Nguy cơ từ tàu lượn
Dù được kiểm định, nhưng khi ghi nhận thực tế tại hiện trường tàu lượn gây tai nạn cho thấy nhiều điểm bất ổn…
Nguy cơ từ tàu lượn
Dù được kiểm định, nhưng khi ghi nhận thực tế tại hiện trường tàu lượn gây tai nạn cho thấy nhiều điểm bất ổn…
Khu vực có trò chơi ở Nhà thiếu nhi TP Cà Mau – Ảnh: T.Thái |
Liên quan đến thông tin hai em Nguyễn Kim Ánh (14 tuổi, TP Cà Mau) và Pranyn Tran (10 tuổi, Việt kiều Úc) bị thương khi chơi tàu lượn siêu tốc tại Nhà thiếu nhi Cà Mau, đại tá Nguyễn Quang Khởi – trưởng Công an TP Cà Mau – cho biết bộ phận điều tra đang làm rõ nguyên nhân sự cố.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Chí Dũng – giám đốc Nhà thiếu nhi Cà Mau – cho biết nguyên nhân sự cố được nhận định ban đầu là do tàu lượn được làm bằng chất liệu composite, khi di chuyển vỏ composite bị xé ra khỏi các con ốc vít vặn vào khung sắt của thân tàu, khiến băng ghế chở Kim Ánh và Pranyn Tran bị nghiêng rồi lật đổ quăng hai em rơi xuống đất.
Có kiểm định
Ông Dũng cho biết gần năm năm mô hình tàu lượn siêu tốc đưa vào hoạt động nhưng đây là sự cố hi hữu đầu tiên.
Chìa bản kiểm định từ mô hình trò chơi do đơn vị khai thác là Công ty TNHH SXTM Đăng Khoa (TP.HCM) cung cấp, ông Dũng cho hay trên thủ tục giấy tờ thì đơn vị khai thác đăng kiểm đúng định kỳ, được cơ quan chuyên môn Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn khu vực II (CISR) cấp chứng nhận đảm bảo an toàn.
“Ban giám đốc cũng kiểm tra, nhắc nhở đơn vị khai thác phải thường xuyên bảo dưỡng để việc vận hành được trơn tru, đảm bảo an toàn cho trẻ vui chơi” – ông Dũng nhấn mạnh.
Dù được kiểm định, nhưng khi ghi nhận thực tế tại hiện trường tàu lượn gây tai nạn cho thấy nhiều điểm bất ổn: tại các bulông bắt vào khung sắt có chỗ bị gỉ sét, xung quanh điểm tiếp xúc với các bulông có chỗ bị nứt, các toa tàu làm bằng vật liệu composite phơi mưa nắng nên có dấu hiệu bị giòn…
Chờ kết luận
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc kiểm định tàu lượn siêu tốc gây ra vụ tai nạn trên, thạc sĩ Lê Công Sơn – phó giám đốc CISR, Bộ Lao động – thương binh và xã hội – khẳng định cơ quan này kiểm định đúng quy trình.
Theo ông Sơn, sau khi nhận được thông tin tai nạn, trung tâm xác định tàu lượn siêu tốc vận hành trong khuôn viên Nhà thiếu nhi Cà Mau là do Trạm kiểm định miền Tây (trụ sở tại TP Cần Thơ) kiểm định.
“Hiện trung tâm đang chỉ đạo cho anh em kỹ thuật xuống hiện trường để kiểm tra nắm tình hình. Bước đầu chỉ xác định tàu lượn siêu tốc gây tai nạn là đối tượng kiểm định của trung tâm, còn quá trình vận hành, diễn biến vụ việc, hiện trường tai nạn… thì chúng tôi đang thu thập, xác minh” – ông Sơn nói.
Trả lời câu hