10/01/2025

Cần biết cách sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn

Bác sĩ Trương Thế Hiệp – phó khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết người sơ cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông có học cơ bản về cứu thương là rất cần thiết.

 

Cần biết cách sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn

 

Bác sĩ Trương Thế Hiệp – phó khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết người sơ cứu cho nạn nhân tai nạn giao thông có học cơ bản về cứu thương là rất cần thiết.



Bác sĩ nói nhân đọc bài viết “Alô… cứu thương!” trên Tuổi Trẻ ngày 14-4.

Trong nhiều trường hợp, khi thấy một người bị té xe hay đụng xe mà bất tỉnh, nếu không biết cách cứu có khi khiến nạn nhân bị nặng thêm. Bác sĩ chú ý: khi di chuyển nạn nhận không được bế xốc hoặc gập người nạn nhân mà cần 2-3 người hỗ trợ.

Đặt nạn nhân nằm ngửa trên một nền cứng, đầu thấp, chân gác cao. Không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định vết thương. Không di chuyển nạn nhân bằng xe đạp, xe gắn máy vì có nhiều trường hợp gãy cột sống cổ gây liệt hô hấp và tử vong trước khi vào viện do quá trình chở bị xóc.

Không đưa bất cứ một vật lạ, nước vào miệng người bị nạn vì có thể gây tử vong do sặc, ngạt thở. Với trường hợp nạn nhân đội mũ bảo hiểm fullface (trùm toàn đầu và cằm) thì tốt nhất nên đưa đến cơ sở y tế, không tự gỡ nón sẽ gãy cổ nạn nhân.

Theo bác sĩ Hiệp, trong tất cả các trường hợp cần sơ cấp cứu trước khi đến cơ sở y tế, cần phải kiểm soát được đường hô hấp của nạn nhân. Nếu đường thở bị tắt bởi bất kỳ dị vật gì (đất cát, đờm, thức ăn…) cần được móc ra sạch, làm thông thoáng đường thở.

Nếu vết thương chảy máu, cần cầm máu bằng khăn hoặc bông đè mạnh vào vết thương rồi đưa đến cơ sở y tế. Nếu trường hợp nặng, hôn mê thì sau khi làm thông thoáng đường thở, trợ thở cho nạn nhân bằng cách xoa bóp tim (hà hơi, thổi ngạt) liên tục trên đường đưa đến cơ sở y tế.

Trong trường hợp nạn nhân bị gãy xương, phải cố định vết thương bằng nẹp cây hoặc dây làm máng treo trước khi di chuyển.

 

DIỆU NGUYỄN