27/11/2024

Phải phạt nặng việc bôi bẩn nơi công cộng

Nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải có những biện pháp mạnh nhằm xử lý, răn đe những hành vi viết vẽ, bôi bẩn các di tích, công trình công cộng.

 

Phải phạt nặng việc bôi bẩn nơi công cộng

 

Nhiều người cho rằng đã đến lúc cần phải có những biện pháp mạnh nhằm xử lý, răn đe những hành vi viết vẽ, bôi bẩn các di tích, công trình công cộng. 




 

 

Chi chít chữ ký, hình vẽ, những lời tâm sự yêu đương… vẽ lên tường nhà thờ Đức Bà, Q.1, TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Việc tường gạch nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) bị viết, vẽ linh tinh đã khiến nhiều bạn đọc bức xúc và đề nghị phải có biện pháp trừng phạt mạnh để ngăn chặn việc phá hoại các di tích và công trình công cộng.

Người dân bức xúc, du khách ngán ngẩm

Nhà thờ Đức Bà là công trình kiến trúc độc đáo ở trung tâm TP.HCM lại đang là nơi bị một số người viết, vẽ vô cùng phản cảm.

Tại nhà thờ đã treo những tấm bảng “Nơi trang nghiêm xin giữ vệ sinh chung”, các góc khuất phải dùng rào chắn lại để ngăn tình trạng phóng uế bừa bãi.

Thế nhưng xem ra tình hình vẫn không thay đổi mà có nguy cơ ngày càng bẩn hơn, mật độ chữ viết, nét vẽ bậy ngày càng dày đặc hơn. Người dân đến đây tham quan, chụp ảnh lưu niệm, ảnh cưới… rất bức xúc.

Du khách nước ngoài cũng lắc đầu ngán ngẩm, thể hiện sự thất vọng trước những hành vi vô ý thức kiểu này.

Tương tự, tại Công trường Quốc tế (còn gọi là hồ Con Rùa) cũng bị viết, vẽ những dòng chữ vô cùng phản cảm từ phía trong đến mặt tiền.

Không chỉ vậy, nhiều công trình công cộng khác tại khu trung tâm TP.HCM như trạm xe buýt, các tủ điện, tường hẻm vào khu dân cư, cổng các cơ quan nhà nước… cũng trở nên mất mỹ quan bởi những nét vẽ, quệt sơn vô tội vạ.

Thiết nghĩ không chỉ nhà thờ Đức Bà hay Công trường quốc tế, mà những công trình kiến trúc trăm tuổi khác đã và đang là hồn phố của Sài Gòn cũng cần có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, đặt camera ở những vị trí thích hợp nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi sai trái.

Chính quyền cần ban hành mức phạt thật nặng – kể cả phạt tù, buộc lao động công ích có thời hạn – đối với những người thiếu ý thức, có hành vi bôi bẩn các công trình công cộng, nhất là với những kiến trúc độc đáo có hàng trăm năm tuổi mà những tổn thương, hư hỏng không có cái giá nào có thể bù đắp được.

KIM SƠN

Phạt nặng để ngăn ngừa

Thật xót xa khi nhìn những viên gạch nhà thờ Đức Bà bị viết, vẽ linh tinh. Mà không chỉ nhà thờ Đức Bà.

Cuối năm ngoái, tôi có dịp đến thăm khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (tỉnh Hải Dương), thật sự rất bức xúc và lấy làm buồn khi phía sau tấm bia đá thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Trãi đã bị một số người dùng vật nhọn để “ghi dấu” chứng tỏ họ đã đến đây.

Cho dù ban quản lý khu di tích đã cố gắng giữ gìn, trả lại hiện trạng sạch đẹp cho tấm bia nhưng những đường khắc vẫn hằn in chi chít. Tương tự, tháp Hoà Phong ở cạnh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng chi chít các “dấu tích” thể hiện tình cảm của nhiều đôi lứa.

Còn năm ngoái, một người bạn tôi đi tham quan cố đô Huế về cũng than phiền sự thiếu ý thức của nhiều người khi vô tư viết vẽ lên các khẩu súng thần công đặt ở sau cửa Thể Chơn và cửa Quảng Đức của kinh thành Huế – vốn nằm trong quần thể di sản thế giới được UNESCO công nhận.

Nếu kể ra thêm những danh thắng, di tích “được” “điêu khắc” một cách vô ý thức như thế này, hẳn sẽ phải tốn rất nhiều trang báo mới có thể kể hết.

Di tích, danh thắng bị bôi bẩn không chỉ phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý ở những nơi này, mà còn cho thấy sự thiếu ý thức của nhiều người, trong đó phần lớn là những người trẻ tuổi, cũng như sự thiếu vắng các biện pháp trừng phạt nhằm mang tính răn đe với những hành vi không đẹp này ở nước ta.

Không thể nói rằng do những người trẻ này chưa được giáo dục đến nơi đến chốn, vì trường học ngày nay đều luôn nhắc nhở học sinh, sinh viên phải biết bảo vệ, giữ gìn di tích, các danh thắng lịch sử.

Tính thích thể hiện lẫn sự vô ý thức và bốc đồng đã khiến nhiều người, trong đó đa số là giới trẻ, chỉ đơn giản nghĩ là “viết vẽ lên một tí thì có gì là ghê gớm”.

Tôi cho rằng đã đến lúc cần phải có những biện pháp mạnh nhằm xử lý, răn đe những hành vi viết vẽ, bôi bẩn các di tích.

Không nhất thiết phải phạt roi như Singapore từng nhiều lần thực hiện, mà chỉ cần bắt buộc đi lao động công ích, đồng thời gửi thông báo về trường học, cơ quan làm việc, địa phương cư trú là cũng đủ mang tính răn đe, đủ làm bẽ mặt những người thích viết, vẽ linh tinh lên di tích rồi.

Còn nếu cố tình vi phạm nhiều hơn một lần hay không chấp hành hình phạt lao động công ích, lúc ấy sẽ xử phạt nặng hơn, phạt tù và phạt tiền hẳn cũng làm nhiều người có ý định bôi bẩn di tích sẽ phải chùn tay.

NHẤT NGUYÊN