27/11/2024

Nhiều loại bệnh vào mùa cao điểm

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đầu năm đến nay tại TP đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong trường học, gồm các bệnh thuỷ đậu, tay chân miệng, quai bị.

 

Nhiều loại bệnh vào mùa cao điểm

 

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đầu năm đến nay tại TP đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong trường học, gồm các bệnh thuỷ đậu, tay chân miệng, quai bị.

 

 

 

Cần tiêm ngừa đầy đủ để phòng bệnh – Ảnh: T.T.D.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết đang là mùa của bệnh thuỷ đậu và có thể kéo dài đến tháng 4 và 5.

Khó phòng dịch

Bác sĩ Chính cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn vì khi ngành y tế nhận được tin từ trường học báo về các ca bệnh thuỷ đậu thì đó không phải là ca đầu tiên, mà đã có sự lây lan sang các học sinh khác.

Một khó khăn nữa trong công tác phòng chống thuỷ đậu là bệnh có khả năng lây lan từ hai ngày trước từ khi người bệnh bắt đầu nổi các nốt đậu. Do vậy để hạn chế sự lây lan bệnh trong trường học, nhà trường cần quan tâm, phát hiện sớm những ca bệnh đầu tiên trong trường học, thông báo cho gia đình học sinh cách ly sớm để tránh lây lan cho các học sinh khác trong trường.

Đa số trẻ em mắc bệnh thủy đậu thường tự khỏi sau bảy ngày nếu được chăm sóc đúng cách, chỉ một số ít trường hợp bị biến chứng. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh thủy đậu, gia đình cần cho trẻ nghỉ học, chăm sóc trẻ tại nhà, cách ly với cộng đồng để hạn chế lây bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ Chính khuyên các bậc cha mẹ nên cho trẻ chích ngừa văcxin thủy đậu trước khi vào mùa bệnh. Tương tự, nên cho trẻ chích ngừa quai bị trước khi đến mùa bệnh.

Tay chân miệng là bệnh hay gặp ở trẻ học mẫu giáo (dưới 5 tuổi). Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao vào tháng 4-5 và tháng 10-11. Khác với bệnh thuỷ đậu, bệnh tay chân miệng có diễn tiến nhanh, nguy hiểm nhưng lại chưa có văcxin ngừa. Trẻ có thể bị mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần do bệnh có nhiều type virút. 

Bác sĩ Chính nhấn mạnh khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ở nhà để theo dõi, chăm sóc. Về phòng bệnh, các trường học cần chú ý nếu trẻ mệt mỏi, lừ đừ, biếng ăn, sốt, cần thông báo với phụ huynh cho trẻ nghỉ học, đưa trẻ đi khám sớm. Ngoài ra, các trường học cần vệ sinh hằng ngày, khử khuẩn hằng tuần phòng chống bệnh tay chân miệng. Nhà trường cũng nên cho học sinh rửa tay với xà phòng dưới vòi nước thường xuyên.

Sốt xuất huyết tăng cao

Trong khi đó, báo cáo của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho thấy ba tháng đầu năm 2015 số mắc sốt xuất huyết đã cao hơn 25% so với cùng kỳ năm 2014. Trên cả nước số mắc tay chân miệng giảm 18%, nhưng tháng 4 hằng năm là thời điểm bắt đầu mùa dịch tay chân miệng. Dịch sốt xuất huyết tuy yếu tố mùa dịch không còn rõ nhưng mùa mưa vẫn là mùa có số mắc cao hơn. Ở miền Bắc, đầu hè là thời gian vào mùa dịch viêm não Nhật Bản.

Cụ thể ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) – nhận định tháng 4 hằng năm là lúc bắt đầu mùa dịch tay chân miệng, dịch này kéo dài đến tháng 11. Với dịch sốt xuất huyết, số mắc giảm mạnh năm 2014 đồng nghĩa với tỉ lệ người có miễn dịch trong cộng đồng giảm theo, nguy cơ mắc bệnh trong năm 2015, nhất là vào mùa mưa tới đây.

Về viêm não Nhật Bản, năm 2014 số ca bệnh này tăng 35% so với cùng kỳ năm 2013. Trong ba tháng đầu năm 2015, ông Phu cho biết ở 18 tỉnh thành có 151 ca mắc viêm não virút các thể, tuy nhiên chưa có bé nào mắc viêm não Nhật Bản. Điểm đặc biệt của viêm não Nhật Bản là tỉ lệ trẻ bệnh để lại di chứng hoặc tử vong rất cao, trong khi đây là bệnh duy nhất trong ba bệnh sắp vào mùa kể trên đã có văcxin phòng.

Theo ông Phu, năm 2015 là năm đầu tiên văcxin viêm não Nhật Bản B được đưa vào tiêm chủng mở rộng thường xuyên, trong đó giai đoạn tháng 3, 4, 5 thí điểm ở năm tỉnh thành Hà Nội, Bắc Giang, Sơn La, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, từ tháng 5-2015 thêm 10 tỉnh thành và từ tháng 6-2015 là 48 tỉnh thành còn lại. 

Ông Phu cho biết văcxin viêm não Nhật Bản B sử dụng trong tiêm chủng mở rộng cũng là loại đang sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ. “Tôi mong các gia đình cho con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, tránh để dịch xảy ra rồi mới tranh nhau đi tiêm. Năm 2014 Hà Nội đã phải tổ chức tiêm vét cho trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi văcxin  viêm não Nhật Bản B ngay trong mùa dịch” - ông Phu cho biết.

Đồng Nai: xuất hiện cúm A/H1N1

Ngày 2-4, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho hay có 3/6 học sinh Trường THPT Long Thành (thị trấn Long Thành) dương tính với cúm A (H1N1). Trước đó ngày 20-3, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành (huyện Long Thành) đã điều trị cho sáu học sinh đang theo học Trường THPT Long Thành với các triệu chứng của cúm. Sau ba ngày điều trị, các em đã xuất viện và đi học trở lại.

Theo bác sĩ Cao Trọng Ngưỡng – giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, cúm A/H1N1 là một loại cúm mùa, tỉ lệ tấn công và tử vong không cao, thường bùng phát vào mùa đông – xuân. Bệnh chỉ gây bệnh nặng và dẫn đến tử vong ở những người mang bệnh mãn tính kèm theo như trẻ suy dinh dưỡng, bệnh nhân đái tháo đường, béo phì… Còn những người có đề kháng tốt thì điều trị cúm A/H1N1 giống bệnh cúm thông thường.

A LỘC

THÙY DƯƠNG – LAN ANH