11/01/2025

Chỉ Bộ GD-ĐT không đồng ý

Bộ nào sẽ quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp? Giải pháp nào khả thi nhất để không tạo sự phân tán, chia cắt giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH?

 

Chỉ Bộ GD-ĐT không đồng ý

 

Bộ nào sẽ quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp? Giải pháp nào khả thi nhất để không tạo sự phân tán, chia cắt giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH? 




 

 

Giáo dục nghề nghiệp nặng về thực hành. Trong ảnh: thầy Lê Trung Quốc hướng dẫn sinh viên khóa 13 khoa cơ khí chế tạo Trường cao đẳng Nghề TP.HCM thực hành trên máy tiện CNC – Ảnh Như Hùng

Trước kiến nghị của Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế – kỹ thuật và văn bản của Bộ GD-ĐT góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp (GDNN) do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo,Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Dương Đức Lân – tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH).

Ông Lân cho biết:

– Đúng là hiện nay Chính phủ chưa có quyết định chính thức phân công giao cho bộ nào quản lý nhưng Chính phủ, Thủ tướng đều chưa nói sẽ để nguyên trạng.

Hiện tại Bộ LĐ-TB&XH được Thủ tướng giao soạn thảo các văn bản triển khai luật gồm một số nghị định, quyết định và 24 thông tư. Văn bản quan trọng nhất, được nhiều người quan tâm nhất là nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều Luật GDNN đã xin ý kiến các bộ ngành xong và đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Các bộ đều ủng hộ phương án giao cho Bộ LĐ-TB&XH làm cơ quan quản lý nhà nước về GDNN, trừ Bộ GD-ĐT.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ có ý kiến là: nếu đưa vào dự thảo nghị định một phương án duy nhất về cơ quan quản lý nhà nước về GDNN là Bộ LĐ-TB&XH thì phải lý giải đầy đủ cho phương án này.

Chúng tôi không ham, làm vì trách nhiệm

* Với những ý kiến đóng góp từ các bộ ngành, “bản chốt” cuối cùng cho dự thảo nghị định Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ tới đây sẽ có những thay đổi nào quan trọng so với trước?

– Tiếp thu góp ý, chúng tôi đã đưa lý giải cụ thể tại sao nên là Bộ LĐ-TB&XH quản lý trong dự thảo nghị định và tờ trình sẽ trình Chính phủ vào tuần tới. Ngày 8-4, tại buổi họp xin ý kiến tham vấn về dự thảo nghị định có sự tham gia của Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT cùng các bộ, ngành liên quan, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đã khẳng định nếu các ý kiến đóng góp chỉ ra được dự thảo nghị định có điểm nào không phù hợp với hiến pháp, bộ sẽ yêu cầu dừng thẩm tra nghị định ngay.

Tuy nhiên dù tỏ ra không đồng ý với phương án giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về GDNN và có văn bản góp ý rằng dự thảo nghị định do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo không phù hợp với hiến pháp, không phù hợp với nghị quyết trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nhưng các cán bộ cấp vụ của Bộ GD-ĐT tham dự cuộc họp đó không chỉ ra được không phù hợp ở điểm cụ thể nào.

* Theo ông, tại sao cả Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đều cho rằng mình mới là cơ quan quản lý nhà nước tốt nhất với hệ thống GDNN?

– Thực tế phân công cho bộ nào quản lý GDNN cũng là vấn đề của nhiều nước trên thế giới. Các nước khác cũng có chuyện tranh giành nhau về quản lý nhà nước nhưng không nặng nề như nước mình. Vì sao mình lại nặng nề hơn?

Thứ nhất, đó là yếu tố lịch sử khi hệ thống giáo dục nghề từng chịu sự quản lý khác nhau, lúc thuộc Bộ GD-ĐT khi lại thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Chúng tôi không quá nặng nề về điều này, nhưng trong bối cảnh hiện nay giao cho Bộ LĐTBXH quản lý là hợp lý hơn. Nói thật chúng tôi cũng không ham, nhưng rõ ràng vấn đề ở đây là trách nhiệm.

