10/01/2025

Mở đường cao tốc phát lộ di tích Chăm bí ẩn

Vết tích một khu tập giảng kinh sách Chăm chưa từng được hình dung tại Quảng Nam vừa phát lộ khi mở đường cao tốc, từ đó giải mã bí ẩn xung quanh trục không gian văn hóa Trà Kiệu – Chiêm Sơn – Mỹ Sơn.

 

Mở đường cao tốc phát lộ di tích Chăm bí ẩn

 

 

Vết tích một khu tập giảng kinh sách Chăm chưa từng được hình dung tại Quảng Nam vừa phát lộ khi mở đường cao tốc, từ đó giải mã bí ẩn xung quanh trục không gian văn hóa Trà Kiệu – Chiêm Sơn – Mỹ Sơn.



 

Mở đường cao tốc phát lộ di tích Chăm bí ẩn - ảnh 1Có 20 hố khai quật được mở, thu rất nhiều hiện vật gồm gạch, gốm, ngói… – Ảnh: Viện khảo cổ cung cấp
Mở đường cao tốc phát lộ di tích Chăm bí ẩn - ảnh 2Di vật bệ voi phát hiện tại Triền Tranh đang trưng bày tại Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh – Champa Duy Xuyên – Ảnh: H.X.H
Nhiều khả năng, khu phế tích trên, mang tên Triền Tranh, là nơi tập giảng kinh sách quy mô lớn, sử dụng lâu dài kể từ khoảng thế kỷ 9, qua đó làm sáng tỏ hơn giá trị và các vấn đề về văn hóa lịch sử Chăm mà các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu. TS Lê Đình Phụng, Trưởng phòng Nghiên cứu khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học), đã đưa ra nhận xét ban đầu như vậy sau khi khai quật 20 hố dọc hành lang tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nơi ông giữ vai trò Trưởng ban Cố vấn khoa học tại công trường.
Bất ngờ từ hố khai quật
 
 
 

 

Nhiều di vật độc, lạ

 
Trong cụm di tích Chiêm Sơn, phế tích Gò Lồi từng hiện diện kiến trúc Mandapa (căn nhà dài) lớn nhất trong hệ thống di tích Chăm ở miền Trung với diện tích lòng hơn 180 m2, cũng là Mandapa duy nhất xây bằng đá ong ở Quảng Nam. Tại chùa Vua, một linga 3 tầng cao 150 cm đẹp và nguyên vẹn được phát hiện và chuyển về Bảo tàng Duy Xuyên. Hai bia ký tại Mỹ Sơn khắc năm 1081, 1088 có nhắc đến anh em vua Harivarman 4 từng ra lệnh xây dựng lại những ngôi đền, cổng, công trình khác trong vùng để “làm cho chúng trở nên đẹp đẽ hoàn hảo”; nhiều khả năng cụm kiến trúc ở thung lũng Chiêm Sơn cũng được xây dựng trong giai đoạn này.

 

 

Khu phế tích Triền Tranh (thuộc xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) được mở hố đầu tiên từ giữa tháng 1.2015, đến nay đã khai quật 2.000 m2 và phát lộ rất nhiều thành phần kiến trúc. Một hệ thống tường bao phía sau dài khoảng 60 m cùng ngói, gạch, thanh đá bậc cửa, đồ đất nung Chăm, gốm sứ Đại Việt thời Trần, gốm sứ nước ngoài (Trung Quốc, Islam). Nhưng đặc biệt nhất là sự xuất lộ của kiến trúc chia ô nhỏ ở phía sau đền thờ chính, giúp hình dung về những ngôi nhà lợp ngói đã sụp đổ, từng làm nơi tập giảng. Hằng năm, từ kinh đô Trà Kiệu, vua tụ tập giới tăng lữ về Triền Tranh để tập giảng kinh sách, luyện kinh thờ cúng và nghi lễ…

Nằm trên trục không gian đông – tây trải dài 25 km từ thành cổ Trà Kiệu (tức kinh thành Simhapura) kéo đến thánh địa Mỹ Sơn, cụm di tích Chiêm Sơn được phát hiện từ lâu gồm Gò Lồi, Chùa Vua, Gò Gạch, Triền Tranh. Riêng Triền Tranh, nơi đang khai quật, hồi năm 1997 người dân địa phương phát hiện một bệ voi bằng sa thạch (chân đế trụ điêu khắc sinh động 4 con voi). Mặc dù vậy, chưa có nhiều thông tin về mối tương quan giữa Chiêm Sơn với Trà Kiệu – Mỹ Sơn, riêng Triền Tranh lại càng mờ nhạt. “Các nhà nghiên cứu luôn đặt câu hỏi: Những tu sĩ đã tu tập và học kinh ở đâu khi Trà Kiệu là trung tâm chính trị văn hóa lớn, còn Mỹ Sơn là trung tâm tôn giáo? Mà Mỹ Sơn không thấy có kiến trúc chia ô như những gì đang thấy ở Triền Tranh”, TS Lê Đình Phụng chia sẻ.
Bí ẩn đã được “giải mã” ?
Còn hơn 1.000 m2 sẽ tiếp tục khai quật để phục vụ cho nhu cầu giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, nhưng bước đầu giới chuyên môn đã tìm thấy cơ sở vật chất liên quan đến khu tập giảng kinh sách. Những hiện vật gốm sứ Trung Quốc, Islam cũng phản ánh sinh hoạt của giai cấp ở thượng tầng xã hội Chăm. Thậm chí, TS Lê Đình Phụng nhận xét có “dấu vết” đây là khu tập giảng kinh sách của Bà La Môn giáo, hoàn toàn khác với Đồng Dương – di tích quốc gia thuộc địa bàn H.Thăng Bình (Quảng Nam) vốn là một Phật viện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ 9.
Những kiến giải mới này sẽ gây chú ý đối với giới nghiên cứu văn hoá, lịch sử và kiến trúc Chăm. Bởi trước đó có rất nhiều giả thuyết khác nhau về vai trò khu di tích Chiêm Sơn. Cuốn Phế tích kiến trúc Chăm ở Quảng Nam do Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam ấn hành đã đặt nghi vấn nơi đây có thể là một hành cung (điểm dừng chân của các vua Chăm khi hành hương về Mỹ Sơn) hoặc khu đền tháp phụ (dành cho tầng lớp dân cư thuộc đẳng cấp thấp trong xã hội đến tế lễ dâng cúng). Câu hỏi bị bỏ ngỏ từ lâu, rằng vì sao người Chăm lại xây một quần thể kiến trúc lớn tại Chiêm Sơn bên cạnh một thánh địa tôn giáo quan trọng như Mỹ Sơn, đang dần tìm được lời giải.

Hứa Xuyên Huỳnh