08/09/2024

ĐHY Gerhard Ludwig Müller: “Sứ vụ của Giáo hoàng là hiệp nhất thế giới”

Trong dịp đến Pháp hồi cuối tháng 3 vừa qua nhân dịp phát hành quyển đầu tiên trong trọn bộ tác phẩm “Đức Giêsu Nazareth, Hình ảnh và Sứ điệp” của nhà Thần học Joseph Ratzinger (Nhà Xuất bản Paroles et Silence – Hồng y Gerhard L. Müller đề tựa), Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã có cuộc trao đổi với nhật báo Công giáo La Croix về chủ đề hôn nhân Kitô giáo và huấn quyền của Giáo hội. Đức Hồng y Müller khẳng định: Giáo hội không thể nhìn nhận cuộc hôn nhân thứ hai sau khi hai người đã ly dị.

ĐHY Gerhard Ludwig Müller: “Sứ vụ của Giáo hoàng là hiệp nhất thế giới”
 
WHĐ (12.04.2015) – Trong dịp đến Pháp hồi cuối tháng 3 vừa qua nhân dịp phát hành quyển đầu tiên trong trọn bộ tác phẩm “Đức Giêsu Nazareth, Hình ảnh và Sứ điệp” của nhà Thần học Joseph Ratzinger (Nhà Xuất bản Paroles et Silence – Hồng y Gerhard L. Müller đề tựa), Đức Hồng y Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã có cuộc trao đổi với nhật báo Công giáo La Croix về chủ đề hôn nhân Kitô giáo và huấn quyền của Giáo hội. Đức Hồng y Müller khẳng định: Giáo hội không thể nhìn nhận cuộc hôn nhân thứ hai sau khi hai người đã ly dị.

Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

– Ðức Hồng y quan niệm thế nào về vai trò của mình đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô? Vai trò này có gì khác với vai trò đối với Đức Bênêđictô XVI vốn là một nhà thần học và đã đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin trước Đức Hồng y?

– Ðức Hồng y Müller: Việc một nhà thần học như Đức Bênêđictô XVI được bầu kế vị Thánh Phêrô chắc chắn là một trường hợp hoạ hiếm. Nhưng Đức Gioan XXIII không phải là một thần học gia nhà nghề. Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nặng tính mục vụ hơn. Và Bộ Giáo lý Đức tin có nhiệm vụ đề ra cấu trúc thần học cho một giáo triều.

Tôi đánh giá cao kinh nghiệm của vị giáo hoàng đến từ châu Mỹ Latinh này. Tôi đã rất nhiều lần tới Pêru và các nước châu Mỹ Latinh khác. Tôi biết chút ít về tình hình và đặc biệt sự nghèo khổ vốn hoàn toàn khác với điều chúng ta thấy tại châu Âu. Tôi nghĩ rằng sứ vụ lớn lao của Đức Giáo hoàng Phanxicô chính là hiệp nhất thế giới, vượt thắng sự khác biệt khổng lồ giữa các nước châu Âu và Bắc Mỹ với các nước châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á. Ngài nhắc nhở rằng chỉ có một nhân loại duy nhất, một trái đất duy nhất với một trách nhiệm phổ quát. Thông điệp sắp tới của ngài về sinh thái sẽ nhấn mạnh trách nhiệm này của toàn thế giới đối với khí hậu, đối với việc mọi người đều được quyền thụ hưởng công ích.

– Đó có phải là thứ ngôn ngữ gần với thần học giải phóng? Đang khi Đức Giám mục Romero sắp được tôn phong chân phước, phải chăng từ nay nền thần học này sẽ có chỗ đứng nơi thượng tầng Giáo hội?

– Nền thần học này chưa hề bị lên án. Vấn đề là phải vượt qua được mối nguy cơ của một sự chuyển hướng thuần tuý mang tính cách chính trị hay xã hội. Nhưng nét đặc trưng công giáo là không tách biệt chiều kích siêu việt và thế giới… Với mầu nhiệm nhập thể, cả hai chiều kích này hiệp nhất chặt chẽ với nhau. Chúng ta đang nói đến ơn cứu rỗi toàn diện. Chúng ta có một học thuyết xã hội phát triển từ 150 năm nay và trong Thông điệp Deus Caritas est, Đức Bênêđictô XVI cũng đã nhắc nhở việc phục vụ là một hoạt động căn bản như thế nào trong Giáo hội, trong chức năng giải thoát cũng như trong các phát biểu và hoạt động mang tính cách chính trị của Giáo hội. Các nhà chính trị không thể chỉ là những nhà quản lý. Chúng ta cần một nền đạo đức của tình liên đới, của một sự hiệp nhất thay vì lòng ích kỷ, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa dân tuý…

– Giáo hội Công giáo cho tới nay được cho là dùng giáo thuyết để chống đỡ: cái nhìn này phải chăng đang thay đổi?

– Người ta có thể có cảm tưởng rằng các triều đại giáo hoàng trước đây như cố chú trọng vào nền luân lý tính dục và Đức Giáo hoàng Phanxicô hiện tại đang muốn trở về với tính phổ quát của sứ điệp Phúc Âm. Nhưng thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng rất rõ ràng khi đề cập đến một giới tính của con người trong trật tự của Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên người nam và người nữ. Giáo hội loại bỏ mọi quan niệm mang tính cách ngộ đạo hay nhị nguyên biến giới tính thành một yếu tố riêng biệt của bản tính con người. Đức giáo hoàng muốn mở rộng suy tư để nhấn mạnh tới sứ vụ của Giáo hội là đem lại hy vọng cho mọi người.

