10/01/2025

Đừng để di sản oằn lưng gánh du lịch

Cần cân bằng hài hòa giữa phát triển du lịch và gìn giữ di sản văn hoá là ý kiến chung của nhiều chuyên gia trong việc đầu tư nghiên cứu ra sản phẩm mới cho du lịch từ di sản.

 

Đừng để di sản oằn lưng gánh du lịch

 

 

Cần cân bằng hài hòa giữa phát triển du lịch và gìn giữ di sản văn hoá là ý kiến chung của nhiều chuyên gia trong việc đầu tư nghiên cứu ra sản phẩm mới cho du lịch từ di sản.

 

 

 

Đừng để di sản oằn lưng gánh du lịch - ảnh 1Bài chòi là di sản được Hội An biến thành sản phẩm du lịch bên cạnh phố cổ – Ảnh: Ngữ Yên
Cân bằng lợi ích kinh tế với bảo vệ di sản
Theo một nghiên cứu, hang Đầu Gỗ cùng nhiều hang khác tại Hạ Long cần giảm lượng người vào, cũng như tránh các ảnh hưởng khác như khói lửa do lượng khí thải trong hang đã quá cao. “Hạ Long là trường hợp di sản không được điều tiết. Khách du lịch vào Hạ Long rất nhiều, đặc biệt là mùa hè, nên dẫn đến quá tải”, nhà dân tộc học, TS Trần Hữu Sơn (Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai) nói.
“Có thực tế là khi một danh thắng trở thành di sản thế giới thì sẽ dẫn đến lượng du khách tăng lên rất đông và nhanh. Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với quốc gia thành viên cũng như địa phương nơi có các di sản là làm thế nào để có thể cân bằng được việc phát triển du lịch, phát triển kinh tế với việc bảo tồn các di sản này”, TS Dương Bích Hạnh, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trăn trở.
Theo bà Hạnh, 8 khu di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận tại VN đều đang được tận dụng để phát triển du lịch. Tuy nhiên điều này khiến chính di sản đó đối mặt với việc tổn hại về giá trị văn hóa và môi trường. Quá tải dẫn đến môi trường bị huỷ hoại. Thay đổi để thích nghi với thị hiếu khiến hành vi, tập quán hình ảnh của di sản đó bị ảnh hưởng, rồi cộng đồng địa phương đánh mất bản sắc văn hoá của mình.
Trong khi đó, Tổ chức Du lịch thế giới ước tính 37% nhu cầu du lịch toàn cầu xuất phát từ động lực mong muốn tìm hiểu văn hóa. “Khách du lịch di sản văn hoá đi thăm nhiều nơi hơn gấp 2 lần và họ cũng chi tiêu nhiều hơn. Đây cũng là điều mà chúng ta muốn hướng đến trong chiến lược phát triển du lịch”, bà Hạnh nhận định.
Giãn mật độ cho vùng lõi di sản
TS Trần Hữu Sơn cho rằng, không chỉ Hạ Long, cả Tràng An, Ninh Bình hiện cũng đang ùn ứ khách. Chưa kể, những di sản phi vật thể như tín ngưỡng Hùng Vương đang quá tải lượng khách vào một thời điểm nhất định. Người dân đổ dồn về đền Hùng vào dịp hội, còn hết mùa lễ hội lại thôi.
“Cái dở là chúng ta nhận thấy có quá tải theo mùa, nhưng lại không nghĩ được phương án để kéo giãn khách. Ví dụ nơi có di sản tín ngưỡng thờ Hùng Vương, lại có cả di sản hát xoan. Hát xoan là hát xuân, hát vào mùa nông nhàn. Mùa xuân hát, và khi đến tháng 10 cũng có thể hát, không nhất thiết chỉ hát vào mùa lễ hội đền Hùng nên có thể làm thành sản phẩm du lịch để kéo dài mùa du lịch. Nhưng các làng xoan vẫn đang bị thờ ơ”, ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn, chúng ta đừng trông chờ vào một di sản. Chẳng hạn, du lịch vịnh Hạ Long phải phát triển ra các vùng lân cận, chứ không thể chỉ cứ loanh quanh trên mặt vịnh, hay các hang. Ở Hạ Long, nhiều địa điểm có thể kéo giãn mật độ du khách khỏi vùng lõi di sản. Chẳng hạn, cuộc sống của cư dân vạn chài, các đảo đều có thể được khai thác.
Việc kéo giãn mật độ này, theo TS Sơn, Hội An đã chủ động làm khá tốt. Trong đó, có đến 3, 4 bảo tàng, những tour thăm làng như làng rau Trà Quế. “Hạ Long hoàn toàn có thể lập chợ được chứ, kết nối đưa khách đi làng chài nhiều hơn. Và Hạ Long còn có cư dân trên núi, có thể đưa khách tới đó để trải nghiệm cuộc sống. Với Hà Giang và cao nguyên đá cũng vậy. Khách tìm hiểu kiến trúc đá như thế nào, các tường đá, các bờ rào đá ra sao. Người dân sống trên đá, dẫn nước trên đá, ứng xử với vùng khô cạn như thế nào, kỹ thuật thổ canh hốc đá của người Mông, người Lô Lô cũng hấp dẫn chứ. Với các di sản, quan trọng nhất phải từ ý thức, khai thác du lịch là phải khai thác kiểu tổng hợp. Vừa làm du lịch vừa phải nghĩ đến chuyện bảo tồn”, ông Sơn nói.
CÓ NHIỀU CÁCH ĐỂ BẢO VỆ DI SẢN

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, có nhiều cách để kéo giãn du khách, tránh vào vùng lõi di sản. Như Thái Lan đã lập chợ nổi, làng nghề gần công viên lịch sử Ayutthaya (gồm nhiều đền, chùa, bảo tàng…) để du khách bớt tập trung vào phần lõi di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1991. Khách đến Paris (Pháp) cũng thế, có thể ngồi thuyền đi dọc sông Seine ngắm tháp Eiffel hay mua tour City Sightseeing, ngồi xe buýt tham quan tháp về đêm, mua vé đi thang máy lên đỉnh tháp ngắm Paris từ trên cao hoặc qua đồi Montmartre nhìn tháp Eiffel lúc hoàng hôn… nhờ vậy áp lực du khách lên tháp giảm bớt. Angkor Wat, Angkor Thom vẫn tiếp tục là những khu du lịch quan trọng của Campuchia. Tuy nhiên, Campuchia đã nghiên cứu, khảo cổ để mở rộng thông tin về các đền tháp khác.

Đ.T (ghi)
 

 

Đừng để di sản oằn lưng gánh du lịch - ảnh 2Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (trái) trao bằng công nhận khu di tích Bà Triệu là Di tích quốc gia đặc biệt cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa 
-  Ảnh: Ngọc Minh

Ngày 7.4, tại xã Triệu Lộc, H.Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức lễ đón bằng công nhận khu di tích Bà Triệu là Di tích quốc gia đặc biệt và khai mạc Lễ hội Bà Triệu 2015. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và hàng vạn du khách đã tham dự.
NGỌC MINH

Trinh Nguyễn