Người trẻ chọn việc như thế nào?
Trong hai tháng đã có 21.187 sinh viên VN được khảo sát trực tuyến về nghề nghiệp. Yếu tố hấp dẫn nhất để tham gia ứng tuyển là gì? Câu trả lời của đa số sinh viên là “thu nhập cao” và có “cơ hội thăng tiến”.
Người trẻ chọn việc như thế nào?
Trong hai tháng đã có 21.187 sinh viên VN được khảo sát trực tuyến về nghề nghiệp. Yếu tố hấp dẫn nhất để tham gia ứng tuyển là gì? Câu trả lời của đa số sinh viên là “thu nhập cao” và có “cơ hội thăng tiến”.
Các bạn trẻ chia sẻ về công việc – Ảnh: T.L. |
Đơn vị khảo sát là công ty chuyên về xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng Universum (Thụy Điển). “Số liệu đáng tin cậy vì chúng tôi đã chọn phần trả lời từ các sinh viên với những tiêu chuẩn khắt khe nhất” – ông Mike Parsons (giám đốc tiếp thị của Universum khu vực châu Á – Thái Bình Dương) cho biết. Vậy giới trẻ đang muốn chọn việc thế nào?
Được hỏi yếu tố nào ở nhà tuyển dụng hấp dẫn bạn, đa số sinh viên chọn “thu nhập cao” và có “cơ hội thăng tiến”.
Từng có 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, bà Lê Thị Đoan Trinh (trưởng bộ phận nhân lực TTV Online) phân tích: “Nếu như ngày trước ứng viên thường ưu tiên chọn các yếu tố như sự ổn định, có nấc thang nghề nghiệp rõ ràng… thì hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ, cơ hội kiếm tiền linh động hơn, làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ nên nhiều 8X, 9X sẵn sàng thờ ơ yếu tố “ổn định”.
Mục tiêu chọn việc: sự cân bằng là quan trọng nhất
Ai là nhà tuyển dụng lý tưởng? Từ những lựa chọn về mục tiêu nghề nghiệp và yếu tố hấp dẫn như trên, sinh viên khối ngành kinh tế tự chọn “tốp 10” nhà tuyển dụng lý tưởng nhất (theo thứ tự xếp hạng) gồm: Unilever, Vinamilk, Samsung, Google, Coca-Cola, Bộ Ngoại giao, Vietcombank, Bộ Tài chính, Lotte, FPT. Trong khi đó sinh viên khối ngành kỹ thuật thì “tốp 10” của họ gồm: PetroVietnam, Vinamilk, Samsung, Intel, Toyota, FPT, Unilever, Viettel, Microsoft, Google. |
Khi được hỏi mục tiêu nghề nghiệp quan trọng nhất sau khi ra trường, trong số các mục tiêu cuộc khảo sát đưa ra thì việc chọn “sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống” được 49,8% người tham gia khảo sát (có độ tuổi trung bình 19,9) chọn, ở vị trí cao nhất.
Tỉ lệ này tương đương với sinh viên các nước như Indonesia (50,1%), Singapore (65,9%), Malaysia (63,1%), Thái Lan (39,9%).
Tuy nhiên, có hay không sự mâu thuẫn khi sinh viên vừa chọn “cân bằng giữa công việc và cuộc sống” nhưng đồng thời xem “thu nhập cao” và “cơ hội thăng tiến” là điểm hấp dẫn?
“Có lẽ do thiếu trải nghiệm thực tế nên hầu hết chúng tôi ngày ra trường đều rơi vào trạng thái lơ lửng, mơ hồ giữa công việc “trong mơ” với đời thực nên có sự mâu thuẫn nhất định trong các tiêu chí đề ra” – bạn Trần Văn Thức (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM) nêu giả thiết.
“Mâu thuẫn trên không quá khó hiểu. Thực chất tình trạng bạn trẻ đòi hỏi một công việc nhẹ nhàng, ít áp lực nhưng mức lương lại không được thấp là phổ biến. Nhiều bạn trẻ có tư duy muốn được hưởng thành quả quá sớm, chỉ thích đi tắt đón đầu” – bà Đoan Trinh giải thích.
Mới ra trường nhưng kỳ vọng lương cao
Một điểm đáng lưu ý trong khảo sát là mức lương kỳ vọng khi mới ra trường của các bạn sinh viên ở mức trung bình 13,16 triệu đồng/tháng. Đây là con số cao hơn khá nhiều so với thực tế và tăng gần 5% so với mức lương kỳ vọng trong khảo sát năm 2014.
“Đây là mức lương kỳ vọng khá cao với những bạn mới ra trường. Theo tôi, chỉ những sinh viên thật sự xuất sắc, đã từng có thâm niên làm việc hiệu quả trong quá trình đi học, được tuyển dụng vào vị trí quản lý cấp trung mới có mức lương như trên” – ông Lê Thành Quang Khôi (phó phòng nhân sự Ngân hàng Vietcombank Tân Định) nhận định.
Trong khi đó bạn Diệp Tuấn Anh (Công ty TNHH Thiên Thanh Nguyên) chia sẻ trải nghiệm thực tế sau một năm đi làm: “Tôi quan sát xung quanh và biết được mức lương cho sinh viên mới tốt nghiệp thường dao động trong khoảng 5 triệu đồng/tháng, còn mức thu nhập 13 triệu đồng/tháng chỉ có thể kiếm được ở các tập đoàn lớn và dĩ nhiên bạn cũng phải có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và kỹ năng mềm ở mức xuất sắc”.
Công ty trong nước “lên ngôi”
“Có công việc mang tính quốc tế, có cơ hội ra nước ngoài làm việc” là yếu tố xếp hạng 5 (sụt hai hạng so với năm 2014) trong bảng thăm dò mục tiêu nghề nghiệp. “Không chỉ riêng VN mà các quốc gia lân cận như Indonesia, Thái Lan, Singapore… cũng gặp tình trạng tương tự. Có thể đang có sự cải thiện mạnh mẽ của các công ty trong nước về tính cạnh tranh, điều kiện làm việc… nên sinh viên dần hứng thú với các công ty này hơn là công ty nước ngoài” – bà Nadine Đinh (quản lý B2C marketing và quan hệ khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Universum) giải thích.
Đó là những công ty ở lĩnh vực nào? Theo khảo sát, FMCG (các công ty sản xuất hàng tiêu dùng nhanh) vẫn là ngành công nghiệp hấp dẫn nhất đối với sinh viên kinh tế (chiếm 4 trong 10 vị trí đầu trong bảng xếp hạng các nhà tuyển dụng lý tưởng nhất).
Là một trong những ngành học hấp dẫn và thu hút nhiều học sinh thi tuyển những năm qua, có sự “soán ngôi” giữa các ngân hàng quốc tế và ngân hàng nội địa trong mắt sinh viên ngành tài chính – ngân hàng.
Cụ thể, trong tốp 20 nhà tuyển dụng lý tưởng nhất năm 2015, trong khi các ngân hàng nội địa vươn lên vị trí hạng 7 (Vietcombank), hạng 13 (BIDV), hạng 16 (VietinBank)… thì chỉ duy nhất Ngân hàng HSBC ở vị trí 18, còn các ngân hàng quốc tế khác đều rớt xuống tốp 50.
Tại sao? Từ các dữ liệu thu thập được cho thấy sở dĩ ngân hàng trong nước hấp dẫn hơn với lao động là vì những nơi này cung cấp nhiều hơn “sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”, cụ thể tạo điều kiện cho nhân viên kết hợp các lợi ích cá nhân vào lịch trình công việc, tạo quyền tự kiểm soát số giờ làm việc…