27/11/2024

Bẫy thú bủa vây vườn quốc gia

Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2015, lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm đã tuần tra, phát hiện và tháo gỡ hơn 1.036 cần bẫy thú rừng các loại tại Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò – Xa Mát (H.Tân Biên, Tây Ninh).

 

Bẫy thú bủa vây vườn quốc gia

 

 

Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2015, lực lượng bảo vệ rừng, kiểm lâm đã tuần tra, phát hiện và tháo gỡ hơn 1.036 cần bẫy thú rừng các loại tại Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò – Xa Mát (H.Tân Biên, Tây Ninh).

 

 

 

Bẫy thú bủa vây vườn quốc gia  - ảnh 1Lực lượng bảo vệ VQG Lò Gò – Xa Mát tuần tra phát hiện và tháo gỡ các cần bẫy – Ảnh: Giang Phương
 
 

Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2015, lực lượng kiểm lâm phối hợp lực lượng biên phòng phát hiện, bắt giữ 8 vụ mua bán động vật hoang dã với khoảng 237 loại (chủ yếu rắn, trăn, vòi hương, két, cheo…).

 

Theo anh Nguyễn Minh Thuận, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động VQG Lò Gò – Xa Mát (thuộc Hạt Kiểm lâm VQG Lò Gò – Xa Mát), loại bẫy được tìm thấy chủ yếu bẫy cần. “Loại bẫy này tuy đơn giản, chủ yếu làm thủ công nhưng đặt được trên mọi địa hình, rất nhạy và đặc biệt có khả năng bắt được cả thú lớn lẫn nhỏ. Mỗi tháng, lực lượng bảo vệ và kiểm lâm thu giữ trung bình 400-500 bẫy cần ở nhiều cánh rừng giáp ranh khu vực biên giới Campuchia. Thú bị săn nhiều là cheo, mễn, heo rừng và nhím… Loại bẫy này được các đối tượng săn trộm dùng nhiều vì con thú dính bẫy sẽ không bị chết ngay tức khắc”, anh Thuận nói.

Ngoài bẫy, bảo vệ rừng còn phát hiện nhiều loại vũ khí như nỏ, súng săn, súng tự chế có độ chính xác cao, được bọn săn trộm sử dụng. Đến nay, tại Ban Quản lý VQG Lò Gò – Xa Mát vẫn còn lưu giữ nhiều loại vũ khí nguy hiểm của dân săn bắn thú. Anh Thuận cho biết: “Có lần, anh em thu được một cây ná tự chế do đối tượng săn bắn thú rừng bỏ chạy để lại. Do trời tối nên anh em mang về trạm mới kiểm tra thì giật mình phát hiện cây ná giương sẵn tên. Chỉ cần chạm cò là mũi tên xuyên qua người như chơi”.
Dù phát hiện cả ngàn bẫy, nhưng việc xử lý những người săn bắn trong VQG Lò Gò – Xa Mát rất ít. Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh thừa nhận: “Do địa bàn rộng, các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi như dùng nhiều phương tiện khác nhau để vận chuyển, có tổ chức chặt chẽ nên khó phát hiện, ngăn chặn”.
Chiều 18.3, trả lời PV Thanh Niên, ông Tạ Văn Đáo, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, nói: “Lượng cần bẫy được kiểm lâm phát hiện chủ yếu tại khu vực biên giới với phần đông là người dân Campuchia sang đặt lén. Trước tình hình này, ngành kiểm lâm đã đề xuất UBND tỉnh Tây Ninh ký kết với chính quyền nước bạn để vận động người dân khu vực biên giới hạn chế tối đa nạn săn bắn thú rừng”.

Giang Phương