09/01/2025

Phạt quỳ

Tôi có con gái đang học lớp 4. Cách đây vài hôm, sau khi tan trường trên đường về nhà, con gái kể: “Ba ơi, hôm nay lớp con có mấy bạn bị phạt quỳ đó ba”.

 

Phạt quỳ

 

Tôi có con gái đang học lớp 4. Cách đây vài hôm, sau khi tan trường trên đường về nhà, con gái kể: “Ba ơi, hôm nay lớp con có mấy bạn bị phạt quỳ đó ba”. 



Tôi khá bất ngờ khi nghe con nói, liền hỏi lại: “Sao vậy con? Các bạn làm gì mà phải bị quỳ?”. 

“Dạ, mấy bạn nói chuyện trong lớp lúc cô đi vắng nên bị phạt quỳ trên bục”. “Cô phạt à?”. “Dạ không, mấy bạn bị lớp trưởng và lớp phó kỷ luật bắt quỳ”.

“Thế cô có cho phép các bạn ấy phạt bạn mình như vậy không?”. “Con không biết nữa ba, nhưng khi vào thấy mấy bạn quỳ cô cũng không nói gì và cứ để vậy”.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về cuộc trò chuyện với con. Sao lớp trưởng lại có thể phạt các bạn mình quỳ gối? Một đứa trẻ bị bắt phải quỳ trước cả lớp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý, cảm giác tự ti, mặc cảm đeo bám. Điều đó cũng giống như một dạng bạo hành.

Mà ở đây các bé lại bị chính lớp trưởng – một người bạn đồng trang lứa với mình – bắt phạt! Thế nhưng giáo viên chủ nhiệm lại đồng tình để lớp trưởng phạt các bạn mình quỳ gối như vậy, thật không ổn chút nào.

Tôi nhớ ngày bé đi học, khi cô giáo đi vắng thì lớp trưởng có nhiệm vụ ổn định, giữ trật tự trong lớp.

Nếu có bạn nào vi phạm, lớp trưởng sẽ ghi tên rồi báo lại với cô. Sau đó cô ra quyết định phạt với nhiều hình thức như trừ điểm thi đua, viết kiểm điểm, đứng khoanh tay cuối lớp hoặc thậm chí dùng thước khẻ tay, dọn dẹp vệ sinh lớp…

Suốt những năm tháng đi học, tôi chưa từng thấy bạn bè mình bị phạt quỳ trước lớp bao giờ. Và những hình phạt ấy chỉ do chính thầy cô đưa ra chứ cán bộ lớp không được quyền phạt bạn.

Cách đây không lâu tôi được xem một bộ phim truyền hình Hàn Quốc có tên tiếng Việt là Nữ hoàng lớp học. Bộ phim khá hay, cuốn hút người xem với nội dung xoay quanh vấn đề giáo dục, học tập ở một ngôi trường.

Tại đó, chức danh lớp trưởng được cô giáo tổ chức bầu chọn một cách bình đẳng, dân chủ. Những ứng cử viên sẽ phải tranh cử bằng bài phát biểu trước lớp, sau đó cả lớp bỏ phiếu bầu. Khi lớp trưởng làm việc không hiệu quả, gây bất bình, cả lớp được quyền biểu quyết cách chức.

Cô giáo còn thực hiện ý tưởng khá lạ đó là cho mỗi bạn trong lớp được luân phiên làm lớp trưởng một ngày, tạo nên không khí học tập sôi động…

Có nhiều cách thức để giúp học sinh có điều kiện thể hiện bản thân, thể hiện lòng tốt, tinh thần tương trợ, hoà đồng trong lớp học…

Mong rằng thầy cô ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh cũng cần tìm hiểu, vận dụng để tạo nên một môi trường giáo dục trong sáng mà ở đó sẽ không còn những hình ảnh đau lòng nữa.

 

ANH LẠC