới xin ở lại học nghề, ông Hằng phải tìm thuê phòng trọ cho học trò ở, sân bãi tập phải đi mượn nhưng chỉ mượn được ban đêm. Vậy mà, hơn 30 năm qua, ông Hằng nhận hàng ngàn học trò. Nhiều người tới giờ đã lập gia đình riêng, trở thành người có ích cho xã hội… Hiện tại, đội lân sư rồng Hằng Anh Đường có hơn 100 thành viên là thanh thiếu niên nghèo, lầm lỡ… Ông Hằng đã tạo cho các em có công ăn, việc làm, có thu nhập và niềm đam mê với nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng.
“Ngày nào chúng tôi cũng bắt đầu tập từ lúc mặt trời lặn đến hừng đông. Nhiều anh em không quen kỷ luật, khi bị thầy Hằng đưa vào khuôn khổ tỏ ra bất mãn. Những lúc ấy, thầy rất nghiêm khắc”, anh Hào – một thành viên đoàn lân – chia sẻ.
“Thầy phạt tập luyện nhiều hơn và không cho nghỉ… Do vậy mọi người đều sợ và ra sức tập luyện. Cũng vì thế mà chúng tôi tiến bộ rất nhanh”, anh Hào kể thêm và nhớ lại: “Thầy bắt chúng tôi chỉnh chu từng lời nói, gặp người lớn phải chào, gặp người nhỏ phải nhường nhịn. Thầy bảo đó là cốt cách của người học võ có văn hóa. Khi tập luyện thầy tỉ mỉ, chỉ cho chúng tôi từng bước đi khó, cầm tay, dạy chúng tôi từ động tác nhỏ nhất. Tập 1 lần không được thì tập 10 lần, 10 lần chưa tốt thì tập 100 lần khi nào cảm thấy hay, thấy đẹp mới thôi”.
Bước qua bóng tối
 
 
Không riêng Chung mà giờ đây nhiều học trò của ông Hằng đã ra ở riêng, mở cơ sở ở TP.HCM, Bình Dương, Tiền Giang, không ít em đã có một gia đình yên ấm. Quá khứ hè phố của các em đã được rũ bỏ khi may mắn gặp thầy Hằng. “Tuy nhiên, trong số các em cũng có em rất ngang bướng, có em cũng tái nghiện phải đưa đi cai”, ông Hằng nói.
 

Những đệ tử của Hằng Anh Đường nhiều người đã gắn bó 20, thậm chí 30 năm tới tận bây giờ vẫn ở lại cùng phát triển đoàn lân. Huỳnh Hoài Chung là một thành viên như thế. Gia đình đông anh em, cha mẹ lại nghèo, Chung được ông Hằng nhận về nuôi lúc hơn 10 tuổi. Thấy Chung có năng khiếu và sáng dạ trong các động tác múa lân, ông Hằng tận tình chỉ dạy. Thầy trò gắn bó được mấy năm, lúc ông Hằng đặt nhiều kỳ vọng vào Chung thì ông phát hiện Chung dính vào ma tuý.

“Lúc đầu Chung giấu, nhưng sau một thời gian nhu cầu hút ma túy tăng lên, em ấy đòi hỏi nhiều về tiền bạc nhưng không được đáp ứng nên bỏ ra ngoài làm. Tôi đồng ý nhưng vẫn theo dõi sát những bước đi của em và âm thầm hỗ trợ. Hơn 2 năm lang bạt bên ngoài, thử làm ở nhiều nơi nhưng không gắn bó được lâu, Chung trở về với chúng tôi xin một cơ hội làm lại cuộc đời. Tôi đồng ý nhưng cũng lưu ý em là chỉ có một cơ hội duy nhất. Sau khi trở về Chung siêng năng hơn và thay đổi nhiều. Nhìn thấy được điều đó tôi mừng lắm. Bao nhiêu tuyệt kỹ của nghề học tôi truyền dạy cho em hết, em ấy đã bỏ xa con đường nghiện ngập một cách ngoạn mục”, ông Hằng chia sẻ.
Chung trở thành đại đồ đệ của Hằng Anh Đường. Năm 2005, ông Hằng đứng ra tổ chức lễ cưới cho Chung. Nhìn gương mặt thư sinh, hiền lành của một ông bố hai con bây giờ, ít ai biết Chung đã có một thời bụi đời. Chiếc xe gắn máy đầu tiên của Chung là ông Hằng bỏ tiền túi mua cho. Sau khi lấy vợ, ông Hằng còn thuê cho Chung một ngôi nhà riêng làm tổ ấm. Tới đây Chung sẽ thay ông Hằng làm trưởng đoàn dẫn đội lân đi diễn ở khắp nơi.
Võ sinh càng đông, gánh nặng chất lên vai ông Hằng càng nhiều. Ở tuổi 53, ông Hằng vẫn chưa lập gia đình. Có lẽ, với ông, gia đình lớn nhất chính là đoàn lân cùng các học trò. Người không con nhưng có cả “ngàn con”. Những đứa con bước ra từ bóng tối để tìm ánh bình minh…

Lam Ngọc