09/01/2025

Taxi chỗ nào cũng đậu

Không bến bãi ổn định, phần lớn taxi đậu trạm xăng, vỉa hè, thậm chí đậu luôn dưới lòng đường… Thấy cảnh sát đến thì vội chạy lòng vòng, chờ công an đi rồi về đậu tiếp.

 

Taxi chỗ nào cũng đậu

 

Không bến bãi ổn định, phần lớn taxi đậu trạm xăng, vỉa hè, thậm chí đậu luôn dưới lòng đường… Thấy cảnh sát đến thì vội chạy lòng vòng, chờ công an đi rồi về đậu tiếp.




 

 

Trưa 13-4, nhiều taxi đậu dọc đường Nguyễn Đổng Chi, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM – Ảnh: Đức Phú

Tại TP.HCM hiện chỉ có một số ít hãng taxi có khả năng tài chính thuê các điểm đậu taxi tạm thời (không theo quy hoạch) để đậu qua đêm và thực hiện bảo dưỡng, giao ca… Phần lớn còn lại không có bến bãi ổn định.

Theo thống kê, TP.HCM hiện có 26 hãng taxi với 10.595 xe. Ngoài số ít bãi đậu xe lớn, còn lại taxi thường đậu ở những bãi nhỏ 5-7 xe.

Trưa 13-4, tại khu vực đường Nguyễn Đổng Chi, P.Tân Phú, Q.7,  gần 10 chiếc taxi đậu nối đuôi nhau trên lề đường. Có tài xế còn cho xe quay đầu lấn ra mặt đường để tiện chạy đi khi có khách gọi. 

Đậu chui, có gì… cán bộ thông báo trước

Ở Q.Bình Thạnh, dọc vỉa hè đường Điện Biên Phủ thuộc P.15 cũng có nhiều taxi Vinasun đậu ngay trên vỉa hè. Vài tài xế ngồi trên xe chờ khách, còn một vài tài xế thì rời khỏi xe vào lề đường ngồi.

Một tài xế cho biết: “Chúng tôi có làm hợp đồng đổ xăng với cây xăng bên đường để xin đậu xe. Các tài xế sẽ đưa xe vào đổ xăng, còn chủ cây xăng sẽ tạo điều kiện cho tài xế có chỗ đậu”. Tuy nhiên, tài xế này cũng cho biết do số lượng nhiều nên một số tài xế đã cho xe đậu ra vỉa hè.

“Tụi tui đậu xe ngoài đường là đậu chui thôi, chứ cơ quan chức năng thấy họ phạt liền, lập biên bản vài chiếc lấn chiếm lề đường rồi.

Để hạn chế, nếu cơ quan chức năng đi kiểm tra, chúng tôi sẽ được “cán bộ” thông báo trước. Nhận được thông báo, anh em đậu xe trên vỉa hè phải di chuyển đi chỗ khác ngay” – một tài xế nói.

Còn ở Q.Phú Nhuận, tại đường Nguyễn Thượng Hiền, P.5 đoạn trước chung cư Botanic cũng diễn ra tình trạng nhiều taxi Hãng Vinasun đậu dọc đường. Cứ xe nào mới xuất bến thì xe khác lại chạy vào đậu.

Hàng loạt taxi của Hãng Vinasun đậu thành hàng dài trên đường Bạch Đằng (P.2, Q.Tân Bình) – Ảnh: Đ.Thanh

Quanh sân bay Tân Sơn Nhất, “thủ phủ taxi”… 

Nhưng náo động nhất là khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất, nơi được coi là thủ phủ của taxi, các tuyến đường như Hồng Hà, Bạch Đằng, Phan Thúc Duyện… (P.2, Q.Tân Bình) bị xe của các hãng taxi chiếm dụng làm nơi đậu xe từ trên lề xuống dưới lòng đường, gây cản trở giao thông.

Một người dân sống ở đường Hồng Hà cho biết: “Việc đậu xe gây mất an toàn giao thông cho người đi đường đã khiến nhiều người dân rất bất bình. Chưa kể nhiều bác tài đậu xe rồi đi vệ sinh hai bên đường khiến khu vực này ô nhiễm môi trường”.

Tình trạng này gây bức xúc nên giữa tháng 9-2014, người dân đã phản ảnh đến chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn không thể giải quyết dứt điểm.

Theo ghi nhận của chúng tôi sáng 13-4, lề đường Hồng Hà (khoảng 50m, bên hông Câu lạc bộ hàng không VN) hàng chục taxi và xe tải (loại 1 tấn) chiếm dụng đậu xe hàng giờ để chạy vào sân bay rước khách.

Chỉ về phía những chiếc taxi đang đậu trên lề đường, ông T., một người dân nơi đây, bức xúc nói: “Bên trong tường rào là bãi xe của Hãng Saigon Air Taxi. Tuy nhiên, nhiều tài xế do muốn chạy đi đón khách nhanh nên đậu bừa trên lề, lòng đường…

Có tài xế đậu khoảng 10 phút, vài tiếng hoặc cả buổi cũng có. Thỉnh thoảng, hàng chục môtô của cảnh sát giao thông hụ còi, chặn cả hai đầu để bắt phạt, nhưng rồi họ vẫn lại đậu xe lấn chiếm đường như cũ”.

Tương tự, ông Đông, một người dân sống trên đường Bạch Đằng (Q.Tân Bình), cho biết taxi đậu lấn chiếm đường là nỗi bức xúc dai dẳng của người dân sống quanh khu sân bay Tân Sơn Nhất.

