10/01/2025

Chúa Nhật V MC B – 2015: Chặng cuối con đường Vượt Qua

Hình ảnh Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta hôm nay: “hạt lúa gieo vào lòng đất, chết đi để sinh được nhiều hạt khác” như mời gọi chúng ta suy niệm về đoạn cuối của con đường Vượt Qua.

 

Chặng cuối con đường Vượt Qua

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta bắt đầu tuần thứ V Mùa Chay, tuần cuối cùng của con đường đi theo Đức Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Người, nghĩa là mầu nhiệm về cái chết và cuộc sống lại của Người. Thánh Phaolô nhắc bảo chúng ta rằng: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô thì chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”(Rm 6,8). Hình ảnh Đức Giêsu đưa ra cho chúng ta hôm nay: “hạt lúa gieo vào lòng đất, chết đi để sinh được nhiều hạt khác” như mời gọi chúng ta suy niệm về đoạn cuối của con đường Vượt Qua.

1. Con đường Vượt Qua

Trong suốt Mùa Chay, chúng ta đã đi con đường này. Con đường khởi đầu từ đời sống phải chịu đau khổ thử thách như Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc, nhưng vẫn luôn luôn cảm nghiệm được niềm vui và bình an, nhờ sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi dám chấp nhận cuộc sống ấy, chúng ta sẽ dần dần biến đổi chính mình để thấy được bản chất tốt đẹp, phi thường của Thiên Chúa ẩn sâu trong con người chúng ta dần dần được tỏ lộ như Chúa Giêsu biến hình trên núi.

Từ cuộc biến hình này chúng ta trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, trở nên viên đá sống động làm nên đền thờ kỳ diệu là chính Chúa Giêsu với một phụng tự mới đặt nền trên Thần Khí tình yêu và sự thật. Như thế là chúng ta trở thành tác phẩm kỳ diệu của Thiên Chúa vì đời sống của chúng ta phản ánh những điều tốt đẹp của Thiên Chúa để người ta tin vào Chúa Giêsu và ca ngợi Cha chúng ta ở trên trời.

Đó là con đường chúng ta phải đi hằng ngày và đoạn cuối của con đường là cái chết và sự sống lại của Đức Kitô mà chúng ta đang được mời gọi để kết hợp với Người, bắt đầu từ tuần Thương Khó này cho tới Lễ Phục Sinh. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để ta thực hiện được ước mơ tột đỉnh của con người là biến đổi từ con người tự nhiên thành con người được thần hoá giống như Thiên Chúa.

Qua mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Cha ban cho ta sự sống siêu nhiên với tất cả những ân sủng cao quý nhất, nhưng ta chỉ có thế phát huy sự sống này khi thông hiệp với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Mầu nhiệm này đòi ta tự nguyện đón nhận việc chết đi cho những tham vọng và dục vọng tội lỗi hằng ngày giống như hạt giống tự huỷ khi gieo vào lòng đất. Khi tự huỷ như thế, ta đang làm trống rỗng chính mình để có thể tiếp nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần. Mức độ tự huỷ, làm trống rỗng càng nhiều thì mức độ thần hoá càng cao và ta càng thể hiện được tình yêu quảng đại, quyền năng vô biên, sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa như các Tông Đồ và tín hữu thời Giáo Hội sơ khai. Đó cũng là hai mặt trái phải của cùng một thực tế, cùng một mầu nhiệm để khi chọn rồi ta phải thể hiện cả hai.

2. Hạt lúa chết đi

Hình ảnh hạt lúa tự huỷ là hình ảnh của chính Chúa Giêsu: Người báo trước rằng Người sẽ được treo lên khỏi mặt đất, ám chỉ đến cái chết nhục nhã trên thập giá, nhưng cũng là cái chết mang lại vinh quang cho Chúa Giêsu và ơn cứu độ cho chúng ta vì “đã đến giờ Con Người được tôn vinh…. một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Hình ảnh của hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi như mời gọi chúng ta nhìn vào đời sống của mình để thực hiện bước cuối cùng là dám chết cho Chúa Giêsu, cho những tham vọng và dục vọng của mình.

Mỗi giây phút sống đều có những công việc phải làm, từ những việc rất tầm thường của ngày sống như bài học, bài làm của em học sinh, những bữa ăn, những chậu quần áo của người nội trợ, những công việc ở sở làm, những bệnh tật phải chịu trong thân xác cho đến những công việc cao quý hơn như nghiên cứu, sáng tác, tổ chức cho những công trình lớn lao. Tuy nhiên, con người có thể làm tất cả những việc đó vì mục đích cao cả hay thấp hèn đều do nhận thức và chọn lựa của mình. Thí dụ như học hành hay làm việc vì yêu Chúa, yêu người, nhưng cũng có thể chỉ vì yêu mình, vì muốn đạt ước nguyện riêng tư, đạt được bằng cấp hay để sau này kiếm thật nhiều tiền cho mình.

