TP.HCM: động lực của đổi mới
Hội thảo khoa học “TP.HCM – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” với hàng trăm tham luận tự nhiên không còn vẻ khô khan mà tràn ngập tình cảm yêu mến, tự hào với TP.HCM.
TP.HCM: động lực của đổi mới
Hội thảo khoa học “TP.HCM – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” với hàng trăm tham luận tự nhiên không còn vẻ khô khan mà tràn ngập tình cảm yêu mến, tự hào với TP.HCM.
Kênh Tân Hóa – Lò Gốm một thời ô nhiễm đã được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để cải tạo, chỉnh trang cảnh quan, mở ra không gian sống trong lành cho người dân trong khu vực – Ảnh: Thuận Thắng |
Sáng 17-3, tại hội thảo khoa học “TP.HCM – 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” (do Thành ủy, HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức), trong số hàng trăm khách mời có ba vị khách đặc biệt đều đến tuổi “trời”: giáo sư Vũ Khiêu, 99 tuổi; bà Ngô Thị Huệ (dì Bảy Huệ), 97 tuổi; nhà cách mạng lão thành Nguyễn Thọ Chân, 95 tuổi.
“Tình cảm gắn bó với TP.HCM, dấu ấn của TP.HCM trong đời mình và nhất là vai trò của TP.HCM với cả nước khiến chúng tôi không cho phép mình từ chối” – giáo sư Vũ Khiêu giải thích lý do mình xuất hiện, không quản tuổi cao, sức yếu, đường xa.
Cuộc hội thảo khoa học với hàng trăm bản tham luận tự nhiên không còn vẻ khô khan mà tràn ngập tình cảm yêu mến, tự hào với TP.HCM.
Phép mầu là nhân dân
Những nhận định: “TP.HCM: Điển hình của năng động, sáng tạo, đột phá; Hạt nhân, động lực của đổi mới, hòa nhập; Xuất phát của các chương trình, phong trào tình nghĩa; Mạnh mẽ, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dám nghĩ, dám làm; Vai trò của nhân dân thể hiện rõ trong từng bước phát triển…” được lặp đi lặp lại suốt các bản tham luận, trong các phát biểu có và không chuẩn bị trước.
Kể về những ngày khó khăn, nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM Vũ Hắc Bồng nói: những ngày ấy bà con mình phải bỏ nước ra đi, dù đi là bước xuống biển.
Và lúc đó tinh thần dám nghĩ, dám làm, không bó tay trước khó khăn được truyền lại và hun đúc từ những người đi mở đất đã bộc ra, trước hết ở TP.HCM.
Hàng loạt tham luận đã nhắc lại câu chuyện lãnh đạo TP.HCM gặp từng công nhân, lắng nghe từng người dân để đi đến quyết định táo bạo “xé rào” bao cấp.
Trước hết là cứu dân, sau là dùng thực tiễn để chứng minh những sai lầm của việc duy ý chí, từng bước cởi bỏ những trói buộc của thể chế, mở đầu đổi mới trên toàn quốc.
Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải đánh giá: “Nếu không có những phong trào hành động cách mạng của quần chúng được khơi dậy liên tục và phát triển sâu rộng trên cơ sở khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp và yếu tố nội sinh, Đảng bộ TP.HCM không thể nào xây dựng thành công các loại mô hình, nhân rộng điển hình, thúc đẩy phong trào, từng bước vượt qua khó khăn”.
Ông Phan Xuân Biên, nguyên trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ TP, nhận xét: “Dấu ấn của 10 năm đầu tiên sau ngày thống nhất ấy không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ mà mãi mãi vẫn có giá trị trong quá trình xây dựng, phát triển, hội nhập hiện nay: bài học dựa vào sức mạnh của dân, phát huy tính năng động, sáng tạo trong dân”.
“Vai trò của người dân in rất đậm trong từng bước phát triển của TP” – bà Phạm Phương Thảo, nguyên chủ tịch HĐND TP, dành cả bài phát biểu của mình để nhấn mạnh vai trò của nhân dân.
Không chỉ cống hiến những sáng kiến, kiến thức để vực dậy nền kinh tế kiệt quệ vì những sai lầm của tư duy, người dân TP.HCM còn xắn tay áo cùng chính quyền đưa ra mô hình xã hội hóa.