Chỉ tay về hướng dãy taxi của Hãng Vinasun đậu dưới lòng đường Bạch Đằng (đoạn đối diện quán lẩu dê BH) thành một hàng dài, ông Đông nói: “Những xe taxi này vừa đậu vừa dừng để chờ được gọi đến “tài” (lượt – PV) chạy rước khách, nên khoảng vài phút là thấy hàng xe này chạy về phía sân bay, nhưng chỉ đôn được vài chiếc lên rồi hàng taxi lại thành một hàng dài”. 

Nhiều lúc đường đông xe chạy qua khu này, vướng taxi đậu dưới lòng đường nên xảy ra kẹt xe kéo dài đến đường Hồng Hà.

Ông Đông cho biết thêm: “Lâu lâu thấy cảnh sát giao thông thì tài xế taxi lái xe chạy vòng vòng, cảnh sát đi, họ lại đậu xe”.

Trong khi đó, anh Phạm Văn Tuấn (31 tuổi, tài xế taxi của một hãng taxi lớn tại TP.HCM) cho biết anh chạy taxi chở khách ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất từ ba năm nay.

Bãi đậu xe tại đây chỉ đáp ứng được vài trăm xe, trong khi có hàng ngàn chiếc xếp hàng chờ vào sân bay đón khách. Nếu không đậu trên đường thì không biết đậu ở đâu.

“Nhiều khi chúng tôi muốn có một chỗ đậu xe được cấp phép để an tâm đậu trong thời gian chờ khách, ăn uống. Nhưng từ nhiều năm nay vẫn chưa có. Chúng tôi vẫn phải thường ngày đậu xe tràn lan trên đường để phải chịu than phiền từ người dân địa phương” – anh Tuấn nói.

Taxi của Saigon Air Taxi, xe tải đậu trên lề đường Hồng Hà (P.2, Q.Tân Bình) – Ảnh: Đức Thanh

Phường đề nghị gắn biển cấm, quận không chịu

Ông Trần Nhựt Thái – phó chủ tịch UBND P.2, Q.Tân Bình – cho biết theo người dân ở các khu phố 6, 7, 8, 9 phản ảnh, ở các tuyến đường nhánh trong khu dân cư gần sân bay Tân Sơn Nhất có 13 hãng taxi thường xuyên đậu chờ khách gây mất trật tự an toàn giao thông, lấn chiếm lòng lề đường…

“Thời gian qua, lực lượng của UBND phường thường xuyên phối hợp với Công an P.2 đi dẹp lấn chiếm lòng lề đường. Chúng tôi có lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, phía phường không thể ra quyết định xử phạt các tài xế vi phạm, nên chúng tôi chỉ lập biên bản và phải chuyển lên UBND quận xem xét để ra quyết định xử phạt những trường hợp này”.

Ông Thái cho biết thêm: “Tháng 9-2014, UBND P.2 có kiến nghị đề xuất Ban An toàn giao thông TP, Sở Giao thông vận tải… nghiên cứu cho gắn biển cấm dừng, cấm đậu ôtô tại chín tuyến đường nhánh trong khu dân cư gần sân bay Tân Sơn Nhất (P.2, Q.Tân Bình), trong đó có đường Bạch Đằng, đường vào khu dân cư A75.

Sau đó, Sở Giao thông vận tải có gửi văn bản trả lời kiến nghị trên rằng: việc gắn biển báo cấm dừng, đỗ xe chỉ thực hiện nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông hoặc chống ùn tắc giao thông.

Khi lắp đặt biển báo này sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân cũng như hoạt động của các doanh nghiệp trên các tuyến đường”.

Cũng theo ông Thái, sở cho biết để có cơ sở xem xét kiến nghị của UBND P.2, sở đề nghị UBND Q.Tân Bình cung cấp số liệu các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông xảy ra trên các tuyến đường đề xuất gắn biển cấm dừng, đỗ…

Sau đó, UBND Q.Tân Bình căn cứ đề xuất của Công an Q.Tân Bình đã trả lời UBND P.2 là không lắp biển cấm dừng và đỗ xe trên chín tuyến đường mà UBND P.2 kiến nghị.

Ông Tạ Long Hỷ – chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM – cho biết thường các hãng taxi sẽ phối hợp với quản lý các nhà hàng, khách sạn đưa xe vào trong khuôn viên của họ để rước khách.

Nhưng do mặt bằng của những nhà hàng, khách sạn hạn chế nên chỉ một số ít xe được vào và số còn lại đậu ngoài đường để chờ.

Nói về sự bất cập trong bãi đậu taxi, nhất là những khu vực “nóng” như sân bay Tân Sơn Nhất, ông Hỷ cho biết mới đây các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan ngồi lại với nhau để bàn việc xây dựng bến bãi cho taxi đậu chờ khách nhưng vẫn chưa có lối ra.

Do đó, chủ yếu là tài xế phải tự xoay xở kiếm chỗ đậu.

Taxi vô tư đậu trên lề đường Hồng Hà (P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM)  - Ảnh: Đức Thanh

Cùng hãng taxi đầu tư hạ tầng

Tại ga Sài Gòn (Q.3) hiện có hai hãng taxi đậu đón khách. Theo ông Nguyễn Văn Thành – trưởng ga Sài Gòn, trước đây trong ga có nhiều hãng taxi vào đón khách và đã xảy ra tình trạng giành khách giữa các tài xế, gây mất an ninh trật tự.

Do đó, ga chỉ ký hợp đồng cho phép hai hãng taxi vào rước khách trong ga. Đổi lại, hai hãng này bỏ ra khoảng 1,5 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng trong ga như xây đường nội bộ, bãi đậu xe, ke ga.

Ngoài ra, taxi của những hãng khác được khách yêu cầu vào hoặc ôtô riêng vẫn có thể vào ga để rước khách và có chỗ đậu riêng.

ĐỨC THANH – MẬU TRƯỜNG – ĐỨC PHÚ