11/01/2025

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Cản dòng chảy thoát lũ là nguy hiểm

Ông Đỗ Đức Dũng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, cho biết: sông Đồng Nai có ảnh hưởng đến nhiều địa phương. Hành động can thiệp đến dòng chảy có thể làm thay đổi đến chức năng truyền tải thoát lũ, cản trở dòng chảy là rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ gây ngập lụt hoặc phát sinh thêm các điểm sạt lở trong hệ thống.

 

Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Cản dòng chảy thoát lũ là nguy hiểm

 

Nhiều nhân sĩ, trí thức và người dân tiếp tục có ý kiến phản đối mạnh mẽ việc lấp sông Đồng Nai để làm dự án.

Đại công trường lấn sông vẫn tiếp tục được thi công, bất chấp ý kiến phản đối của công luận và dư luậnĐại công trường lấn sông vẫn tiếp tục được thi công, bất chấp ý kiến phản đối của công luận và dư luận – Ảnh: Bạch Long

 

Ông Đỗ Đức Dũng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thu lợi miền Nam, cho biết: Sông Đồng Nai không phải là sông riêng của tỉnh Đồng Nai mà có ảnh hưởng đến nhiều địa phương. Không chỉ cung cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, khai thác giao thông đường thủy, sông Đồng Nai còn có nhiệm vụ thoát lũ. Theo tính toán lưu lượng thoát lũ trên hệ thống sông này rất lớn, với khoảng 18.000 – 20.000 m3/giây, nếu có bất kỳ tác động nào làm ảnh hưởng đến dòng chảy thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Đoạn sông đang có dự án bị cong và kèm theo xói lở bờ. Nếu việc can thiệp tác động mà có thể ngăn chặn được hiện tượng xói lở nhưng không ảnh hưởng đến lưu lượng thoát lũ thì có lẽ không có gì phải bàn cãi, đó là việc phải làm, đáng làm. Nhưng cũng phải đặt ra tình huống ngược lại, hành động can thiệp đến dòng chảy có thể làm thay đổi đến chức năng truyền tải thoát lũ, cản trở dòng chảy là rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ gây ngập lụt hoặc phát sinh thêm các điểm sạt lở trong hệ thống. Còn mức độ cụ thể ra sao thì cần phải có nghiên cứu thực tế và có tính toán cụ thể hơn.

 
 

Là một cử nhân ngành địa lý ĐH Văn khoa Sài Gòn, tôi thấy chuyện lấp sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và khả năng mất Cù lao Phố do thay đổi dòng chảy là rất cao. Do đó, theo tôi cần phải có các chuyên gia đánh giá kỹ càng về tác động môi trường ở cấp cao như Bộ Tài nguyên – Môi trường chẳng hạn.

 

Bà Nguyễn Thị K.Bnguyên giảng viên Trường CĐ Sư phạm Đồng Nai

Một nguyên tắc khó có ai phủ nhận là một khi dòng chảy đang rộng lớn, anh lấy đất đá san lấp, thu nhỏ lại thì dĩ nhiên nguồn nước phải bị dồn ứ, khó tránh khỏi sạt lở khu vực xung quanh. Chưa hết, một khi anh san lấp mặt bằng, đổ bê tông làm bờ kè, thì chắc chắn dòng chảy sẽ bị thay đổi qua phía bên kia sông, gây xói lở là điều khó tránh khỏi.

Một cán bộ Cục Thuế tỉnh Đồng Nai (ngụ tại P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa)

Tui chèo ghe bán vé số 42 năm nay dọc bờ sông Đồng Nai. Năm ngoái chỗ này (nơi ông Thành đang đứng – PV) là mép sông, nước vỗ rì rào quanh năm, nay trở thành một bãi đất đá ngổn ngang kéo dài cả cây số. Giờ tui phải neo thuyền từ ngoài xa và đi bộ bán vé số trên chính mặt sông mà năm ngoái tui còn chèo thuyền.

Ông Võ Văn Thành, 76 tuổi – một người dân TP.Biên Hòa

 

Người dân chưa được tôn trọng

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Trưởng văn phòng luật sư Tri Ân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai), nhận định: “Việc tỉnh có một dự án giúp nâng cao cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị là điều tốt. Lúc lập dự án và được cấp phép thì chắc chắn chủ đầu tư đã có đánh giá tác động môi trường. Về mặt khoa học, dự án có làm thay đổi dòng chảy, sạt lở… như thế nào, tôi không phải cơ quan chuyên môn nên không thể đánh giá. Song tôi thấy việc ảnh hưởng đến dân cư ven sông là rất lớn. Cần phải xem lại chủ đầu tư đã làm đến nơi, đến chốn hay chưa, hay là chỉ quan tâm đến lợi ích của mình”.

Th.S Lê Tuấn Đạt – Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Đồng Nai, thì cho biết ông không thể hình dung sẽ thế nào nếu Cù lao Phố biến mất. Th.S Đạt nói: “Là một người dân của TP.Biên Hòa yêu mến nơi mình sinh sống, tôi rất ngạc nhiên khi biết tin đoạn sông này đang bị lấn. Tôi, cũng như nhiều người dân quan tâm đến vấn đề này, đã ra bờ sông xem thử, và những gì tôi thấy đã gợi nên những cảm giác khó tả và khó chịu.

