10/01/2025

Thiếu đường, xe máy chạy vào làn ôtô

Tình trạng này xảy ra ở đường Trường Chinh, đoạn từ cầu vượt An Sương đến ngã ba Cộng Hoà (thuộc Q.12, Tân Bình, Tân Phú, TP.HCM).

 

Thiếu đường, xe máy chạy vào làn ôtô

 

Tình trạng này xảy ra ở đường Trường Chinh, đoạn từ cầu vượt An Sương đến ngã ba Cộng Hoà (thuộc Q.12, Tân Bình, Tân Phú, TP.HCM).




 

 

Vào giờ cao điểm, rất nhiều xe máy chạy vào làn đường dành cho ôtô trên đường Trường Chinh – Ảnh: Hữu Khoa

Đây là một trong những tuyến đường có mật độ xe lưu thông cao và mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt người đi xe máy buộc lòng phải vi phạm Luật giao thông chạy vào làn ôtô với nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Không thể cứ để người dân vi phạm Luật giao thông do chính ngành giao thông chậm điều chỉnh lại giao thông trên tuyến đường Trường Chinh
Một chuyên gia về giao thông

Xe máy “giành đường” với ôtô

Ghi nhận 6g30 ngày 23-3 trên đường Trường Chinh hướng xe lưu thông từ giao lộ ngã tư An Sương đến cầu Tham Lương đã có một số người chạy xe máy vào làn đường ôtô.

Đến 7g, hai làn đường dành cho xe máy kẹt cứng nên hàng ngàn xe máy buộc phải chạy vào ba làn đường ôtô khiến toàn bộ các làn xe trên đường Trường Chinh bị ùn ứ trong vòng 15 phút.

Tương tự, đoạn đường từ cầu Tham Lương đến đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) tất cả xe máy chạy kín trên làn đường ôtô. Tại chân cầu Tham Lương, xe máy, ôtô bị ùn lại, một số xe va chạm vào nhau liên tục. Ngay vị trí các nút đèn giao thông, tất cả xe bị kẹt lại, một vài xe muốn chuyển hướng cũng ì ạch, rất khó khăn.

Còn giờ cao điểm, hướng xe lưu thông chiều ngược lại (đoạn từ đường Cộng Hòa ra ngã tư An Sương) cũng tái diễn hình ảnh xe máy ồ ạt đổ vào làn ôtô. Hàng nghìn xe máy chen chúc chiếm hơn một nửa mặt đường ôtô.

Anh Nguyễn Đình Bính, một người đi đường, nói: “Vào giờ cao điểm, làn đường dành cho xe máy trên đường Trường Chinh chỉ đủ cho khoảng 1/3 lượng xe máy lưu thông nên tôi buộc phải chạy sang làn đường ôtô, vừa tránh được kẹt xe, đỡ mất thời gian”.

Còn chị Nguyễn Thị My – một người dân sống ở đường Trường Chinh – cho biết: “Xe máy, ôtô và xe tải chạy cùng một làn đường là không an toàn. Rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra ở đây do xe chạy sai làn đường. Ở đoạn đường này, xe máy đang chạy bị xe buýt húc thẳng vào xảy ra như cơm bữa.

Nhiều khi xe máy, xe tải chạy san sát nhau, lúc xe tải vượt lên thì xe máy tự ngã cực kỳ nguy hiểm”. Anh Trần Văn Hùng, một tài xế xe tải thường xuyên chạy xe ở đây, lắc đầu ngao ngán: “Chỉ cần không tập trung một chút là va chạm ngay vào xe máy xung quanh”.

Còn chờ nghiên cứu

Ông Lê Hồng Việt – phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM – thừa nhận việc xe máy lưu thông vào làn ôtô ở đường Trường Chinh hết sức nguy hiểm nên rất cần tổ chức lại giao thông trên tuyến đường này.

Theo ông Việt, trước đây thanh tra Sở Giao thông vận tải TP từng đề nghị đập bỏ dải phân cách cứng (dải bêtông và có trồng cây xanh ở giữa) để mở rộng đường cho làn xe hai bánh, nhưng đơn vị quản lý đường không đồng tình.

Theo ông Việt, mới đây trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) tuy không đập bỏ dải phân cách cứng, nhưng đã lắp thêm dải phân cách mềm (các cột cao su) cho xe hai bánh lưu thông vào làn đường ôtô. Nhờ vậy đường Điện Biên Phủ không xảy ra ùn ứ giao thông và người dân không vi phạm Luật giao thông.

Ông Việt đề nghị nên làm dải phân cách mềm trên đường Trường Chinh và nên giới hạn thời gian cho xe máy lưu thông vào đường này. Cụ thể cần gắn bảng báo hiệu giao thông cho phép xe máy lưu thông trong giờ cao điểm sáng (từ 6g-8g) và chiều (từ 17g-19g).

Còn ông Võ Khánh Hưng – giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 3, đơn vị quản lý đường Trường Chinh (đoạn từ nút giao thông An Sương đến cầu Tham Lương, Q.12) – cho biết đơn vị sẽ khảo sát mật độ xe trên đường và nghiên cứu biện pháp phân luồng giao thông trên đường Trường Chinh, đồng thời sẽ khảo sát xe máy lưu thông trong dải phân cách mềm trên đường Điện Biên Phủ.

Nếu thấy phù hợp có thể sẽ cho lắp đặt dải phân cách mềm trên đường Trường Chinh. Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Ninh – quyền giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, đơn vị quản lý đường Trường Chinh (đoạn từ cầu Tham Lương đến ngã ba Cộng Hoà) – cho biết sẽ nghiên cứu, tính toán hiệu quả về mặt giao thông nếu lắp đặt dải phân cách mềm cho xe máy lưu thông trong giờ cao điểm.

Thiếu cầu vượt cho người đi bộ

Đường Trường Chinh rộng 60m cho 10 làn xe lưu thông nhưng suốt cả đường không có cây cầu vượt nào dành cho người đi bộ. Sáng 23-3, chúng tôi ghi nhận từ phía đường Tân Hưng Thuận (Q.12) có bốn sinh viên đã leo qua rào chắn đường, băng ngang giữa dòng xe cộ tấp nập mới sang được bên kia đường.

Một sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM cho biết: “Người đi bộ muốn qua đường ở đây phải vượt qua tất cả các làn xe rất nguy hiểm. Mỗi lần qua đường thường mất ít nhất 10 phút, hôm nào kẹt xe đợi đến 20 phút vẫn chưa sang được”.

Cách đây vài năm, Khu quản lý giao thông đô thị số 3 đã đề xuất xây dựng hai cầu đi bộ trên đường Trường Chinh, nhưng đến nay ông Võ Khánh Hưng – giám đốc khu này – cho biết đã hủy bỏ phương án xây dựng hai cầu bộ hành vì người dân (tại nơi xây cầu) không đồng tình (trong đó có một vị trí dự định xây cầu ngay chợ Bàu Nai, sau đó chợ này đã di dời nên không cần thiết xây cầu).

Còn ông Nguyễn Vĩnh Ninh – quyền giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 – cho biết trong một dự án đầu tư hạ tầng vay vốn ODA nước ngoài tại TP.HCM có tính đến xây dựng một cầu đi bộ trên đường Trường Chinh và hiện đang được khảo sát, thiết kế.

 

NGỌC ẨN – THU DUNG