Tham nhũng, lót tay… vẫn phổ biến
Qua khảo sát người dân ở 63 tỉnh thành cho thấy, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý đất đai… vẫn rất nghiêm trọng ở cấp chính quyền địa phương.
Tham nhũng, lót tay… vẫn phổ biến
Qua khảo sát người dân ở 63 tỉnh thành cho thấy, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý đất đai… vẫn rất nghiêm trọng ở cấp chính quyền địa phương.
Chỉ số PAPI đã được lãnh đạo nhiều địa phương tham khảo trong việc xây dựng chính sách – Ảnh: Lê Dũng
|
Chương trình khảo sát năm 2014 được thực hiện ở quy mô lớn, với 61.000 người dân được lấy ý kiến (45 – 60 phút/cuộc phỏng vấn) tại 414 xã, phường, thị trấn. Theo ông Jairo Acuna Alffaro, chuyên gia tư vấn của chương trình, về tình trạng tham nhũng trong khu vực công, phần lớn ý kiến người dân cho rằng hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền trong năm qua là “ít có chuyển biến tích cực”. Thậm chí, trong một số lĩnh vực, mức độ vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước là “có xu hướng gia tăng”. Nhiều người dân cũng cho rằng tham nhũng và hối lộ tồn tại nhiều ở cấp chính quyền địa phương và trong một số dịch vụ hành chính công, dịch vụ công căn bản, nạn tham nhũng đang tăng lên. Ông Jairo Acuna Alffaro nói: “Hiện tượng phải đưa lót tay để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, bởi có gần 49% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương họ sinh sống”.
|
Các kết quả khảo sát cụ thể về hành vi hối lộ của cán bộ, công chức trong khi thực hiện dịch vụ công như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, y tế, giáo dục tiểu học… cũng cho thấy hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp cơ sở chưa cao. “Kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 26% số người cho rằng phải hối lộ khi xin cấp phép xây dựng; 33% ý kiến nói họ phải chi lót tay để có kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2014. Để được phục vụ tốt hơn trong bệnh viện công lập tuyến huyện, 12% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã phải chi bồi dưỡng cho cán bộ y tế. Ở cấp tiểu học, 30% số phụ huynh phải bồi dưỡng thêm cho giáo viên”, ông Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết thêm.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số tỉnh, TP cũng đánh giá cao giá trị hệ thống chỉ số PAPI. Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, đại diện UBND tỉnh Quảng Trị, từ mấy năm nay tỉnh đã coi PAPI là công cụ hiệu quả để tham chiếu và đề ra các quyết định, văn bản điều hành quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. “Căn cứ chỉ số PAPI các năm qua, chúng tôi đã phải cải thiện các thủ tục cấp phép xây dựng; thay đổi cách thức tiếp công dân, để người dân được trực tiếp gặp lãnh đạo tỉnh giải quyết các vấn đề bức xúc. Chúng tôi rút ra được rằng, để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ công không cần phải đầu tư quá lớn về tiền bạc mà chỉ cần thay đổi cách thức phục vụ”, bà Hạnh nói.
Ông Trần Văn Rón, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết việc nhận thức đầy đủ thông tin, ý nghĩa từ PAPI cũng giúp chính quyền địa phương gần dân hơn. “Qua nghiên cứu chỉ số PAPI, chúng tôi cũng cải thiện nhiều việc như công khai các kế hoạch sử dụng, thu hồi đất từ cấp xã, các chính sách đầu tư, xây dựng nông thôn mới, các quy hoạch đều được công khai để thống nhất được ý kiến của người dân khi thực hiện”.
|
Mạnh Quân