09/01/2025

Biến hoá nhiều chiêu lừa đảo trên Facebook

Nhiều trò lừa đảo biến tướng dưới các hình thức khác nhau tiếp tục xuất hiện tràn lan trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook.

 

Biến hoá nhiều chiêu lừa đảo trên Facebook

 

Nhiều trò lừa đảo biến tướng dưới các hình thức khác nhau tiếp tục xuất hiện tràn lan trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook.

 

 


 

 

Thông tin chương trình trúng thưởng của trang mangxahoi2015 nhằm “tung hỏa mù” nạn nhân – Ảnh chụp từ màn hình

Một hình thức lừa đảo đang nở rộ gần đây là nhiều người dùng ứng dụng tán gẫu (chat) Messenger của Facebook bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo trúng thưởng với nội dung:

“Facebook App xin thông báo chúc mừng tài khoản Messenger của bạn đã may mắn trúng được giải nhất từ chương trình tri ân khách hàng sử dụng mạng xã hội Facebook. Giải thưởng bạn nhận được trong lượt quay số ngẫu nhiên từ hệ thống là một chiếc xe máy Liberty 150cc và phiếu quà tặng trị giá 70 triệu đồng. Giải thưởng do nhãn hàng Facebook Messenger và Công ty Piaggio đồng tài trợ, đồng thời cũng là ban tổ chức của sự kiện này”.

Khơi dậy lòng tham

Người gửi tin có thể có tên Messenger hoặc giải thưởng Facebook hoặc tên đại loại như thế đủ làm người nhận lầm tưởng từ Facebook. Sau đó người dùng được hướng dẫn truy cập các website “chính thức” của chương trình như: mangxahoi2015.com, hethongmessenger2015.com, giaifacebook.com… để làm thủ tục nhận thưởng.

Các trang web như trên đều được thiết kế rất hoành tráng và đầy màu sắc với rất nhiều hình ảnh cho thấy chương trình khuyến mãi đã được cơ quan chức năng công nhận, cũng như đã có nhiều người dùng trúng những giải thưởng giá trị.

Có website còn đăng cả hình ảnh giấy chứng nhận “website đạt tiêu chuẩn quyền sở hữu trí tuệ” với “hệ thống đã qua kiểm định uy tín – chất lượng – hiệu quả” do “Trung ương hội sở hữu trí tuệ Việt Nam” cấp. Người ký tên: phó tổng biên tập Hoàng Lương (!?).

Cuối cùng, các website này đều yêu cầu người trúng thưởng phải khai báo thông tin cá nhân, đồng thời nạp phí làm thủ tục nhận thưởng bằng mã số thẻ cào điện thoại. Người dùng làm theo sẽ “biếu không” số tiền thẻ cào cho kẻ lừa đảo.

Đây là hình thức biến tướng của trò lừa quay số, bốc thăm trúng thưởng từng hoành hành rất mạnh qua tin nhắn SMS hay các ứng dụng nhắn tin miễn phí qua Internet như: Zalo, Tango…

Mục đích của những kẻ lừa đảo là lừa nạn nhân cung cấp mã số thẻ cào nạp tiền điện thoại sau khi khơi dậy lòng tham “của trên trời” nơi người dùng.

Giấy chứng nhận bịp của một trang lừa đảo trúng thưởng qua mạng

Phần mềm gửi tin nhắn đúng tên người nhận

Với những kẻ đi giăng bẫy lừa đảo hoặc những công ty muốn quảng cáo, tiếp thị sản phẩm đến người dùng di động, tin nhắn SMS luôn là phương thức dễ đạt hiệu quả nhất vì chắc chắn hầu hết người dùng đều phải mở lên xem nội dung mỗi khi nhận được tin nhắn.

Do đó bên cạnh các ứng dụng nhắn tin qua mạng miễn phí nêu trên, tin nhắn SMS luôn được tận dụng tối đa cho các hành vi lừa đảo.

Sau một khoảng thời gian ngắn lắng xuống trong dịp tết, tin nhắn rác (trong đó có tin nhắn lừa đảo) đang có dấu hiệu trỗi dậy.

Đáng lo hơn, SIM rác dùng để nhắn tin quảng cáo hay lừa đảo đang được tiếp tay bởi những phần mềm nhắn tin hàng loạt được rao bán nhan nhản trên Internet. Trong đó, chúng tôi phát hiện một phần mềm có tên Axx SMS với lời quảng cáo chi phí nhắn tin chỉ 20-50 đồng/SMS.

Theo quảng cáo từ nhóm người rao bán, phần mềm này cho phép người sử dụng kết nối với nhiều SIM của nhiều nhà mạng cùng lúc. Người dùng có thể chọn gửi tin nhắn SMS từ số SIM di động, hay gửi tin nhắn SMS tên thương hiệu hoặc gửi từ đầu số ngẫu nhiên.

Đặc biệt, người dùng có thể tự soạn nội dung theo ý muốn, tự canh tần suất khoảng cách gửi tin nhắn để không bị nhà mạng khóa SIM, gửi tin nhắn cá nhân hóa – có nêu tên người nhận là chủ nhân số điện thoại – để nội dung dễ dàng được tiếp nhận…

Phần mềm được rao bán với giá chỉ 500.000 đồng/phiên bản sử dụng một tháng và 1,5 triệu đồng/phiên bản sử dụng vĩnh viễn. Đặc biệt, người mua còn được người bán hướng dẫn “bí kíp” gửi tin nhắn chỉ tốn cước phí 20-50 đồng/SMS. Khi đó người nhắn tin có thể chỉ tốn 20.000 đồng cũng khiến 1.000 người dùng di động phải điên đầu mỗi ngày.

Với những kẻ lừa đảo, phần mềm trở thành một công cụ giăng bẫy vô cùng hiệu quả với chi phí rất thấp. Chỉ cần xác suất vài phần trăm người dùng sập bẫy, chúng đã yên tâm hưởng lợi gấp trăm lần chi phí bỏ ra. Thực tế đã có nhiều nạn nhân bị lừa trúng thưởng mất đến hàng chục triệu đồng.

Rộ thủ đoạn đánh cắp tài khoản Facebook

Theo ghi nhận từ hệ thống giám sát của Bkav, bắt đầu từ sáng 12-3 nhiều người dùng Facebook nhận được các thông tin bạn bè viết trên tường có liên quan tới mình.

Nội dung các bài viết đều sử dụng yếu tố gây tò mò, hoang mang, thắc mắc để dụ người dùng truy cập đường dẫn đi kèm.

Khi truy cập đường dẫn này, tài khoản Facebook của người dùng sẽ thoát ra và yêu cầu đăng nhập lại. Tuy nhiên, trang đăng nhập này là trang giả mạo với địa chỉ codefacebook.com chứ không phải facebook.com.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, trưởng phòng nghiên cứu an ninh mạng của Bkav, cho biết: “Nếu người dùng không chú ý và nhập tài khoản vào trang giả mạo này, tài khoản của họ sẽ bị kẻ xấu ghi lại.

Ngay lập tức trang web giả mạo sử dụng tài khoản Facebook nạn nhân vừa nhập để đẩy thông tin lên tường theo danh sách bạn bè hiện có, tạo thành cấp số nhân các đường dẫn lừa đảo”.

Bkav khuyến cáo người dùng nên ngay lập tức đổi mật khẩu cho tài khoản Facebook của mình nếu đã “lỡ” đăng nhập bằng trang giả mạo.

Đồng thời để không trở thành nạn nhân, người sử dụng không nên bấm vào các đường dẫn lạ, nếu cần phải xác minh với người gửi thông tin. Khi đăng nhập vào Facebook, người dùng lưu ý kiểm tra địa chỉ đúng là https://facebook.com với chữ https màu xanh.

ĐỨC THIỆN