08/01/2025

​Đừng vì “biểu tượng” mà xây tháp truyền hình

Ông Trần Đăng Tuấn – nguyên phó tổng giám đốc VTV, phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – cùng một số chuyên gia kinh tế lên tiếng về dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới.

 

​Đừng vì “biểu tượng” mà xây tháp truyền hình

 

Ông Trần Đăng Tuấn – nguyên phó tổng giám đốc VTV, phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam – cùng một số chuyên gia kinh tế lên tiếng về dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới. 




 

 

Liên quan sự kiện Đài truyền hình VN (VTV) dự định xây tháp truyền hình cao nhất thế giới (636m), nhà báo Trần Đăng Tuấn – nguyên phó tổng giám đốc VTV, phó chủ tịch Hội Truyền thông số VN – đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi.

Ông Tuấn cho biết: “Tôi là người làm truyền hình lâu năm, nhưng không là chuyên gia về kỹ thuật truyền hình, càng không phải chuyên gia kinh tế. Vì vậy tôi biết đến đâu nói đến đó. Cảm giác cá nhân của tôi là không nhiệt tình đón nhận chuyện này, vì tôi thấy nó chưa phải là cái cần ưu tiên vào lúc này”.

Ảnh: nhân vật cung cấp

Đây không phải là chuyện ước mơ hay nguyện vọng. Đây là chuyện làm ăn, chuyện đầu tư hiệu quả hay không. Trong đầu tư thì quan trọng nhất – như ai cũng biết – là sẽ có lời lãi hay sẽ có lỗ lã

Nhà báo Trần Đăng Tuấn

Lợi to mới nên làm

* Chưa cần ưu tiên lúc này, có phải quan điểm của ông là không ủng hộ việc xây tháp truyền hình lúc này?

– Quan điểm thì cần có lập luận. Xin chia ra làm hai: nếu chỉ liên quan đến truyền dẫn tín hiệu truyền hình, tôi đủ thông tin và hiểu biết để xác lập quan điểm là không cần xây tháp.

Nhưng liên quan đến chuyện tháp hỗ trợ kinh doanh ngoài truyền hình (viễn thông, du lịch, thương mại, giải trí, đô thị…) thì để xác lập quan điểm cá nhân cần có thông tin.

Thông tin ở đây là các luận chứng kinh tế kỹ thuật cụ thể để có thể khẳng định xây tháp xong khai thác đa dịch vụ sẽ đem lại lợi ích và lợi nhuận vượt lên hay ít ra tương xứng với chi phí bỏ ra. 

Tôi hiện không có thông tin như vậy. Chưa đủ thông tin tôi không võ đoán có ngay quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ.

Tôi không đặt nhiều niềm tin, nhưng khách quan thì tôi vẫn phải để ngỏ một khả năng là những đơn vị xây tháp đã tính toán kỹ lợi ích từ xây tháp. Nếu thật vậy họ nên nói ra.

Xuất phát điểm của tôi là: xây tháp là vụ đầu tư chắc chắn có lợi, mà lợi to thì mới nên làm. Nếu không chắc thì không nên, vì nó tốn kém và không phải là thứ không có thì ảnh hưởng đến sự phát triển của truyền hình.

Từ điểm xuất phát đó, tôi cũng có ý định sẽ tìm cách biết được thêm thông tin để xác lập quan điểm cá nhân cuối cùng của mình. Tôi nghĩ dự án mới ở giai đoạn chuẩn bị nên còn có thời gian để tìm hiểu.

* Ông Trần Bình Minh, tổng giám đốc VTV, từng phát biểu rằng việc xây tháp truyền hình là ước mơ của những người làm truyền hình. Nhưng hiện nay, xu hướng truyền hình VN và trên thế giới đang chuyển sang dùng truyền hình vệ tinh, Internet… thì việc xây tháp truyền hình còn có ý nghĩa về mặt truyền dẫn tín hiệu nữa hay không, thưa ông?

– Trong kỷ nguyên số, việc có hay không có tháp cao không quá quan trọng đối với truyền dẫn tín hiệu. Tất nhiên, nếu nói tháp cao chẳng có lợi ích gì cũng không đúng.

Tháp cao vẫn có lợi để phát tín hiệu số mặt đất xa hơn. Vấn đề là lợi ích thu được của chuyện truyền tín hiệu truyền hình không tương xứng với chi phí làm tháp. Đặt nhiều điểm phát có tầm thấp hơn vẫn phủ được bán kính ấy với giá rẻ hơn.

Nhưng phép tính làm hay không làm tháp liên quan đến các lợi ích ngoài truyền hình: phục vụ thu phát tín hiệu khác (có cả nhu cầu an ninh, quốc phòng); kinh doanh du lịch, thương mại, giải trí; phát triển đô thị…

Các lợi ích ngoài truyền hình sẽ quyết định đáp số cho bài toán kinh tế này. Những lợi ích ấy càng chắc chắn thì giá trị cổ phần (mà sau này có thể bán để thu hồi vốn) càng cao và ngược lại. 

