27/11/2024

Mở liên thông CĐ lên ĐH, phải siết chỉ tiêu

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ các trường.

Mở liên thông CĐ lên ĐH, phải siết chỉ tiêu

 

Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư 55 quy định về đào tạo liên thông của Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ các trường.

 

 

 

 

Sinh viên khoa dược Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm giải phẫu sinh lý – Ảnh: Như Hùng

* PGS.TS CAO VĂN (hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương – Phú Thọ):

Nhiều trường đứng trên bờ vực giải thể

Không thể phủ nhận việc “siết đầu vào” liên thông bằng yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong tuyển sinh đã làm chất lượng đào tạo hệ này có chuyển biến tích cực.

Song nhìn lại hơn hai năm thực hiện thông tư 55 dễ thấy nguồn tuyển sinh các trường sụt giảm quá nặng nề. Trường ĐH tuyển sinh liên thông không tuyển được vì người dự thi chật vật không qua nổi kỳ thi chung, còn các trường trung cấp, CĐ mất nguồn tuyển khi thí sinh không tha thiết trước cánh cửa liên thông khép chặt. Nhiều trường CĐ khó tuyển sinh đã đứng trên bờ vực tự giải thể.

Với tất cả khó khăn đã bộc lộ với các trường, với người học suốt hai năm qua, dễ dàng thấy được việc bộ chủ trương trở lại quy định để các trường tự quyết hình thức tuyển sinh liên thông, không phân biệt đối tượng tuyển sinh là người tốt nghiệp dưới hay trên 36 tháng là giải pháp hợp lý.

Bộ nên giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường để các trường phải có trách nhiệm giữ gìn thương hiệu thông qua sản phẩm đầu ra. Nâng cao chất lượng không thể chỉ ỷ lại vào một thao tác đơn giản “thắt chặt” đầu vào được.

* PGS.TS NGUYỄN NGỌC KHÔI (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM): 

Dễ cập nhật kiến thức hơn

Dự thảo cho phép sinh viên tốt nghiệp được liên thông ngay lên bậc cao hơn có cái hay là sinh viên dễ tiếp nhận kiến thức hơn so với việc bị ngắt quãng trước đây.

Đối với nhóm ngành sức khỏe, đối tượng liên thông cũng được mở rộng hơn, điều này tạo thuận lợi hơn cho người học. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng ngành liên thông đòi hỏi các trường phải đào tạo theo hình thức tín chỉ, sinh viên chỉ cần đăng ký học những học phần mình còn thiếu.

Sinh viên trái ngành liên thông nếu đào tạo theo niên chế buộc phải học nhiều hơn và như thế sẽ khó đảm bảo thời gian. Thực tế việc đào tạo tín chỉ hiện nay ở các trường y dược còn rất nhiều hạn chế.

Đối với nhóm ngành sức khỏe, việc quy định thời gian công tác trước khi liên thông là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các khu vực vùng sâu vùng xa. Ở các thành phố lớn nhân lực ngành y tế tương đối đủ.

Việc quy định thâm niên công tác trước khi liên thông nhằm đảm bảo người tốt nghiệp đã có thời gian phục vụ tại các địa phương. Nếu không, ai tốt nghiệp xong cũng học liên thông hết thì các khu vực vùng sâu vùng xa sẽ thiếu nhân lực ngành y tế.

* ThS HỨA MINH TUẤN (phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing): 

Thuận lợi cho thí sinh và trường

Dự thảo mới có một số điểm sửa đổi, tôi cho rằng những thay đổi này là phù hợp và cần thiết, thuận lợi cho cả thí sinh và trường. Theo quy định cũ, trường không có nguồn để tuyển liên thông trong khi sinh viên muốn liên thông lại phải chờ đợi đủ 36 tháng hoặc tham gia thi ĐH với điểm đầu vào rất khó khăn.

Trước đây hằng năm trường tuyển sinh liên thông với hàng ngàn thí sinh nộp hồ sơ, nhưng với thông tư 55 mỗi năm trường chỉ nhận được vài trăm hồ sơ.