Những công trình đầu tiên thành công đầy sức thuyết phục: Khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng…
Nhiều người dân hiến đất, góp tiền làm đường, mở hẻm. Hàng chục ngàn hộ dân sẵn sàng di dời nhường chỗ cho các công trình đô thị.
Người dân cùng khởi xướng và đóng góp không mệt mỏi cho các phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, phụng dưỡng mẹ VN anh hùng, bảo trợ bệnh nhân nghèo, hiến máu nhân đạo…
Cách làm ấy, những phong trào, chương trình ấy đã làm nên một TP.HCM vừa hiện đại vừa nghĩa tình và nhanh chóng lan rộng ra cả nước.
Bà Phạm Phương Thảo xúc động bởi “kể mãi không hết sức mạnh của lòng dân và nếu nhìn trên các khía cạnh khác như bảo vệ an ninh, chủ quyền Tổ quốc thì cũng không thể có phép mầu nào khác”.
“Sức mạnh và sáng tạo của nhân dân là vô tận. Đó là bài học lịch sử và cũng là kinh nghiệm để phát huy trong tương lai phát triển và hội nhập” – Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân tâm đắc lặp đi lặp lại như vậy trong phần phát biểu kết luận hội thảo.
Và Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhắc lại lời nhắn nhủ của tổng bí thư Nguyễn Văn Linh: “Cái mới không dễ được chấp nhận. Phải cố gắng nhiều hơn nữa để chứng minh bằng thành công của thực tiễn mới thay đổi được cách nghĩ”.
Lời tâm sự của tổng bí thư hẳn nhiên đã thấm thía rất nhiều tâm tư của người dân Sài Gòn, những người đã làm nên nhiều phép mầu cho TP của mình và cho cả nước.
TP.HCM đang dồn sức đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dài 19,7km khởi công từ tháng 8-2012, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2020. Trong ảnh: thi công tuyến metro số 1 đoạn gần cầu Sài Gòn – Ảnh: Thuận Thắng |
Hiểu nỗi lo của từng người dân
40 năm không chỉ có những thành tựu. Cựu đại sứ, nguyên bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Thọ Chân nhắc bằng trải nghiệm 95 tuổi đời của mình: “Đừng chỉ lấy GDP mà đo sự phát triển”.
Giáo sư Vương Đình Huệ, trưởng Ban Kinh tế trung ương, đóng góp: Hai vấn đề chính đặt ra trong giai đoạn tới của TP.HCM là: nền tảng kinh tế thiếu tính cạnh tranh, đối diện với nhiều thách thức trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới; bất cập giữa trình độ phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải thiện dân sinh…
Hiện trạng còn ngổn ngang, những bài toán khó giải của TP.HCM dĩ nhiên từng người dân của TP.HCM đều thấy rõ.
Trong phát biểu mở đầu hội thảo, Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải đã nhìn nhận cụ thể những khó khăn, hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành.
Đó là năng lực cạnh tranh kinh tế; chất lượng nguồn nhân lực; thủ tục hành chính trì trệ, nhiều khe hở; những vấn đề của quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị: ngập nước, ùn tắc, tai nạn giao thông; quá tải bệnh viện; an toàn vệ sinh thực phẩm; tệ nạn xã hội…
Không chỉ là nhắc qua, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, còn dành cả bài phát biểu của mình để phân tích những nỗi lo lắng đã trở thành thường trực trong lòng mỗi người dân.
Đó là lối kinh doanh gian dối, chạy theo lợi nhuận bất chấp pháp luật và đạo lý; hoạt động văn hóa thiên về giải trí hơn giáo dục; giềng mối xã hội, gia đình lỏng lẻo, giá trị văn hoá, chuẩn mực đạo đức xô lệch, méo mó…
Theo ông Tài, phát triển phải đồng bộ, cân đối giữa giá trị vật chất và giá trị văn hóa, tinh thần. Không thể thiên lệch.
“Và giải pháp là: thể chế hoá nhà nước pháp quyền, lấy dân làm gốc; giáo dục đổi mới toàn diện theo hướng xây dựng nhân cách, phát triển năng lực; phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hoá, công bằng và tiến bộ xã hội; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đẩy lùi tiêu cực trong một bộ phận cán bộ đảng viên đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân…” – ông Nguyễn Thành Tài nhấn mạnh.
Ghi nhận thực trạng và những giải pháp được đề nghị, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân một lần nữa nhắc lại như một lời cam kết: TP.HCM luôn đi đầu, là một đầu tàu của hội nhập, là TP động lực, hạt nhân phát triển phía Nam và của cả nước.