Triết lý về đào tạo bây giờ là GDNN nặng về thực hành, dựa trên năng lực, dựa trên đòi hỏi của người sử dụng lao động, dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Người sử dụng lao động cần gì thì đào tạo đó, tiêu chuẩn kỹ năng nghề do người sử dụng lao động đưa ra chứ không phải đơn vị đào tạo đơn phương quyết định. Cái đó là thế mạnh của chúng tôi, không phải thế mạnh của Bộ GD-ĐT. Còn Bộ GD-ĐT trong thời gian quản lý giáo dục nghề lại làm hệ thống này teo lại. Năm 1988 khi bắt đầu nhận quản lý thì có 366 trường nghề, vậy mà lúc giao lại cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý vào năm 1998 chỉ còn 129 trường…

Chính phủ sẽ cầm trịch

* Vậy ông có lo lắng nếu giao GDNN về Bộ LĐ-TB&XH quản lý thì giáo dục sẽ không đảm bảo tính liên thông, vì giáo dục mầm non, phổ thông thuộc Bộ GD-ĐT, đến GDNN thuộc Bộ LĐ-TB&XH, rồi sau đó giáo dục ĐH lại thuộc quyền Bộ GD-ĐT như nhiều chuyên gia đã phân tích một cách đầy bất an?

– Ở các nước đào tạo thường có hai nhánh: nhánh thứ nhất đào tạo ĐH gọi là hàn lâm, nhánh thứ hai là GDNN. Còn có một vài nước có nhánh thứ ba như Thái Lan có nhánh giáo dục chuyên nghiệp nhưng nhánh này cũng chỉ đào tạo hai ngành luật và kiểm toán.

Vấn đề liên thông phụ thuộc khung trình độ quốc gia. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, tới đây vào tháng 5 này, hai bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ khung trình độ quốc gia, trong đó nói rõ cơ chế liên thông từ trung cấp ( bậc 4) và cao đẳng (bậc 5) lên cử nhân(bậc 6), theo các tiêu chí, tiêu chuẩn quy định thì được liên thông, chẳng phụ thuộc vào vấn đề thuộc bộ nào.

Ở Việt Nam sẽ có tám bậc trình độ, trong đó Bộ LĐ-TB&XH được phân công làm từ bậc 1 đến bậc 5 – từ lao động đào tạo giản đơn, ngắn hạn, sơ cấp (bậc 3), trung cấp (bậc 4), CĐ (bậc 5) – và Bộ GD-ĐT làm từ bậc 6 đến bậc 8, đào tạo ĐH, sau ĐH. Vấn đề liên thông đâu có khó khăn gì khi Chính phủ là người cầm trịch. Chính phủ đưa ra cơ chế liên thông thì dù các bộ khác nhau làm các khâu đào tạo khác nhau vẫn phải tuân theo chính sách liên thông ấy, không thể trái được.

* Trong kiến nghị của Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế – kỹ thuật tập hợp ý kiến các chuyên gia, các trường vừa gửi đến các cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh Luật GDNN trước thời điểm luật chính thức có hiệu lực đã chỉ ra nhiều điểm không khả thi, vì luật chỉ phù hợp với “dạy nghề” chứ không phù hợp với các trường CĐ đào tạo sư phạm, y dược vốn rất đặc thù…

– Những băn khoăn về các ngành đào tạo đặc thù này là đúng. Thực tế, trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi cũng không muốn nhận các trường CĐ sư phạm về GDNN. Triết lý quản lý các trường CĐ sư phạm rất khác với những đặc trưng riêng về tâm lý giáo dục, tâm lý trẻ em…

Những cái đó mình đâu có biết. Nhưng sau này trong thảo luận, nhiều ý kiến nói chỉ một đầu mối quản lý nhà nước nên các trường CĐ sư phạm, CĐ y – dược vẫn phải thuộc GDNN. Đúng là quy định chung theo tinh thần của luật là giáo viên các trường đào tạo GDNN phải có trình độ đào tạo phù hợp, trình độ sư phạm cần thiết và trình độ kỹ năng nghề.

