10/01/2025

‘Thần đồng’ trước áp lực showbiz

Toả sáng trong chương trình truyền hình thực tế, trở thành hiện tượng của showbiz, dù muốn hay không, nhiều tài năng nhí, nghệ sĩ trẻ – có người được coi là “hiện tượng”, “thần đồng” – đang phải chịu áp lực từ sự nổi tiếng.

 

‘Thần đồng’ trước áp lực showbiz

 

Toả sáng trong chương trình truyền hình thực tế, trở thành hiện tượng của showbiz, dù muốn hay không, nhiều tài năng nhí, nghệ sĩ trẻ – có người được coi là “hiện tượng”, “thần đồng” – đang phải chịu áp lực từ sự nổi tiếng.

 

 

 

'Thần đồng' trước áp lực showbiz - ảnh 1Nhiều nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống trăn trở với việc hỗ trợ phát triển tài năng cho quán quân Tìm kiếm tài năng VN Đức Vĩnh – Ảnh: T.L
Vào tháng 3 vừa qua, một thông tin khiến nhiều người bị “sốc”: ca sĩ Văn Mai Hương huỷ hàng chục show diễn vì không đủ sức khỏe tham gia. Người quản lý của ca sĩ này cho biết cô bị trầm cảm từ nhiều tháng nay. Văn Mai Hương được coi là hiện tượng của nhạc Việt, sau khi trở thành á quân của chương trình truyền hình thực tế Thần tượng âm nhạc VN khi mới 16 tuổi.
Khác với nhiều nghệ sĩ trẻ bước ra từ các chương trình truyền hình thực tế, Văn Mai Hương không bị chìm đi, mà thậm chí càng lúc càng nổi hơn với hàng loạt bản hit được sáng tác dành riêng cho cô. Nhìn vào, nhiều người cho rằng ê kíp quản lý đã vạch ra hướng phát triển đúng cho Văn Mai Hương. Nhưng chính con đường này lại đang gây áp lực cho Văn Mai Hương.
Theo người quản lý của Văn Mai Hương, nữ ca sĩ trẻ bị trầm cảm là do những áp lực từ công việc. Công chúng có thể hiểu được phần nào những bế tắc của nữ ca sĩ trẻ qua lời tâm sự của cô trên Facebook: “… Mọi thứ từ lâu đã được sắp xếp rất nghiêm túc để tôi được bước đi trên con đường âm nhạc chuyên nghiệp của mình. Nhưng tôi cũng có lúc mệt mỏi…”. Đã có không ít nghệ sĩ rơi vào trạng thái trầm cảm khi đang nổi tiếng, thành công như Văn Mai Hương.
Một hiện tượng khác của nhạc Việt là giọng ca nhí Phương Mỹ Chi. Sau cuộc thi Giọng hát Việt nhí, cuộc sống của cô bé không còn bình thường như trước. Phương Mỹ Chi xuất hiện nhiều trên các sân khấu âm nhạc trong lẫn ngoài nước, xuất hiện trên truyền hình, và luôn sống trong vòng vây của người hâm mộ. Sự nổi tiếng đi kèm những show diễn, dư luận đã ít nhiều gây áp lực cho nghệ sĩ nhí đang tuổi ăn tuổi chơi. Phương Mỹ Chi từng tâm sự rằng nhiều khi em ước được là đứa trẻ bình thường, bởi có lúc em bị mẹ không cho làm cái nọ, cái kia, ngay cả chạy xe đạp đi lung tung vì “giờ đã là người của công chúng”.
Tài năng nhí không còn chỉ là đối tượng đang được các chương trình truyền hình thực tế nhắm đến, mà ngay cả những tài năng giành chiến thắng tại các chương trình này đang chiếm số đông là những thí sinh nhỏ tuổi. Điều đó càng cho thấy không ít những cô bé, cậu bé đang được tung hô, có nghĩa là chúng cũng đang phải chịu áp lực từ sự nổi tiếng.
Đường nào cho tài năng ?
Một “thần đồng” của nghệ thuật truyền thống vừa được “khai lộ” tại chương trình Tìm kiếm tài năng VN (Vietnam’s Got Talent). Không phải vô cớ mà sau khi chương trình kết thúc, nghệ sĩ Hoài Linh đã khuyên Đức Vĩnh trước hết hãy tập trung vào việc học, bởi ông đã nhìn thấy sự nổi tiếng cùng việc tung hô quá mức đã “giết” đi nhiều “thần đồng”. Sau chương trình, mẹ Đức Vĩnh đưa con trai về quê. Cuộc sống của quán quân Tìm kiếm tài năng VN không có nhiều thay đổi. “Chúng tôi chưa có ý định gì hết. Trước hết Vĩnh còn phải học văn hóa”, mẹ cậu bé nói.
Sự nổi tiếng ban đầu dễ tạo áp lực khiến không ít tài năng đã đi sai đường. Tài năng cần được định hướng và nhìn ở mặt khác, cũng cần được bồi đắp để phát triển đúng hướng. “Đức Vĩnh là một hiện tượng, một hạt nhân sáng lâu lắm mới có của nghệ thuật truyền thống mà bỏ ngỏ thì thật đáng tiếc”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ. Nhưng hỗ trợ cho tài năng âm nhạc truyền thống ra sao thì ai cũng hiểu là câu hỏi chưa có lời đáp.
NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN, đã chia sẻ với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long về những trăn trở làm thế nào để hỗ trợ phát triển tài năng cho Đức Vĩnh, nhưng cái khó là các nhà hát hiện nay hoạt động như cơ quan nhà nước “bó buộc” độ tuổi nghệ sĩ. “Nhà nước nên có chính sách cởi mở hơn với hoạt động của các nhà hát chẳng hạn, như việc nhận bé Đức Vĩnh, bên cạnh đó là có các quỹ, chính sách để bồi dưỡng cho các tài năng như thế”, nhà nghiên cứu âm nhạc này nói. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại sức hút của showbiz có thể làm cho các tài năng nhỏ tuổi của nghệ thuật truyền thống chệch khỏi đam mê: “Showbiz song hành cùng danh tiếng, sự tung hô của khán giả, trong khi cuộc sống của người nghệ sĩ hoạt động âm nhạc truyền thống thường khó khăn. Do đó, nhiều tài năng dễ bị lôi vào vòng cơm áo gạo tiền, thành nghệ sĩ tạp kỹ như công chúng đã thấy”.

Ngọc An