Tuy nhiên, mỗi giây phút chiều theo tham vọng và dục vọng đều gây nên những tác hại khôn lường mà chúng ta không ngờ tới. Một ly cà phê, lon bia, chén rượu, điếu thuốc, cuốn phim đồi truỵ, …, chứ chưa nói đến những hành động bất công, dâm đãng khác, chúng ta tưởng không có gì đáng ngại hay nguy hiểm, nhưng thật ra chúng đều làm cho thể xác và tinh thần ta suy nhược và lệ thuộc. Vì khi thực hiện những hành vi đó, ta cảm thấy thích thú, bộ não ta liền tiết ra chất endorphin và một vài chất hoạt chất khác ghi dấu ấn lên các cơ quan thụ cảm (synapse) ở nơron, đồng thời ký ức ta ghi nhận hình ảnh mầu sắc, âm thanh…liên quan, khiến ta càng ngày càng bị lệ thuộc vào chúng, cho đến độ trở thành con nghiện lúc nào không biết. Chúng ta cũng đừng quên ma quỷ là những tinh thần có thể tác động vào tinh thần của ta, gợi ta nhớ lại những gì chứa trong ký ức của mình để cám dỗ ta.

Vì thế mà chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày. Khi ta bớt đi 1 điếu thuốc, 1 chén rượu, một cuốn phim, 1 hành động tiêu cực hôm nay là chúng ta đang tự lột bỏ khỏi mình những vòng xích trói buộc. Ta cũng đừng quên mỗi cố gắng từ bỏ mình như thế đều được Cha trên Trời ghi nhận và đều có thể mang lại ơn cứu độ cho ta và người khác, nếu ta thực hiện vì danh Chúa Giêsu.

3. Phát sinh nhiều hạt khác

Nếu chỉ nhìn vào mặt trái của hạt giống chết đi, người ta có thể buồn nản, bi quan, sợ hãi vì phải hy sinh, mất mát nhiều thứ, thậm chí mất cả mạng sống mình yêu quý: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Nhưng Chúa Giêsu mời gọi ta gắn bó với Người để cảm thấy được một sự sống mới mẻ, vĩnh hằng hình thành ở trong ta như hạt lúa đang chết đi đó bắt đầu nhú mầm trở thành cây mạ và lớn lên mỗi ngày. Cây mạ ấy lớn lên nhờ mưa nắng ơn Trời, nhất là vì những cái rễ con con của nó đang cắm sâu vào lòng đất, hút chất bổ của đất để thành dòng nhựa sống nuôi dưỡng thân cây, đến một ngày nào đó nó sẽ sinh hạt.

Chất bổ ấy là dòng ân phúc mà Thiên Chúa chuyển thông cho ta, là mưa nắng ơn trời đổ xuống để thân lúa nhỏ bé của ta mỗi ngày một lớn lên. Khi chúng ta biết dâng lên Chúa những công việc tầm thường và làm với tình yêu trong sáng quảng đại mỗi ngày, chúng ta đang hành động giống như những chiếc rễ nhỏ bé kia. Chúa Giêsu đã thực hiện điều đó trong 30 năm sống dưới mái nhà Nazareth cho đến giai đoạn cuối cùng của con đường Vượt Qua. Thư Do Thái mô tả giai đoạn đó: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết… Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiểu đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,7-8) .

Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi ta: “Ai phục vụ Ta thì hãy theo Ta; và Ta ở đâu, kẻ phục vụ Ta sẽ ở đó. Ai phục vụ Ta, Cha Ta sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,26). Chúa Giêsu nói như vậy để ta thấy rằng từng giây phút chúng ta gắn bó mật thiết với Người, với những ân sủng do Thánh Thần Người ban, với tình yêu mãnh liệt Chúa Cha ban, thì 1 ngày nào đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được ơn phục sinh và sự tôn vinh mà Cha Trên Trời ban cho chúng ta vì chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, là con cái của Chúa Cha.

Hơn nữa, nếu chúng ta biết làm cho mình cảm thấy thích thú, sung sướng trong từng chậu quần áo phải giặt, từng bài học phải làm, từng công việc phải hoàn thành nhờ một ý thức rộng hơn, và một tình yêu mãnh liệt hơn, thì con đường thần hoá càng thực hiện nhanh chóng hơn. Khi ấy bộ não ta cũng lại tiết ra những chất kích thích khiến chúng ta say mê và vui vẻ làm việc, vì chúng ta hiểu rằng mỗi hành động đều có giá trị vô song, mỗi giây phút sống đều có giá trị vĩnh cửu!

Tôi có mấy người em trai. Ở nhà, mỗi khi gia đình ăn cơm, chẳng bao giờ thấy chúng lau bát đũa, dọn bàn, rửa chén đĩa mà toàn để các em gái, chị gái làm. Chúng cảm thấy những việc đó thật là vô vị và nhỏ nhặt. Thế mà khi đến nhà người yêu, cô nàng chỉ “gợi ý”: “Anh ơi, anh giúp em lau vài cái bát để mình anh cơm nhé!” là mấy chàng sắn tay áo, lau hết bát đũa trên bàn cũng như trong tủ, rửa cả bát đĩa, nồi niêu, vừa làm vừa sung sướng và hãnh diện vì được giúp đỡ người mình yêu! Quả thật, tình yêu luôn có sức mạnh biến đổi kỳ diệu như thế! Sự hy sinh và cái chết lúc đó mới có ý nghĩa cứu độ. Đó mới là mặt phải trong mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu và của mỗi người chúng ta.

Lời kết

Hôm nay ta hãy xin Chúa Giêsu cho mình can đảm bước theo Người để đi cho đến tận cùng con đường Vượt Qua. Xin Người Mẹ Thánh nâng đỡ chúng ta khi ta cùng treo mình trên thập giá với Chúa Giêsu vì tin rằng ta sẽ cùng sống lại với Người.