09/01/2025

Tránh ngộ độc nấm, tập huấn rồi vẫn có người chết

Gần nhất có trường hợp gia đình năm người ngộ độc nấm sau một bữa ăn khiến hai người thiệt mạng.

 

Tránh ngộ độc nấm, tập huấn rồi vẫn có người chết

Gần nhất có trường hợp gia đình năm người ngộ độc nấm sau một bữa ăn khiến hai người thiệt mạng.



 

 

Bà Yên cho rằng nếu được nghe phổ biến trực tiếp thì có lẽ gia đình bà đã biết cách phòng tránh nấm độc – Ảnh: Q.Liên

Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn, giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Bộ Y tế năm nào cũng tổ chức tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở về cách phòng tránh, phân biệt nấm độc đến từng huyện vùng xa, nhưng vẫn có người bị ngộ độc nấm.

Cái kết đau lòng

Dù đã có dấu hiệu tốt lên, bớt khó thở, đau thắt ngực, tỉnh táo và có thể ngồi dậy nói chuyện nhưng bà Vi Thị Yên – vợ ông Hà Văn Khiển, 40 tuổi ở bản Phiềng Sa, xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, Hòa Bình – vẫn còn thất thần khi kể lại biến cố của gia đình.

Nhà bà Yên chủ yếu lên rừng hái rau hoặc bắt cua, ốc dưới suối về ăn. Cũng như mọi ngày, chiều 19-3 ông Khiển lên rừng hái được hai cái nấm trắng rất to đưa cho bà Yên nấu canh với vài con cua đá.

Bữa ăn tối, cả nhà rất vui vẻ vì lâu mới được ăn món canh nấm ngon. Ông Khiển, cô con dâu và cậu con trai cả ăn nhiều hơn do thích nấm.

Đến khoảng nửa đêm, ông Khiển và cô con dâu bắt đầu buồn nôn, sau đó nôn ói dữ dội rồi tiêu chảy, khó thở… Những người còn lại ăn ít hơn nên chỉ bị đau bụng, tiêu chảy. Tuy nhiên họ vẫn chưa nghĩ đến chuyện bị ngộ độc.

Vài giờ sau thấy con chó ăn bãi nôn lăn ra chết, cả nhà bà Yên mới nghĩ đến việc ngộ độc nấm nên đến bệnh viện huyện cấp cứu…

Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn  cho biết ngày 21-3, ông Khiển được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên trong tình trạng rất nguy kịch, toàn bộ cơ quan nội tạng đều bị tổn thương do chất độc tấn công, rối loạn đông máu…

Đến ngày 23-3 ông Khiển mất. Sau đó, bốn người còn lại được chuyển lên Trung tâm chống độc cấp cứu nhưng người con dâu lên đến nơi cũng không qua khỏi do ngộ độc quá nặng.

Trong ba người còn lại, cậu con trai cả ngộ độc nặng hơn, nguy kịch hơn, còn hai người khác ở mức độ nhẹ, hiện có dấu hiệu tốt lên.

Điều trị tốn kém

Bà Yên kể từ lúc điều trị tại bệnh viện huyện đã huy động họ hàng được khoảng 70 triệu đồng nhưng chỉ hai, ba ngày sau là hết tiền.

Lên đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai còn thiếu tiền điều trị cho ông Khiển là 13 triệu đồng. Khi ông Khiển và con dâu mất, vì không có tiền nên bà Yên định quay về, xác định nằm chết ở nhà để dành tiền chữa trị cho cậu con trai út mới 5 tuổi.

Lúc đó, cậu con trai cả 20 tuổi cũng có ý định xin về nhà chết cùng mẹ để dành tiền cứu em.

Chỉ ăn nấm rõ nguồn gốc

Ông Nguyễn Kim Sơn cảnh báo người dân cần rất thận trọng với tất cả loại nấm, chỉ ăn những loại nấm quen thuộc, phổ thông, đặc biệt là phải rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Có rất nhiều loại nấm độc có hình dạng rất “lành”, rất dễ nhầm lẫn với những loại nấm ăn được nên người dân phải đặc biệt cảnh giác” – ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết điều trị một ca ngộ độc nấm vô cùng tốn kém, chỉ tính một lọ Legulon dùng theo đường tiêm truyền (loại thuốc đặc hiệu dành cho bệnh nhân ngộ độc) đã có chi phí khoảng 7-8 triệu đồng.

Mỗi ngày, một bệnh nhân như mẹ con bà Yên cần truyền 3-4 lọ như vậy để thải độc, chưa kể đến chi phí lọc máu, thay huyết tương… Các bệnh nhân này cần được điều trị liên tục cả tháng trời thì chi phí cực kỳ lớn.

“Như vụ 12 người trong gia đình ở Thái Nguyên bị ngộ độc nấm tán trắng hồi năm ngoái có tổng chi phí điều trị khoảng 2,8 tỉ đồng.

Trong khi những bệnh nhân ngộ độc nấm lại là người đồng bào dân tộc rất khó khăn, không có điều kiện chi trả” – ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, chính vì sợ tốn kém nên bà Yên định bỏ về nhà nằm chờ chết vì không có tiền chữa trị nhưng phía Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm chống độc động viên, tiếp nhận, tạm thời bảo lãnh điều trị cho những bệnh nhân này, đồng thời huy động các nguồn tài trợ sẵn sàng cứu giúp…

Tuyên truyền nhưng không hiệu quả?

Ông Sơn cho biết phía Trung tâm chống độc và Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế năm nào cũng tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ y tế cơ sở về cách phòng tránh, phân biệt các loại nấm độc đến từng huyện xa xôi hẻo lánh, tất cả các huyện biên giới nhưng năm nào cũng có người bị ngộ độc nấm, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa có tập quán sống dựa vào rừng.

Về phần mình, bà Vi Thị Yên nói rất ít khi được tiếp xúc với báo đài nên không hay biết gì về việc ngộ độc nấm rừng.

Thỉnh thoảng qua nhà văn hoá xã có thấy treo hình ảnh về nấm độc nhưng chỉ lướt qua, không chú tâm để phân biệt.

Bà Yên cũng khẳng định người dân ở bản của bà hiếm khi nào dự các lớp tập huấn trực tiếp về cách phòng tránh các loại nấm độc.

“Nếu như được học, chắc chắn gia đình tôi đã tránh được chuyện buồn này” – bà Yên nói.

QUỲNH LIÊN