27/11/2024

Cả triệu khách bị ảnh hưởng vì sửa sân bay

Việc hạn chế sử dụng 1 đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 10.4 – 25.6 để sửa chữa, cải tạo và mở rộng đường lăn, sân đỗ máy bay, đã gây lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm nghỉ lễ dài sắp tới.

 

Cả triệu khách bị ảnh hưởng vì sửa sân bay

 

 

Việc hạn chế sử dụng 1 đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 10.4 – 25.6 để sửa chữa, cải tạo và mở rộng đường lăn, sân đỗ máy bay, đã gây lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm nghỉ lễ dài sắp tới.

 

 

 

Cả triệu khách bị ảnh hưởng vì sửa sân bay - ảnh 1Cục Hàng không VN cho rằng việc sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất lần này nhằm tháo gỡ nút thắt, giảm chậm chuyến, tăng hiệu quả cho các hãng hàng không – Ảnh: Bạch Dương
Hội đồng Điều phối giờ cất, hạ cánh (Slot) tại các cảng hàng không (HK), sân bay vừa nhóm họp và ra kết luận: Trong những tháng tới, cụ thể từ ngày 10.4 – 25.6, một số sân bay lớn, đặc biệt sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) sẽ sửa chữa. Theo Hội đồng Slot, sân bay TSN hiện đã đạt đến trần cất/hạ cánh từ 30 – 32 lần/giờ, trong các khung giờ từ 6 – 18 giờ hằng ngày. Như vậy, trong thời gian từ 10.4 – 25.6, tại sân bay TSN, Cục Hàng không VN (HKVN) quy định các chuyến bay sẽ chỉ còn cất hạ tối đa được 25 lần/giờ, đồng nghĩa mỗi giờ giảm 5 – 7 chuyến bay. Cục này cũng đã chỉ đạo các đơn vị gồm Tổng công ty Cảng HKVN (ACV), Tổng công ty Quản lý bay VN, các cảng HK nội địa khác có các phương án khai thác, điều chỉnh cụ thể.
Mất doanh thu hàng nghìn tỉ đồng
Kế hoạch hạn chế khai thác 1 đường cất hạ cánh này đã lập tức khiến các hãng HK hết sức lo lắng. Theo tính toán, với lịch sửa chữa, bảo dưỡng này, sẽ có ít nhất 80 chuyến bay bị cắt giảm mỗi ngày, tương đương với hơn 10 máy bay phải nằm chờ ở bãi đỗ. “Có khoảng hơn 10.000 hành khách sẽ không được bay/ngày và trong cả mấy tháng sửa chữa sẽ có khoảng 1 triệu hành khách bị tác động, chậm chuyến bay hoặc bị hủy bay”, một chuyên gia ngành HK phân tích.
Việc phải cắt giảm kế hoạch bay sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các hãng HK và ngay cả với các cảng HK. Nếu tính mỗi hành khách nộp phí 120.000 đồng thì sân bay sẽ mất nguồn thu khoảng 120 tỉ đồng và các hãng HK mất doanh thu khoảng 1.500 tỉ đồng.
Trả lời Thanh Niên qua điện thoại, lãnh đạo hai hãng Vietnam Airlines và Jetstar đều cho rằng kế hoạch này chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, cả hai đều không tỏ vẻ quá lo lắng. Trong khi đó, Vietjet được cho là hãng HK sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất do slot được cấp theo thứ tự ưu tiên số 1 là dựa vào lịch bay cùng mùa năm trước (mùa hè năm ngoái bay bao nhiêu chuyến thì hè năm nay sẽ được ưu tiên phân bổ bấy nhiêu trước), sau đó mới phân bổ đến các chuyến tăng thêm. Thực tế là kế hoạch khai thác của Vietjet năm nay tăng gần gấp đôi năm trước nên về nguyên tắc sẽ bị phân bổ slot sau cùng. Nếu số lần cất hạ cánh tối đa bị cắt giảm thì khả năng nhiều chuyến bay của hãng này sẽ không được cấp phép bay, trong khi lịch bay đã được mở bán từ trước.
Trao đổi với Thanh Niên, CEO của một hãng HK cho rằng, việc sửa chữa nên dời sang tháng 8 để người dân được phục vụ và các hãng HK không bị mất doanh thu, cảng HK thu được nhiều phí hơn do lượng khách tăng. “Nhưng tốt nhất là Cục HKVN, các cảng HK nên tham khảo kinh nghiệm, công nghệ sửa chữa ở nước ngoài. Có nhiều cảng HK nhỏ, chỉ có 1 đường băng như sân bay Narita (Nhật Bản), nếu cứ sửa chữa phải ngừng khai thác thì làm sao hoạt động được? Họ có công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng rất nhanh mà ta nên học tập”, chuyên gia này nói.
Cả triệu khách bị ảnh hưởng vì sửa sân bay - ảnh 2Hành khách sẽ bị ảnh hưởng khi dự kiến có khoảng 80 chuyến bay bị cắt giảm mỗi ngày – Ảnh: Bạch Dương
Tính toán phương án khả thi nhất
Trả lời Thanh Niên, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục HKVN cũng cho biết Cục đã có kế hoạch như trên và dự kiến bắt đầu thực hiện từ 10.4. “Tuy nhiên, do việc hạn chế khai thác sẽ ảnh hưởng mạnh đến kế hoạch bay của các hãng HK, đặc biệt trong dịp cao điểm sắp tới, nên Cục vẫn phối hợp với các cơ quan liên quan, các hãng HK để tính toán phương án khả thi nhất”, ông Thanh nói thêm.
Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại chiều 30.3, Phó cục trưởng Cục HKVN – ông Võ Huy Cường cho biết dù sẽ không dừng toàn bộ đường cất hạ cánh (CHC) 25L/07R (chỉ hạn chế – PV) nhưng thừa nhận việc này có ảnh hưởng đến hoạt động bay của các hãng HK tại sân bay TSN. Do vậy, Cục đã chỉ đạo ACV xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo phục vụ hành khách đi lại trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30.4 và 1.5 sắp tới, kể cả yêu cầu tăng chuyến của các hãng HK. Ông Cường cho hay phương án xây dựng kế hoạch bay trong giai đoạn này sẽ ưu tiên các chuyến bay quốc tế và phải điều chỉnh các chuyến bay nội địa, như yêu cầu các chuyến bay đường dài của Vietnam Airlines hằng ngày khai thác từ 22 giờ 30 đến 0 giờ 30.
Trả lời câu hỏi vì sao không lùi thời điểm sửa chữa sân bay đến sau lễ 30.4, ông Cường cho hay trong giai đoạn đầu do khối lượng đào đất, lu lèn lớn, cần tránh ảnh hưởng của mùa mưa, nên phải bắt đầu làm vào thời điểm này. “Việc này phải làm. Có khó khăn, nhưng khi xong sẽ cải thiện hoạt động của sân bay TSN. Cụ thể là sẽ xoá nút thắt trong khu bay. Do nút thắt này mà hiện nay máy bay từ vị trí bãi đỗ chạy ra đến đầu vị trí cất cánh, hoặc từ lúc rời khỏi đường cất hạ cánh chạy vào bãi đỗ phải mất từ 17 – 22 phút. Khi tháo gỡ nút thắt này bằng sân đỗ mới và đường lăn được mở rộng, thì sẽ có thể giảm đến phân nửa thời gian nói trên, giảm thời gian máy bay phải nổ máy chờ đợi, giảm ô nhiễm, giảm chậm chuyến, các chuyến bay sẽ quay vòng nhanh hơn, tăng hiệu quả cho các hãng HK” – ông Võ Huy Cường nhận định.
ACV nói không ảnh hưởng !
Về thời điểm sửa chữa sân bay, đại diện ACV cho rằng đấy không phải là mùa cao điểm, đã qua mùa tết và trong thời gian triển khai sửa chữa cũng không phải là đóng cửa đường CHC mà chỉ là hạn chế máy bay CHC thôi. Việc hạn chế ở đây, theo giải thích của đại diện ACV, là khi một số máy bay lớn bay chặng dài, nếu máy bay đầy tải sẽ cần đường chạy lấy đà dài hơn những chiếc khác. Tại sân bay TSN, đường CHC 25L/07R (bên trái) dài hơn đường bên phải, nên những chiếc máy bay đầy tải phải chạy trên đường bên trái này để có thể cất cánh. Do đó, việc hạn chế ở đây là hạn chế đối với những chiếc máy bay lớn đầy tải, mà những chuyến bay như thế mùa này rất ít. Hơn nữa, những chiếc máy bay lớn khi giảm tải vẫn có thể CHC trên đường băng bên phải bình thường. ACV cho rằng, trong dịp lễ sắp đến chỉ là giai đoạn cao điểm đối với các chuyến bay nội địa, mà các chuyến bay này không có máy bay nào lớn hoặc cần phải chạy lấy đà dài đến mức bị ảnh hưởng bởi đường CHC này.
Các công ty du lịch lo lắng
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch  Vietravel, việc sân bay TSN tạm dừng khai thác một đường CHC trong dịp cao điểm lễ và mùa hè sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh lữ hành. “Với Vietravel, tỷ lệ khách đi du lịch trong nước những tuyến gần sử dụng phương tiện HK chiếm 40%; gần 100% khách mua vé máy bay những chặng xa nội địa và khoảng 95% khách đi tour nước ngoài bằng máy bay. Tôi cho rằng việc sửa chữa đường băng TSN nên bắt đầu vào tháng 9. Đây là thời điểm kết thúc mùa du lịch cao điểm hè và cũng chưa phải mùa cao điểm khách quốc tế vào VN”, ông Kỳ đề xuất.
Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty du lịch Thanh Niên Xung Phong, cho biết: “Các đoàn khách đi du lịch đã có lịch trình vào thời điểm lễ 30.4 và mùa hè, nên doanh nghiệp (DN) không rõ kế hoạch bay có bị điều chỉnh hay không. Đáng lẽ ra DN phải biết sớm hơn việc sửa chữa đường băng để chủ động lên kế hoạch bán tour phù hợp. Du khách chắc chắn sẽ phản ứng khi giờ giấc có thể thay đổi”. Ông Trường cho rằng thời điểm sửa chữa nên chuyển qua cuối mùa hè. Khi đó, DN có nhiều thời gian để chuẩn bị hơn, đó cũng là mùa thấp điểm cả khách trong nước, quốc tế.
Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng, cũng khẳng định sửa chữa vào thời điểm từ 10.4 đến 25.6 như kế hoạch là ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công ty du lịch vì có thể sẽ mất khách cả trong nước đi trong nước, khách Việt đi tour nước ngoài và khách quốc tế vào VN.
  N.T.Tâm

Mai Vọng – Mạnh Quân