27/11/2024

“Đắp chiếu” nhiều thiết bị tiền tỉ tại Bệnh viện Đắk Nông

Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý, đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2005-2011 với nhiều sai phạm nghiêm trọng.

 

 

 

 

Các cầu thang máy của bệnh viện đều hư hỏng nên bệnh nhân, bác sĩ phải đi cầu thang bộ – Ảnh: Tr.Tân

Bản kết luận thanh tra nêu hàng loạt vấn đề sai phạm trong đầu tư xây dựng, gây lãng phí hàng chục tỉ đồng nhưng không đề cập việc có tư lợi hay không.

Hư ngay sau khi… lắp đặt

Ngày 19-3, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, tất cả bệnh nhân, y bác sĩ đều di chuyển lên xuống các tầng lầu bằng cầu thang bộ vì thang máy của bệnh viện hư hỏng, không thể sử dụng.

“Không chỉ việc đi lại, nhiều trường hợp chuyển bệnh nhân cấp cứu đi mổ, phụ nữ lên phòng sanh đều phải cáng bằng tay lên cầu thang bộ chỉ có bậc thang, không có phần trơn để đẩy xe lăn. Hơn ba năm qua, tất cả bệnh nhân sau mổ đều được đưa xuống phòng hồi sức bằng cáng” – một nhân viên tại khoa phẫu thuật gây mê than thở.

Theo các bác sĩ, nhân viên ở đây thì có một số thang máy hư ngay khi đưa vào sử dụng (từ khoảng tháng 7-2010), có cái dùng được sáu tháng thì ngưng hoạt động. Hệ thống thang máy này có xuất xứ Đài Loan, tổng kinh phí hơn 6,9 tỉ đồng, do Công ty TNHH năng lượng sáng Ban Mai (TP.HCM) lắp đặt.

Một trong những “công nghệ hiện đại” khác của bệnh viện cũng đang “đắp chiếu” là hệ thống khí (oxy) y tế được đầu tư hơn 8,1 tỉ đồng, ngưng hoạt động từ tháng 10-2013 do hạt nguyên liệu zeolite hết hạn sử dụng, thiếu an toàn.

Theo ông Ngô Minh Trực – giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, công nghệ các bệnh viện đang sử dụng là hệ thống oxy hóa lỏng, giá rẻ và an toàn hơn công nghệ cùng chủng loại mà bệnh viện đang “đắp chiếu”.

“Chúng tôi không hiểu tại sao lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông lại chọn công nghệ quá lạc hậu và thiếu an toàn nhưng giá lại rất cao. Khi lắp hệ thống này, lãnh đạo sở không hề hay biết gì cả” – ông Trực nói.

Một trong những lãng phí đáng nói là việc ông Nguyễn Mạnh Cường – nguyên giám đốc bệnh viện (nghỉ bệnh năm 2013) – bỏ ra hơn nửa tỉ đồng để mua phần mềm quản lý nhưng không sử dụng được.

Cụ thể, gói thiết bị văn phòng điện tử có giá trị hơn 5,4 tỉ đồng, chi phí lắp đặt phần mềm khoảng 1,2 tỉ đồng, do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tin học Thịnh Quang (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bao trọn gói.

Sau khi bệnh viện trả trước cho công ty này hơn 565 triệu đồng để lắp đặt phần mềm thì không sử dụng được, phải lắp đặt phần mềm khác nhưng chưa đòi lại tiền làm phần mềm cũ.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Nông, thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông được đầu tư từ nguồn vốn ODA với tổng trị giá hơn 5,6 triệu USD, gồm 871 chủng loại máy móc.

Tuy nhiên, đến nay số trang thiết bị này chỉ đạt công suất sử dụng gần 61%, số thường hư hỏng khoảng 10%. Trang thiết bị không sử dụng được hoặc chưa sử dụng và đang lưu kho là 341 thiết bị (hơn 39%, giá trị hơn 17 tỉ đồng).