Nhưng xin được nói rõ là khi triển khai, giáo viên các trường sư phạm sẽ không cần phải có chứng chỉ nghề,  quản lý chuyên môn các trường CĐ sư phạm vẫn do Bộ GD-ĐT quyết định.

Bộ LĐ-TB&XH có lợi thế trong đào tạo dạy nghề vì đã có kinh nghiệm quản lý dạy nghề 39 năm và là bộ quản lý tiêu chuẩn kỹ năng năng nghề, cái mà giáo dục nghề nghiệp không thể tách rời. Nhờ vậy từ 2001 đến nay đã tham gia thi tay nghề đỉnh cao ASEAN 8 lần và có 3 lần đứng thứ nhất toàn Đoàn, đồng thời bốn lần thi tay nghề đỉnh cao thế giới với kết quả rất đáng ghi nhận. Nhiều nước khi nhìn tay nghề học sinh Việt Nam trong các cuộc thi này đều phải thốt lên: “Chúng tôi thèm khát lao động trẻ Việt Nam quá”.

* Như ông nói, thi tay nghề có kết quả tốt, nhưng lao động nghề sau đào tạo khi gia nhập thị trường lao động lại không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, vậy là sao thưa ông?

– Ra trường làm nghề còn phù thuộc nhiều yếu tố. Theo tôi, vấn đề chính sách sử dụng nhân tài hiện nay chưa tốt. Tôi vừa có chuyến công tác tại Hàn Quốc, khi họ hỏi thí sinh Việt Nam đi thi tay nghề thế giới được huy chương vàng sẽ được thưởng bao nhiêu, tôi cũng đã trả lời thí sinh được nhận 15 triệu đồng, còn sau này đi làm ở đâu cũng chưa biết.

Trong khi đó, Hàn Quốc thưởng nóng huy chương vàng tay nghề thế giới là 70.000 USD, gấp 100 lần của mình. Chưa kể mỗi năm sau đó, những người đem giải vàng về cho đất nước sẽ được thưởng đều đặn 10.000 USD/năm cho đến cuối đời…

Không còn phương án nào khác

Ông Dương Đức Lân – Ảnh: X.LONG

“Khi dự thảo Nghị định theo chúng tôi chỉ nên đưa ra một phương án về cơ quan quản lý nhà nước và trong tờ trình nói rõ lý do việc lựa chọ phương án đó chứ không nên đưa ra các phương án trong dự thảo. 

Theo tôi, khi luật có hiệu lực phải có một cơ quan được giao quản lý nhà nước hệ thống GDNN. Nếu giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý, sau một thời gian Chính phủ có thể đánh giá hiệu quả để tiếp tục phân công Bộ LĐ-TB&XH hoặc phân công cơ quan khác quản lý phù hợp hơn”.

Ông DƯƠNG ĐỨC LÂN

Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, ngày 30-3 Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế – kỹ thuật đã có kiến nghị bằng văn bản gửi lên các cơ quan trung ương, nêu những bất cập của hệ thống GDNN hiện nay khi triển khai Luật GDNN.

Tiếp theo đó, ngày 6-4, Bộ GD-ĐT đã có văn bản góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật GDNN do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo, trong đó nêu rõ quan điểm không nhất trí với phương án giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý nhà nước về GDNN.

Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này trên các số báo tiếp theo, đồng thời mong muốn nhận thêm ý kiến đóng góp của bạn đọc. Bài vở xin gửi về [email protected].

NGỌC HÀ – XUÂN LONG thực hiện