Một điểm đáng chú ý nữa đó là những thay đổi này cũng tương đối phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia 2015 khi các trường được lựa chọn hình thức thi và xét tuyển, sinh viên cũng chủ động hơn trong việc lựa chọn thời gian và hình thức thi liên thông phù hợp với mình.

Quy định trước đây chỉ có một lựa chọn liên thông, dự thảo mới có nhiều lựa chọn hơn cho cả trường và thí sinh. Tôi ủng hộ những thay đổi này.

* ThS LÊ LÂM (hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn): 

Chương trình đào tạo phải linh hoạt

Về quy định liên thông, dự thảo đã thông thoáng và thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Quy định liên thông trước đây không chỉ khiến các trường ĐH khó khăn mà ngay cả trường CĐ cũng rất vất vả trong tuyển sinh vì thí sinh né học trung cấp, CĐ bởi thực tế tâm lý chuộng ĐH vẫn còn nặng nề.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường ĐH chỉ xét tuyển dựa vào học bạ THPT. Với quy định liên thông mới này, những thí sinh là sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp, CĐ nếu sử dụng học bạ THPT để xét ĐH thì sao?

Chẳng lẽ bắt họ học lại chương trình chung với những học sinh vừa tốt nghiệp THPT? Điều này đòi hỏi phải có quy định rõ về chương trình đào tạo, các trường phải xây dựng chương trình đào tạo có sự tích lũy và kế thừa, đảm bảo quyền lợi của người học. Các trường cần tự chủ xây dựng chương trình sao cho dung hòa, linh hoạt, không thể bắt sinh viên tốt nghiệp CĐ học bốn năm như những học sinh vừa tốt nghiệp THPT được.

* PGS.TS Trịnh Minh Thụ (phó hiệu trưởng Trường ĐH Thuỷ lợi):

Kiểm soát chất lượng bằng cách nào?

Giải pháp bộ đưa ra cho đào tạo liên thông trả lại tự chủ tuyển sinh cho các trường là quyết định phù hợp. Tuy nhiên, điều xã hội quan tâm có lẽ là khi mở rộng cửa tuyển sinh liên thông thì chất lượng kiểm soát bằng cách nào?

Quan sát lâu nay thấy rằng đúng là nếu quy định đào tạo liên thông không chặt chẽ, rất dễ xảy ra hiện tượng đào tạo dễ dãi. Thông tư 55 gây ra một số bất cập trong tuyển sinh, nhưng đã giảm bớt được tình trạng đào tạo ồ ạt của liên thông ĐH, CĐ.

Nhưng cách “chặn” đầu vào như vậy gây khó khăn cho những học viên muốn tốt nghiệp liên thông luôn, nhất là với nữ, nếu liên thông luôn họ sẽ đăng ký thi tuyển, chứ đã lập gia đình rất khó khăn để học tiếp.

Với phương án giao cho các trường tự quyết phương án tuyển sinh liên thông, điều cần làm nhất là Bộ GD-ĐT phải giám sát chặt việc khống chế chỉ tiêu đào tạo liên thông, xử lý nghiêm việc đào tạo liên thông qua loa, không đúng ngành. Bởi lẽ vẫn có hiện tượng trường đào tạo liên thông rất dễ, các lớp liên kết ở trung tâm bên ngoài không đảm bảo chất lượng…

Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn về quy định giới hạn chỉ tiêu liên thông tối đa 20% chỉ tiêu đào tạo chính quy theo ngành.

Ở Trường ĐH Thủy lợi có những ngành đào tạo chính quy rất ít như khí tượng thủy văn, giảm nhẹ thiên tai chỉ có 50 chỉ tiêu, vậy phải cắt ra cho liên thông chính quy 10 chỉ tiêu thì rất khó, trong khi đây là ngành đất nước rất cần.

Việc đào tạo chung sinh viên liên thông chính quy và ĐH chính quy cũng khó khăn vì sinh viên ĐH chính quy phần lớn là học sinh phổ thông có thể dành toàn bộ thời gian cho học tập, còn với sinh viên liên thông nhiều người đang đi làm khó bố trí thời gian học toàn phần liên tục trong vài năm được.

MINH GIẢNG – NGỌC HÀ