27/11/2024

Xin lỗi khó lắm sao ?: Cùng chữa lành ‘vết thương’

Không phải dễ dàng để thừa nhận mình có lỗi và bày tỏ lời xin lỗi với “đối tượng”. Tuy nhiên, theo những chuyên viên tâm lý, nếu càng để lâu, vết thương lòng càng âm ỉ, khó chữa lành…

 

Xin lỗi khó lắm sao ?: Cùng chữa lành ‘vết thương’

 

Không phải dễ dàng để thừa nhận mình có lỗi và bày tỏ lời xin lỗi với “đối tượng”. Tuy nhiên, theo những chuyên viên tâm lý, nếu càng để lâu, vết thương lòng càng âm ỉ, khó chữa lành…

 

 

 

Xin lỗi khó lắm sao ?: Cùng chữa lành 'vết thương' - ảnh 1
Không ai hoàn hảo
Không đồng tình cách ứng xử của những phụ huynh thường “ém nhẹm” lời xin lỗi đối với con em mình vì sợ mất sĩ diện, ông Nguyễn Phước Lộc (ngụ ở P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) băn khoăn: “Chúng ta luôn dạy con mình lòng trung thực. Con là người gần gũi nhất với mình mà mình không trung thực thì hỏi làm sao mình trung thực với xã hội?”. Ông Lộc đúc kết: “Thực ra, trên đời này không có ai hoàn hảo, khi nào cũng đúng cả đâu. Mình không nên tự ái, coi cái tôi lớn quá mà làm hỏng các mối quan hệ”.
Đứng ở góc độ là người con, bạn Lương Ngọc Trung Hạnh (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM) cho rằng: “Nếu từ nhỏ được giáo dục bao nhiêu về sự cần thiết của từ xin lỗi thì đứa con càng đòi hỏi những người giáo dục mình (cha mẹ, thầy cô) phải là những người đầu tiên tuân thủ những điều đó. Tôi nghĩ rằng, xin lỗi bây giờ như là một chuẩn mực giao tiếp mà ai được cho là văn minh đều phải có”.
Theo thạc sĩ tâm lý lâm sàng Vũ Cẩm Vân, Hội phó Hội quán các bà mẹ, lời xin lỗi có ý nghĩa rất quan trọng nhưng không phải dễ dàng để nói ra. Đó là do thói quen, tính cách hoặc cái tôi cao quá…
Bà Cẩm Vân nhận xét, trong cuộc sống thường ngày, rất nhiều người Việt chưa có thói quen nói lời xin lỗi. Trong gia đình, bố mẹ biết mình sai nhưng không nhận lỗi, xin lỗi. Bà Cẩm Vân lý giải: “Họ sợ như vậy sẽ mất đi sự uy nghiêm của mình, mất đi sự tin tưởng ở con và con sẽ không nghe lời nữa. Điều này tạo cho trẻ thói quen không xin lỗi người khác, thậm chí còn đổ lỗi cho người khác”.
Để góp phần thay đổi thói quen không hay nói trên, theo thạc sĩ Vũ Cẩm Vân, bố mẹ và thầy cô phải làm gương cho trẻ, giải thích và hướng dẫn trẻ cách xin lỗi. “Đó là việc nên làm. Vì cuộc sống không có ai hoàn hảo cả, cũng có những lúc chúng ta vô ý phạm lỗi”, bà Cẩm Vân nhấn mạnh.
Hoàn thiện chính mình
Minh Trang, thành viên CLB FACE (Vì một nền giáo dục sạch), cho biết bạn từng “nợ” thầy giáo cũ một lời xin lỗi. Có điều, cô gái này đã không “trả nợ” thầy bằng lời nói mà bằng hành động. Trang kể, do sự chủ quan, tự kiêu nên cô đã thất bại trong một cuộc thi mà người thầy đã đặt nhiều kỳ vọng. Ánh mắt, lời nói thất vọng của thầy khiến Trang thật sự hổ thẹn. Ngay từ hôm đó, Trang định gặp và xin lỗi thầy, song lại không đủ can đảm và hơn hết là sợ hãi. Cô gái trải lòng: “Tôi vẫn giữ im lặng cho đến ngày hôm nay. Sự hổ thẹn và ăn năn ấy đã biến thành động lực thôi thúc tôi từng ngày sống đàng hoàng, có trách nhiệm, biết người biết ta trong hiện tại. Và tôi nghĩ, đó là lời xin lỗi thiết thực nhất mà tôi gửi tới thầy”.
Theo một số chuyên viên tư vấn, với những người cảm thấy khó khăn khi trực tiếp nói lời xin lỗi thì có thể thay thế bằng ánh mắt, thái độ, cử chỉ, hành động hoặc qua tin nhắn, email, chat… Nhưng dù bằng hình thức nào, điều quan trọng cần có chính là lòng thành tâm hối lỗi.
“Nói lời xin lỗi là mình đã nhận thức, đối diện và công nhận sai lầm của chính mình. Từ đó, mình sẽ rút kinh nghiệm, có hướng thay đổi, ứng xử tốt hơn sau này”, thạc sĩ Vũ Cẩm Vân chia sẻ. Bà lưu ý, “món nợ” xin lỗi càng để lâu thì vết thương lòng càng âm ỉ, khó lành.
Từ trải nghiệm bản thân, Minh Trang nhìn nhận đôi khi lỗi lầm không do chính ta gây nên nhưng ta vẫn có thể nói lời xin lỗi. Bởi ta muốn “dĩ hoà vi quý”, hoặc tôn trọng người đó hay mối quan hệ đó. Theo Minh Trang, nếu sau này có điều kiện, hai bên có dịp nói chuyện với nhau và bình tĩnh nhìn nhận lại mọi thứ, giúp nhau nhận ra sai trái để mà sửa chữa, hoàn thiện mình hơn.
Ý kiến:
Tôi thường xin lỗi con
Tôi xin lỗi con nhiều hơn là con xin lỗi tôi. Điều đó không có nghĩa là tôi phạm lỗi nhiều hơn con. Không chỉ riêng con tôi mà cả một số trẻ khác, tôi thấy các cháu hiếm khi biết nói lời xin lỗi. Theo tôi, một phần là do không có sự thống nhất trong giáo dục con giữa cha mẹ, khiến ứng xử của con bị lệch chuẩn. Mặt khác, nhà trường bây giờ chỉ dạy phơn phớt lễ nghĩa, đạo đức cho học sinh.
Nguyễn Văn Tuấn
(hành nghề gia sư, Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Không dạy theo kiểu la mắng, đánh đập
Tôi có đứa cháu sống ở Mỹ. Từ hồi nhỏ xíu, cháu đã được các cô giáo bên đó tập thói quen xin lỗi, cảm ơn qua những trò chơi vui; hoàn toàn khác với cách dạy theo kiểu la mắng, đánh đập như nhiều phụ huynh chúng ta thường làm, điều chỉ khiến đứa trẻ thêm “lì đòn” mà thôi.
Lâm Trang
(quản lý truyền thông trong một tập đoàn công nghệ tại TP.HCM)
Phụ huynh trẻ tuổi bình đẳng hơn
Theo em, khi phạm lỗi, các bậc cha mẹ ở những thế hệ trước ít xin lỗi con cái. Còn những phụ huynh trẻ thế hệ hiện nay (có con còn nhỏ) đa số thông hiểu và có sự bình đẳng với con cái hơn.
Hồ Tài Liên Vy
(sinh viên Trường CĐ Bách Việt)

 

Như Lịch