11/01/2025

Sự đố kỵ là kẻ thù nguy hiểm nhất

Đối thoại tuổi 20 kỳ này là những tâm tình từ ông Huỳnh Bửu Sơn (sinh năm 1946), chuyên gia kinh tế.

 

Sự đố kỵ là kẻ thù nguy hiểm nhất

 

Đối thoại tuổi 20 kỳ này là những tâm tình từ ông Huỳnh Bửu Sơn (sinh năm 1946), chuyên gia kinh tế.

 

 

Ông Huỳnh Bửu Sơn 

Dễ dàng gặt hái thành công khi theo học hai trường ĐH Luật, ĐH Văn khoa và tốt nghiệp ở tuổi 20, thi đậu vào Ngân hàng Quốc gia ở tuổi 21…

Tuy nhiên với ông: “Chiêm nghiệm lại, tôi thấy cuộc sống là chuỗi dài những thất bại, còn thành công chỉ là những điểm sáng thi thoảng lóe lên.

Thực chất thất bại rất quan trọng, chúng giúp ta biết rút kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân hơn.

Điều quan trọng nhất dẫn đến thành công, theo tôi, là đức tính cần cù. Người thông minh có thể toả sáng trong một thời điểm, nhưng nếu muốn có được thành công bền vững thì phải kiên trì khổ luyện.

Tôi có tật là khó thể ngồi không, ngồi yên được. Năm 48 tuổi tôi bị té gãy chân, 15 ngày sau chân còn băng bột tôi đã đi chơi thể thao lại, sau đó 10 ngày thì đi họp và công tác nước ngoài…

Thời còn làm tổng giám đốc VPBank, dù phải cật lực lèo lái mọi thứ trong tình hình khó khăn nhưng tôi vẫn nhận viết cho nhiều báo, làm nhiều việc khác chẳng nề hà gì… Tôi tâm niệm còn sức lực thì hãy năng lao động!”.

Bớt đố kỵ sẽ tốt hơn cho nhiều bạn trẻ. Trong ảnh: nhờ tinh thần làm việc nhóm và không ngừng học hỏi, đoàn Việt Nam đã giành hai giải thưởng lớn trong cuộc thi SEM Asia 2015 (đua xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á) vừa diễn ra tại thủ đô Manila, Philippines vào tháng 3-2015 – Ảnh: C.Nhật

* Là người làm kinh tế nhưng ông từng nói “Hãy xem vàng như cỏ rác”…

– Vàng suy cho cùng chỉ có cái đẹp hào nhoáng bên ngoài và một giá trị tâm lý ảo do lịch sử khoác lên.

Khả năng thụ hưởng vật chất của mỗi người là cực kỳ giới hạn, sự thụ hưởng tinh thần lớn lao hơn và trong nhiều trường hợp ít tốn kém hơn. Đôi khi chỉ cần đọc được một nhận định triết học mới mẻ hay tìm được một cuốn sách hay… là đã thấy hạnh phúc. Những thứ này đâu cần có nhiều tiền để mua?

Trong khi đó, nếu mê mải chạy theo vật chất thì chúng ta sẽ dễ rơi vào trạng thái mà phương Tây gọi là “Keep up with the Joneses”, tức là phải gắng sức để bằng ông láng giềng (trong kinh tế gọi là “hiệu ứng phô trương”).

Mặt tốt là giúp chúng ta nỗ lực làm việc nhưng mặt khác sẽ làm chúng ta đắm chìm trong sự phô trương phù phiếm, chỉ có tính thoả mãn nhất thời nhưng mệt mỏi lâu dài.

Ngay như tỉ phú hàng đầu thế giới là Bill Gates cũng chọn lối sống giản dị và chủ yếu cho hơn là nhận.

* Từng làm ở công ty nhà nước lẫn nước ngoài, ông thấy môi trường nào áp lực hơn?

– Thật ra môi trường nào cũng có những áp lực riêng, điều quan trọng là phải biết thích nghi.

