08/01/2025

Đưa di sản phi vật thể vào trường học

Học về dao động con lắc bằng cồng chiêng. Học văn học dân gian qua dân ca Mường. Học hóa học qua nghi lễ khấn thần nước… Đó là những cách di sản phi vật thể được bảo tồn và phát triển, thông qua gắn liền với mọi môn học phổ thông.

 

Đưa di sản phi vật thể vào trường học

 

 

Học về dao động con lắc bằng cồng chiêng. Học văn học dân gian qua dân ca Mường. Học hóa học qua nghi lễ khấn thần nước… Đó là những cách di sản phi vật thể được bảo tồn và phát triển, thông qua gắn liền với mọi môn học phổ thông.


 

Một tiết học lồng ghép di sản tại Trường Lê Quý Đôn, Hà Nội - Ảnh: UNESCO Bangkok

Một tiết học lồng ghép di sản tại Trường Lê Quý Đôn, Hà Nội – Ảnh: UNESCO Bangkok

Khi cô giáo Lê Thị Hương, Trường THCS Tử Nê (H.Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) soạn bài giảng môn hoá học về nước, cô đã nghĩ rất nhiều đến lễ khấn thần nước của dân tộc Mường vào dịp đầu năm. “Người Mường có tục thờ nước vào đầu năm. Vào buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới, các gia đình phải ra mó nước đầu nguồn lấy nước mới cúng ông bà tổ tiên. Lễ khai hạ Mường Bi, người dân tổ chức thờ cúng ông Ai Lý – Ai Lo – người đầu tiên dạy người Mường đào mương, dẫn nước vào ruộng”, cô giáo viết trong giáo án.

 
 
Đưa di sản phi vật thể vào trường học - ảnh 2
Thay vì bắt thế hệ trẻ thưởng thức một loại hình nghệ thuật không liên quan gì đến di sản đó, chúng ta nên đầu tư vào giáo dục để họ hiểu hơn, trân trọng hơn đối với những gì tổ tiên đã trao lại. Khi đã đủ hiểu và trân trọng thì mặc nhiên họ sẽ có ứng xử đúng cách

Đưa di sản phi vật thể vào trường học - ảnh 3
 
TS Đinh Hồng Hải,
Viện Nghiên cứu văn hoá

 

Cũng vì thế, không chỉ giảng về tính chất hoá học của nước, mà bài giảng của cô Hương còn có nhiều phong tục của người Mường liên quan đến nước, cách thức họ dẫn nước về để dùng trong lao động, sinh hoạt.

Nhiều bài giảng tương tự đã được ngành giáo dục thực hiện. Các nhạc cụ như đàn nguyệt, đàn bầu, sáo, cồng chiêng… được dùng khi dạy học sinh về các dao động vật lý hoặc về các sóng âm thanh. “Đây là cách để di sản văn hoá phi vật thể có thể giúp bài học trên lớp mềm mại, dễ nhớ hơn. Tuy nhiên, cách giảng dạy này còn giúp chính di sản văn hóa phi vật thể cũng được lưu truyền tốt hơn. Đó mới là phát triển bền vững”, TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản, nói.
Một cách sơ lược về đưa di sản vào giáo dục, Bắc Ninh, Nghệ An có phong trào đưa dân ca; Phú Thọ có phong trào đưa hát xoan vào trường học. Lạng Sơn cũng đưa đàn tính, hát then dạy học sinh phổ thông… Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia Câu lạc bộ Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng.
UNESCO chọn VN làm thí điểm
VN là một trong 4 nước được UNESCO lựa chọn để thí điểm công tác giảng dạy về di sản trong môi trường giáo dục hai năm 2013 – 2014. Cũng chính vì thế, việc vận hành chúng trong thực tế là điều đáng quan tâm nhất. Bởi trước đó, bản thân GS Trần Văn Khê cũng từng giảng dạy về âm nhạc dân tộc trong nhà trường một cách thành công, song lại không thể kéo dài. Một ví dụ khác, chương trình sân khấu học đường đã giúp một số địa phương dạy về âm nhạc dân tộc, song khi dự án kết thúc thì chương trình cũng đóng cửa theo.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, một thành viên điều hành dự án Giáo dục di sản trong nhà trường VN do UNESCO hỗ trợ kinh phí, nhược điểm chung của nhiều chương trình giáo dục di sản là người thực hiện chỉ hiểu về di sản văn hoá, truyền thống văn hoá ở mức chung chung, theo lối mòn, không có sự giám sát của cơ quan quản lý giáo dục. Ngành văn hóa chưa phối hợp trong việc cung cấp thông tin chuyên môn về loại hình di sản.
Trong khi đó, chỉ sự linh hoạt của người dạy mới đem lại tính mềm dẻo, linh hoạt của bài giảng. Muốn nói với nhau về cồng chiêng hay nhất, hẳn phải là ở nơi cồng chiêng có sứ mệnh văn hóa. Ở Bắc Ninh, có điều gì dễ thu hút hơn là di sản quan họ. Chính vì thế, việc trang bị kiến thức cho học sinh hiệu quả nhất chỉ có thể có trên nền tảng thực tế của địa phương.
Chưa kể, theo một nhà nghiên cứu giấu tên, điều quan trọng nhất là phải duy trì được chương trình lâu dài. “Giáo dục di sản là một quá trình. Nếu nó được làm theo từng dự án thì tác dụng cũng chỉ vài năm, sau đó mất đi. Khi ấy thì không thể nói đến hiệu quả bền vững được”, nhà nghiên cứu này cho biết.
“Thế hệ trẻ có đủ trí thông minh và phương tiện hiện đại để tìm hiểu về di sản. Tình cảm của họ gắn liền với sự hiểu biết của chính họ về di sản”, TS Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu văn hóa, nói và cho rằng: “Thay vì bắt thế hệ trẻ thưởng thức một loại hình nghệ thuật không liên quan gì đến di sản đó, chúng ta nên đầu tư vào giáo dục để họ hiểu hơn, trân trọng hơn đối với những gì tổ tiên đã trao lại. Khi đã đủ hiểu và trân trọng thì mặc nhiên họ sẽ có ứng xử đúng cách”.

Trinh Nguyễn