Ở đây sẽ không chỉ có những thành tựu về phát triển kinh tế, mà còn có các mô hình xã hội hóa, miễn phí, chăm lo cho người nghèo, còn là nơi lan tỏa các giá trị văn hoá, chân – thiện – mỹ, các giá trị giáo dục, nhân văn, dân chủ…
Nghe như niềm tự hào và nỗi lòng của mỗi người dân TP đã thấm thía vào lòng lãnh đạo. TP.HCM đã đi qua chặng đường 40 năm và vững bước trên con đường phía trước…
* Ông NGUYỄN THẾ KỶ (phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương): Văn Bắc, báo Nam Đến thời điểm này, TP.HCM là một trong những trung tâm báo chí, xuất bản lớn, năng động, sáng tạo của cả nước. Câu thành ngữ “văn Bắc, báo Nam” là nói về chính TP này. Những tờ báo mạnh mẽ nhất, có nhiều người đọc nhất phải phát triển ở TP.HCM. Báo chí TP.HCM tạo nên diện mạo, dáng vóc, đặc điểm, sức ảnh hưởng, chi phối rất lớn, quan trọng trong đời sống thông tin, truyền thông của TP và cả nước. Báo Tuổi Trẻ từ một tờ tin nhỏ bé sau ngày giải phóng rồi lớn dần thành tờ báo với số phát hành ở mức 12.000 bản/tuần nay đã vươn lên 7 kỳ/tuần với số lượng có lúc lên đến nửa triệu bản/kỳ. Sự phong phú, năng động, sáng tạo thường kéo theo ít nhiều sự đa chiều, sôi động và cả phức tạp. Cần nhận rõ đặc điểm lớn này để trong nhận thức, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, TP và trung ương cần có phương pháp, phương thức khoa học bản lĩnh, sáng tạo và thật văn hoá với các sản phẩm văn hoá. |
Những đòi hỏi nào cần đặt ra đối với TP.HCM trong chặng đường phía trước? Bên lề hội thảo, Tuổi Trẻ đã trao đổi với các đại biểu. * Ông VŨ HẮC BỒNG (nguyên giám đốc Sở Ngoại vụ TP.HCM): Cần lắng nghe ý kiến khác Theo tôi, trong hoàn cảnh hiện nay giới trẻ phải thấy được những điều đã làm, đã đạt được một cách thắng lợi, đừng coi thường điều này. Nói đến quá trình phát triển cần phải thấy điều gì là đáng tự hào, thích thú và có cảm hứng. Điều kế đến là TP.HCM cần mạnh dạn nhìn nhận, đánh giá một cách trung thực những điều gì cần sửa chữa; cái gì hiện là dở nhất của chính mình… Đồng thời cần lắng nghe những ý kiến khác, thậm chí đó là những ý kiến nhức nhối nhưng cần phải nghe. Có thể bây giờ nghe thì cảm thấy nhức nhối, nhưng về sau thấy họ nói đúng vài phần trăm là quý lắm rồi. Thực tế cho thấy để nghe được những điều nhức nhối thì khó lắm. Tôi nói như vậy với tư cách là một người đã đi qua nhiều chặng đường. Lĩnh vực đối nội hay đối ngoại đều phải như thế cả. Điều cuối cùng là không bao giờ cho phép tự mãn. * Ông VƯƠNG ĐÌNH HUỆ (uỷ viên Trung ương Đảng, trưởng Ban Kinh tế trung ương): Phát huy thực tiễn sinh động của TP.HCM Một trong những vấn đề mà nhiều diễn giả cũng như cá nhân tôi rất quan tâm trong hội thảo khoa học này chính là thực tiễn sinh động của TP.HCM khi giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của TP… Từ đó đóng góp những vấn đề lý luận hết sức thuyết phục cho việc hình thành hệ giá trị, đường lối đổi mới của đất nước, nhất là trong vấn đề hoàn thiện thể chế và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở đây có những bài học về sản xuất kinh tế hàng hoá, phát triển nhiều thành phần kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh tự do và bình đẳng cho các thành phần kinh tế… Đây là những vấn đề mà chúng tôi hết sức quan tâm, chú trọng nghiên cứu, không chỉ cho giai đoạn hiện nay mà cho sắp tới thảo luận, hoàn thiện các văn kiện đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc. |