Vì vậy phản biện có sức nặng không hẳn từ người làm lĩnh vực truyền hình, mà phải từ các chuyên gia về kinh tế, dịch vụ.

Chính vì thế nên chủ đầu tư không nhất thiết là đài truyền hình mà là ai có tiền, có kinh nghiệm kinh doanh các lĩnh vực khác truyền hình và có thể tự mình gánh chịu rủi ro. Nếu đơn vị nhà nước tham gia đầu tư, cần phải chịu trách nhiệm rõ ràng về kết quả của việc đầu tư này.

“Biểu tượng” có hái ra tiền?

* Ngày 30-3, trả lời trên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Lương – phó tổng giám đốc VTV – có nói rằng: “Khu vực xây tháp truyền hình VN sau này sẽ là đầu tàu kinh tế của Hà Nội và VN”. Xin ông chia sẻ quan điểm của mình về ý kiến này của đại diện VTV?

– “Đầu tàu” là chuyện quá lớn. Chắc anh Lương nói chữ đó cũng chỉ là một cách diễn đạt về tác động của tháp với các dịch vụ khác.

Điều quan trọng là liệu có đủ luận chứng tin cậy để chứng minh trong nghiên cứu khả thi là xây tháp truyền hình ở Hà Nội thì kéo theo phát triển những cái gì, và “những cái gì” ấy định lượng ra sao, con số tương đối thế nào.

Du lịch ước tính lợi ích gì, bao nhiêu. Thương mại, giải trí cũng thế. Phát triển đô thị cũng vậy. Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu truyền hình và tín hiệu khác cũng thế.

Có thể các anh ấy đã có luận chứng như thế thì nên công khai hóa để mọi người có cơ sở bàn luận, phản biện.

Có thể các anh ấy mới bắt tay chuẩn bị, phát biểu trên mới là một ước đoán, một giả thiết, một ý tưởng. Từ giả thiết đến thực tế là chặng đường rất xa và may mắn có thể có, rủi ro cũng rất nhiều.

Hai thập niên trước, VTV cũng xúc tiến chuẩn bị làm tháp với sự tham gia của các đơn vị kinh doanh. Khi đó cũng đã xác định làm tháp là do tính đến có lợi ích ngoài khu vực truyền dẫn phát sóng.

Có ý tưởng hình thành khu đô thị và dịch vụ mới bên dưới với cả sông nhân tạo để có cảnh quan. Quả thật cách đây 10-15 năm người ta có thể thu nhiều tiền nếu xây vùng đô thị. Bây giờ tình huống có khác đi nhiều. Vậy các tính toán bây giờ ra sao tạm thời ít ai biết rõ.

* Trong bối cảnh hiện tại của VN, theo ông, có nên xây tháp truyền hình nếu chỉ vì ý nghĩa biểu tượng?

– Tôi không quan tâm biểu tượng theo nghĩa tinh thần. Bây giờ có tháp cao nhất thế giới cũng không ai bảo VN giàu hay VN giỏi kỹ thuật.

Lúc giàu có rồi, giỏi thật rồi thì lại là câu chuyện khác. Vấn đề với ta bây giờ “biểu tượng” có là cái hái được ra tiền không, và hái ra có đủ để vượt chi phí bỏ ra không. 

Tôi chỉ quan tâm nghe đo đếm tháp cao nhất thế giới đem lại lợi ích thế nào cho kinh doanh, thương mại, du lịch, giải trí, viễn thông…

Dĩ nhiên có danh hiệu cao nhất thế giới là một yếu tố kích thích sự hiếu kỳ trong du lịch. Và cái đó có thể đem lại tiền cũng như vài lợi ích gián tiếp khác. Nhưng cái lợi là bao nhiêu? Câu chuyện vẫn quay về luận chứng kinh tế.

Truyền dẫn tín hiệu không phải là nhu cầu, vậy trong trường hợp lợi ích kinh doanh ngoài truyền hình không chắc ăn thì không nên vì mục tiêu “biểu tượng” mà làm việc này.

* Nếu chỉ xét riêng về khía cạnh truyền dẫn tín hiệu truyền hình, theo ông, có những phương cách nào để xây tháp truyền hình để vừa đạt hiệu quả truyền dẫn tín hiệu vừa tiết kiệm chi phí xây dựng?

– Một cách đại thể thì tôi tin rằng nếu kinh phí xây tháp là dăm sáu trăm triệu USD thì chỉ tách riêng chuyện truyền dẫn tín hiệu truyền hình, số tiền đó thừa đủ để phủ sóng truyền hình số mặt đất (DTT) phạm vi cả nước chứ không chỉ một vùng.

Và có lẽ phủ không chỉ một lần. Hệ thống các cột, điểm cao có sẵn ở nước ta sau bao năm xây dựng có thể tiếp tục sử dụng nên tiết kiệm được nhiều.

 

VŨ VIẾT TUÂN thực hiện