– Đó chính là chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới về “sứ vụ của gia đình trong Giáo hội và trong thế giới”. Có thể có một sự tổng hợp giữa các quan điểm rất khác nhau và đã trở thành đối nghịch nhau trong khoá họp vừa qua của Thượng Hội đồng?

– Là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, tôi có trách nhiệm đối với sự hiệp nhất trong đức tin. Tôi không thể tự xếp mình vào phe phái nào. Nhưng các sự thể đã rõ ràng: chúng ta có giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân và các giải thích chính thống giáo huấn ấy trong suốt lịch sử Giáo hội: các Công đồng Florence và Trentô, tổng hợp của Hiến chế Gaudium et Spes và của toàn bộ giáo huấn sau này… Về mặt thần học, mọi sự đã rất rõ ràng. Chúng ta đang phải đối diện với hiện tượng thế tục hoá hôn nhân với việc tách biệt hôn nhân về mặt tôn giáo với khế ước dân sự.

Thế là chúng ta đã để mất đi những yếu tố tạo nên hôn nhân như là bí tích và định chế tự nhiên. Sứ điệp của Giáo hội về hôn nhân đi ngược lại hiện tượng thế tục hoá này. Chúng ta cần phải tìm lại những nền tảng tự nhiên của hôn nhân và nhấn mạnh cho các tín hữu hiểu tính cách bí tích của hôn nhân như phương thế đem lại ân sủng cho đôi vợ chồng và cả gia đình.

– Các Hội đồng giám mục hẳn sẽ có quyền rộng rãi hơn về những vấn đề này?

– Cần phải phận biệt hai mức độ: tín lý và tổ chức cụ thể. Chúa Giêsu đã đặt thánh Phêrô làm như nguyên lý của sự thống nhất đức tin và của sự hiệp thông có tính cách bí tích của Giáo hội. Đó là một định chế thuộc thần luật. Ngoài ra, chúng ta còn có các cơ cấu về phương diện giáo luật, vận dụng tùy theo hoàn cảnh. Các hội đồng giám mục là một hình ảnh diễn tả tính hiệp đoàn của các giám mục trên bình diện một quốc gia, một nền văn hoá hay một ngôn ngữ, nhưng đây là một tổ chức mang tính cách thực tiễn. Giáo hội Công giáo hiện hữu với tính cách Giáo hội phổ quát, trong sự hiệp thông của tất cả các giám mục kết hiệp làm một với nhau và dưới sự gìn giữ của giáo hoàng. Giáo hội phổ quát cũng hiện hữu trong các Giáo hội địa phương. Nhưng Giáo hội địa phương lại không phải là Giáo hội Pháp hay Đức chẳng hạn, mà là Giáo hội Paris, Giáo hội Toulouse… Nghĩa là các giáo phận. Ý tưởng về một Giáo hội quốc gia là hoàn toàn lạc đạo. Một sự độc lập trong đức tin là điều không thể có. Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu độ của mọi người, Ngài hiệp nhất tất cả mọi người.

– Liệu có thể có những thay đổi về mặt kỷ luật mà không đụng đến giáo lý?

– Kỷ luật và mục vụ phải hoạt động trong sự kết hợp hài hoà với giáo lý. Giáo lý không phải là một lý thuyết thuần khiết sẽ được thực tiễn chỉnh sửa, mà là biểu hiện của chân lý được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.

– Về vấn đề những người ly dị tái hôn, chúng ta có thể nghĩ rằng, sau khi thống hối, cuộc kết hợp lần thứ hai sẽ được nhìn nhận, nhưng không có tính cách bí tích?

– Một người không thể có hai vợ. Nếu cuộc phối hợp thứ nhất có giá trị (thành sự), thì không thể đồng thời tiến hành cuộc phối hợp thứ hai. Con đường sám hối thì có thể được, nhưng một cuộc phối hợp thứ hai thì không. Điều duy nhất có thể là trở lại với cuộc phối hợp hợp thức thứ nhất, hay sống cuộc phối hợp thứ hai như anh em mà không phải như vợ chồng: đó là lập trường của Giáo hội phù hợp với ý định của Chúa Giêsu. Tôi xin nói thêm là vẫn có thể xin toà án Giáo hội tuyên bố một cuộc hôn nhân là vô hiệu.

– Vậy theo Đức hồng y, giải pháp này sẽ được chấp nhận nhờ áp dụng các điều khoản của giáo luật cách mềm dẻo?


– Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đưa ra yêu cầu về vấn đề đó rồi. Tiếc thay, đối với một số người công giáo, việc cử hành hôn nhân chỉ còn là một nghi thức dân gian, theo thói quen của xã hội, không hơn không kém; đối với một số người khác, việc cử hành này có một ý nghĩa bí tích. Toà án của Giáo hội sẽ cho thấy hôn nhân đã thành bí tích hay chưa. Giáo luật có thể thích nghi với các hoàn cảnh cụ thể.

(Nguồn: La Croix, 29/3/2015)