Mọi người thường nghĩ môi trường đa quốc gia rất áp lực, nhưng chúng ta nên hiểu rằng cách quản lý của họ giúp mình làm việc hiệu quả hơn chứ không phải là làm việc nhiều hơn.

Nghĩ một cách đơn giản, khi nhân viên làm việc không hiệu quả thì chỉ khiến họ tốn tiền điện, nước… mà điều này thì chẳng doanh nghiệp nào mong muốn. Nhưng để thích nghi được môi trường đó thì nhân viên phải có kiến thức thật.

Thói quen chuộng hình thức, lấy bằng cấp làm nhãn mác chứ không thực học – điều mà nhiều người Việt đang bị cuốn theo – sẽ khiến người ta trở nên đố kỵ tài năng, thích xu nịnh, thích kết bè tạo nhóm để tạo đặc quyền đặc lợi và mất tự tin khi bước vào một môi trường cạnh tranh công bằng.

Khi có thực học, chúng ta sẽ thành thật với chính mình, khiêm tốn, cầu thị và biết trân trọng những người có học. Nhiều người nói một người Việt có thể bằng một người Nhật nhưng ba người Việt thì thua ba người Nhật là có lý do.

* Ông đang đề cập đến hệ quả của thói quen học “giả” và đố kị?

Khi một người không thành thật với chính mình (cụ thể là học “giả”) thì sẽ không bao giờ tự tin được, và sẽ luôn sợ hãi, sinh lòng đố kỵ người khác.

Sự đố kỵ là điều rất dễ bắt gặp trong xã hội chúng ta và đó là điều vô cùng nguy hiểm. Điều này sẽ khiến tài năng không được phát triển, có nhân tài mà không trọng dụng được thì khác gì không có nhân tài? Xã hội như vậy sẽ khó khăn đủ đường, đó là chưa kể nạn “chảy máu chất xám”.

* Những điểm cộng, điểm trừ ở giới trẻ hiện nay theo ông là…

– Giới trẻ hiện nay năng động hơn và có tương tác đa dạng với thế giới xung quanh nhờ Internet… nhưng tôi có cảm giác họ chọn lối sống hưởng thụ và thực dụng, ít quan tâm đến vận mệnh chung của đất nước.

Ngoài ra, tôi thấy rằng giới trẻ hiếm khi quan tâm đến các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, triết học… và thường lưu tâm đến điều vi mô hơn là vĩ mô.

Và họ dường như chỉ học chứ không còn hỏi, mất dần khả năng sáng tạo, thường dễ thoả hiệp và nhìn mọi sự vật dưới lăng kính của người khác. Tôi nghĩ nguyên nhân là do bệnh sao chép và bệnh thành tích trong giáo dục của chúng ta quá lớn.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi bi quan. Khi tham gia giảng dạy hệ cao học, đại học hoặc đi chia sẻ tại chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL (dự án giáo dục phi lợi nhuận) tôi vẫn thấy nhiều bạn trẻ Việt đầy tiềm năng, thông minh, khát khao tiếp thu điều mới mẻ. Khi cho giới trẻ động lực và hướng đi đúng đắn, tôi tin rằng họ sẽ mang đến sự cường thịnh cho dân tộc.

Lao động không mệt mỏi

Ông Huỳnh Bửu Sơn được nhiều người biết đến với câu chuyện từng là người được giao trọng trách giữ chìa khoá kho vàng của Ngân hàng Quốc gia, và là thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng về cải cách hành chính và kinh tế (thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Sau đó, ông đảm nhận các vị trí lãnh đạo như: tổng giám đốc Ngân hàng VPBank, giám đốc đối ngoại PepsiCo VN, tổng giám đốc Bệnh viện tim Tâm Đức…

Ông hiện đang là thành viên hội đồng quản trị Công ty Kềm Nghĩa.

 

CÔNG NHẬT thực hiện