Mấy chục năm trước đây, gần khúc sông này non một cây số, có một cù lao nhỏ có người sinh sống hẳn hoi, gọi là Cồn Gáo. Việc xây dựng cầu Đồng Nai những năm xưa ấy đã khiến cho cái cù lao nhỏ này biến mất không để lại dấu vết. Việc lấn sông lần này có quy mô lớn hơn việc xây cầu năm xưa rất nhiều lần”.

Đụng vào những giá trị linh thiêng

Nhà báo Mai Quốc Ấn, ngụ TP.Biên Hoà, đã thốt lên như vậy. Ông Ấn nói: “Khi biết tin Công ty Toàn Thịnh Phát định thực hiện dự án lấn sông Đồng Nai cách đây mấy năm, tôi đã khá lo lắng. Cách họ làm có thể được khoác bằng nhiều mỹ từ nhưng tôi coi đó là dự án không chỉ xâm hại các giá trị văn hoá mà còn đụng đến những điều linh thiêng của lịch sử, con người và của dòng sông”.

Ông Ấn nói thêm: “Biên Hòa là vùng đất tứ linh, là trung tâm của vùng Đồng Nai xưa, bao gồm cả Đồng Nai thượng (cao nguyên Lâm Viên) và Đồng Nai hạ (gần như cả khu vực Đông Nam bộ bây giờ). Như đa phần các trung tâm tâm linh, văn hoá, thương mại khác trên thế giới được hình thành từ các dòng sông, đất Biên Hòa trở nên linh thiêng, bồi đắp thêm các giá trị văn hóa, thành điểm giao thương tấp nập hơn 300 năm nay là nhờ dòng sông Đồng Nai. Những ngôi chùa, mái đình, bãi chợ, nhà dân, cây cối… bên bờ sông là chứng nhân lịch sử cho các giá trị ấy.

Cho đến thời điểm này Công ty Toàn Thịnh Phát cũng như chính quyền tỉnh Đồng Nai chưa hề công bố các nghiên cứu về việc những di sản văn hoá bên bờ sông có thể bị tác động bởi thi công. Chưa kể phía bờ bên kia sông Đồng Nai có thể sẽ bị xói mòn vì dòng chảy bị thay đổi.

Nhà báo Ấn kể thêm: “Tôi từng gặp ông Huỳnh Phú Kiệt, Chủ tịch HĐQT Công ty Toàn Thịnh Phát, và nghe ông này nói về dự án lấn sông Đồng Nai. Khi được hỏi rằng công ty đã khảo sát ý kiến các hộ dân ở khu vực ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án hay chưa thì ông Kiệt trả lời tôi rằng đã thực hiện và nhận được ý kiến ủng hộ của nhiều người dân. Chỉ bằng vài cuộc điện thoại, mấy câu hỏi bâng quơ, 1 hoặc 2 lần ghé xuống thăm người quen là tôi xác định được chủ đầu tư dự án chưa hề cung cấp thông tin một cách chính xác trung thực cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án”.

Bộ TN-MT yêu cầu tỉnh Đồng Nai báo cáo việc lấp sông VRN sẽ phản biện

Chiều 19.3, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết bộ này đã yêu cầu Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai báo cáo tất cả các thông tin liên quan đến dự án xây dựng khu đô thị ven sông Đồng Nai. Thứ trưởng Tuyến nói rằng, ông đã yêu cầu Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai gửi báo cáo qua email ngay trong ngày 19.3. Chiều tối cùng ngày, ông Tuyến cho Thanh Niên biết ông đã nhận được báo cáo, hồ sơ của dự án.

* TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam – đại diện khu vực phía nam của Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), cho biết: “Chúng tôi đang có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lấp sông Đồng Nai trong tay. Ngay trong ngày 19.3, VRN chuyển bản ĐTM này đến các nhà khoa học có quan tâm trong và ngoài mạng lưới của VRN để họ đọc và đánh giá góp ý về ĐTM này. Một dòng sông nếu chỉ bị lấn ra 5 m thôi thì đã làm thay đổi dòng chảy của nó rồi. Dự kiến vào đầu tháng 4 tới, thông qua một đơn vị khoa học, VRN sẽ tổ chức một cuộc họp có sự tham gia của các nhà khoa học và những người có quan tâm để lắng nghe ý kiến của các bên góp ý cho ĐTM của dự án này. Mục đích của cuộc họp là giúp cho tỉnh Đồng Nai cũng như người dân có cái nhìn tổng quan và thấu đáo hơn về dự án.

Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô

8,4 ha do Công ty cổ phần ĐT – KT – XD Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư. Cơ quan tư vấn là Viện Môi trường và tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) – đơn vị tham gia lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A.

 Quang Duẩn – Chí Nhân

 

Thanh Niên