09/01/2025

Giun tấn công não

Giun là một trong những dạng ký sinh trùng hiếm hoi có thể tấn công và di chuyển trong môi trường não, gây ra nhiều hệ luỵ nguy hiểm đối với sức khoẻ và thậm chí đe doạ mạng sống của nạn nhân.

 

Giun tấn công não

 

 

Giun là một trong những dạng ký sinh trùng hiếm hoi có thể tấn công và di chuyển trong môi trường não, gây ra nhiều hệ luỵ nguy hiểm đối với sức khoẻ và thậm chí đe doạ mạng sống của nạn nhân.


 

Giun tấn công não
Một khi xâm nhập cơ thể, giun sán có thể di chuyển khắp nơi – từ mắt, tế bào và thậm chí xông thẳng vào não. Chúng đẩy giới bác sĩ vào tình trạng bối rối khi phát hiện quá trình di cư bất hợp pháp của giun và bắt đầu hút chất dinh dưỡng từ cơ thể người. Tuy nhiên, trường hợp tệ nhất là giun có thể chui vào não. “Nó đi từ bán cầu não này sang bán cầu não khác… rất hiếm khi có thứ gì di chuyển trong não”, theo Đài CNN dẫn lời bác sĩ Effrossyni Gkrania-Klotsas kể về trường hợp một bệnh nhân Anh bị phát hiện chứa sán dây trong đầu vào năm 2013.
Đây là lần đầu tiên sán sơ mít xuất hiện tại Anh. Cách đó 4 năm, người này nhập viện vì đau đầu, và các bác sĩ ở Bệnh viện Addenbrookes tại Cambridge tiến hành điều trị lao cho đối tượng. Khi nhập viện lần nữa, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng mới, như co giật và chân yếu đi. Lúc này bác sĩ không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến một con vật lạ đang ngo ngoe trong não bệnh nhân. Hoá ra bệnh nhân đã nhiễm sán dây và phương pháp duy nhất là phẫu thuật não để trục xuất ký sinh trùng.
Chỉ có khoảng 300 trường hợp nhiễm sán dây được ghi nhận trên thế giới từ năm 1953 đến 2013, đa phần ở châu Á và đa số ở nông thôn, có nghĩa là con số trên thực tế có thể cao hơn nhiều. Y học ít có thông tin về tình trạng giun sán, giống như nhà di truyền học Hayley Bennett thuộc Viện Sanger của Quỹ Wellcome ở Cambridge thừa nhận: “Những loài giun này khá bí ẩn. Chúng tôi chỉ biết chúng có chu kỳ sống hết sức phức tạp”. Dạng trưởng thành của sán dây chỉ xuất hiện trong ruột chó, mèo, nhưng trứng giun có thể nhiễm vào nước từ chất thải. Kết quả là dạng ấu trùng của giun sán có thể bám vào các loài giáp xác nhỏ hoặc ếch, rắn. Ở dạng này, chúng có thể tấn công người qua quá trình ăn uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm giun. Bệnh nhân ở Cambridge được cho là đã lỡ uống nước khi bơi trong hồ có ấu trùng giun. Từ đó, ấu trùng tấn công thẳng đến não bộ hoặc hoành hành đâu đó trong cơ thể. Hậu quả của tình trạng này có thể phát triển từ tổn hại mô, gây mù loà, liệt hoặc thậm chí tử vong, theo chuyên gia Bennett.
Có nhiều loại sán dây, nhưng 3 trong số đó có thể chiếm cứ bộ não. Chuyên gia Helena Helmby của Trường Sức khỏe và y nhiệt đới London cảnh báo về sự nguy hiểm của sán dải heo, tên khoa học là Taenia Solium. Nó có thể lây nhiễm ở người qua 2 con đường, một là ăn thịt heo mang mầm bệnh chưa nấu chín, và sán trưởng thành sẽ phát triển trong ruột; thứ hai là dạng ấu trùng khi tiếp xúc với phân nhiễm sán. Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh, bao gồm não, nó có thể gây ra tình trạng nhiễm ấu trùng sán dải heo ở não. Nhiễm sán dạng này thường gây ra động kinh, và gần 1/3 số trường hợp động kinh ở những nước phổ biến nạn sán, như tại Nam Mỹ, châu Phi và châu Á, đều bị tình trạng nhiễm ấu trùng sán dải heo ở não, theo Tổ chức Y tế thế giới.
Có thể dùng thuốc tẩy giun cư trú trong ruột, nhưng khi lên đến não thì chỉ còn cách phẫu thuật. Do nhiễm sán ở não không phổ biến, nên các hãng dược không điều chế thuốc trị giun lên não. Với việc chuỗi gien di truyền của sán, nhóm chuyên gia Bennett hy vọng có thể tìm hiểu cơ chế hoạt động của chúng để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị trong tương lai, bao gồm sử dụng thuốc hiện có trên thị trường để trị giun não.

Tụ Yên