Có nhiều thiết bị còn để nguyên đai, nguyên kiện trong kho từ khi nhập về. Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông phải điều một số trang thiết bị về các bệnh viện tuyến huyện để chống lãng phí.

Thang máy của Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông bị hư, người bệnh phải đi thang bộ – Ảnh: Tr.Tân

“Thiếu minh bạch trong đầu tư”

Bác sĩ Ngô Thị Kim Hồng – phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông – cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của bệnh viện hiện nay là các hạng mục xây dựng, mua sắm trang thiết bị đều đã xuống cấp, hư hỏng, cần sửa chữa, bổ sung.

Nhưng do những lãnh đạo thời kỳ trước chưa hoàn thiện hồ sơ quyết toán nên việc xin vốn để đầu tư tiếp rất khó khăn.

“Chúng tôi đề xuất với sở cho sửa hoặc làm mới thang máy để vận chuyển bệnh nhân cho an toàn, nhanh chóng. Hệ thống tạo khí oxy cũng cần phải được đầu tư gấp. Để khắc phục tạm thời, bệnh viện mua các bình oxy khí nén để sử dụng, nguy cơ cháy nổ cao. Bệnh viện rất mong song song với việc xử lý, khắc phục các sai phạm thì Nhà nước cần đầu tư để bệnh viện mua những thiết bị cần thiết phục vụ công tác chữa bệnh” – bà Hồng giãi bày.

Theo ông Ngô Minh Trực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông rơi vào tình trạng hiện nay là do ông Nguyễn Mạnh Cường có thái độ chủ quan, thiếu minh bạch, dân chủ trong nhiều việc từ đầu tư, mua sắm đến tuyển dụng nhân viên.

Ông Cường đang đi chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông chưa có hướng xử lý.

“Để lắp đặt mới hệ thống thang máy tại bệnh viện này phải cần tới 4,5-5 tỉ đồng nữa, nếu sửa chữa cũng khoảng 800 triệu đồng (bảo hành một năm); hệ thống phần mềm mất khoảng 700 triệu đồng. Đối với hệ thống oxy hóa lỏng thì liên kết với doanh nghiệp, họ lắp đặt hệ thống dẫn, bệnh viện mua bao nhiêu oxy trả tiền bấy nhiêu. Tổng số tiền cần để sửa chữa nhà cửa, tài sản, trang thiết bị chuyên môn là gần 7 tỉ đồng. Ngoài ra, bệnh viện đang cần thêm 3,8 triệu USD để mua sắm thiết bị mới” – ông Trực nói.

Khi được hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo Sở Y tế trong hàng loạt sai phạm, gây lãng phí tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, ông Trực cho biết UBND tỉnh giao cho bệnh viện làm chủ đầu tư, sở không can thiệp.

“Mọi việc từ chọn nhà thầu thi công, đơn vị giám sát, mua sắm trang thiết bị, đấu thầu đều do lãnh đạo bệnh viện quyết, không báo lên sở. Sau khi có phản ảnh về tình trạng lãng phí, mất đoàn kết tại bệnh viện, tôi mới được cử về làm kiêm nhiệm giám đốc bệnh viện một thời gian để củng cố. Đến nay mọi công việc khắc phục hậu quả vẫn chưa xong” – ông Trực giải thích.

Nghiệm thu khống hàng tỉ đồng

Theo kết luận thanh tra, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông có sai phạm trong việc nghiệm thu khống cho 10 gói thầu xây dựng không đủ khối lượng theo thiết kế.

Giá trị sai phạm kinh tế liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng là hơn 3,1 tỉ đồng, lĩnh vực thuế là hơn 494 triệu đồng.

Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông có quyết định thu hồi 2,6 tỉ đồng từ các nhà thầu xây dựng để nộp ngân sách nhà nước.

Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, các sai phạm trên thuộc về ông Nguyễn Mạnh Cường và các đơn vị tư vấn, xây dựng.


TRUNG TÂN