Sao chú ấy lại giành đường của con hả mẹ?
Con gái tập xe, đi sát lề phải nhưng vẫn bị một người đàn ông trông có vẻ là công chức đi làm về giành đường, ép cháu phải lấn sang làn đường bên trái…
Sao chú ấy lại giành đường của con hả mẹ?
Con gái tập xe, đi sát lề phải nhưng vẫn bị một người đàn ông trông có vẻ là công chức đi làm về giành đường, ép cháu phải lấn sang làn đường bên trái…
Con gái tôi tập đi xe đạp. Thế là chiều nay vợ chồng tôi và cháu, mỗi người một xe đi ra đường lớn.
Dẫu đã chạy xe khá vững trong đường nội bộ quanh khu chúng tôi sinh sống, nhưng ra đường lớn cháu không khỏi lọng cọng, cứ bảo với tôi: “Sợ quá mẹ ạ”.
Tôi động viên cháu: “Mẹ đã giải thích cho con về Luật giao thông đường bộ, con cứ chạy chậm rãi, sát bên lề phải, không sao cả”. Chúng tôi cho cháu chạy xe dọc đường Hoàng Sa (hướng về quận 3), chồng tôi đi trước, cháu đi giữa, tôi đi sau.
Đã “khóa” con trước sau như vậy, nhưng đến những ngã ba cháu không khỏi lúng túng khi xử lý tình huống đột ngột nằm ngoài “giáo trình” mẹ dạy bấy lâu. Chạy đến một đoạn nọ, dù cháu đã đi sát lề phải nhưng vẫn bị một người đàn ông chạy xe gắn máy – trông có vẻ là công chức đi làm về – giành đường, ép cháu phải lấn sang làn đường bên trái để anh ta lách xe vọt lên trên từ bên phải cháu…
Thấy con loạng choạng từ xa nhưng do vướng nhiều xe, tôi không chạy lên kịp. Khi chạy đến thì cháu đã tấp vào lề, mặt tái xanh, còn mắt thì rươm rướm. Cháu ấm ức nói với tôi: “Mẹ ơi chú kia ép xe con, còn chửi con”. Con đi đúng đường mà sao lại như vậy hả mẹ?”…
Đó chỉ là một trong rất nhiều “chuyện nhỏ” nhưng làm con gái chúng tôi xốn xang mãi trong cuộc dạo phố chiều nay bằng xe đạp. Bởi suốt gần một giờ đạp xe trên đường Hoàng Sa rồi Lê Văn Sĩ, chúng tôi đã gặp không dưới 50 người chạy ngược chiều, và đương nhiên những người đạp xe bám sát lề phải như chúng tôi là đối tượng bị họ “tấn công trực diện”!
Vợ chồng tôi phản ứng nhanh, nhưng con gái thì cập rập khi tránh những người đi ngược chiều. Vậy là cháu phải hứng chịu tiếng chửi bới, lời mắng mỏ thô lỗ của những người vi phạm Luật giao thông kia.
Bị giành đường, bị đẩy vào tình thế nguy hiểm, bị chửi bới… nhưng “bi kịch” vẫn chưa hết với một cô bé lần đầu chạy xe đạp ra đường lớn.
Đến những ngã tư đang đèn đỏ, còn khoảng 6-7 giây là đèn xanh, cháu lại bị những người chạy xe máy phía sau bóp kèn ầm ĩ, thậm chí còn sỗ sàng ủi vào sau xe cháu để thúc cháu đi. Rồi giơ tay xin quẹo nhưng lại bị phớt lờ…
Tất cả những điều này làm buổi đạp xe của gia đình chúng tôi kết thúc trong buồn bã. Ra đi hào hứng bao nhiêu thì về nhà ỉu xìu bấy nhiêu.
Cũng may con gái tôi đã xem bộ phim Cinderella, nên cháu đã thoải mái hơn khi tôi liên hệ về bài học “can đảm, tử tế, biết thứ tha” với câu chuyện đạp xe chiều nay.
Can đảm đạp xe ra đường, dẫu xe mình là thiểu số, dễ bị các xe khác bắt nạt, ăn hiếp. Dù bị thiên hạ o ép, thậm chí xúc phạm, vẫn tử tế với họ, không ăn miếng trả miếng, vẫn theo đúng Luật giao thông mà đi.
Và rồi còn phải biết tha thứ cho những người xúc phạm mình. Con gật đầu mà lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Thuyết phục con nhưng chính mình lại phải dằn lòng trước quá nhiều sự thiếu tử tế, sự sai trái nhan nhản ngoài đường. Liệu bài học của mẹ nàng Cinderella và nhiều bà mẹ khác dạy con gái có cần phải thêm sự “đấu tranh với cái xấu” nữa không?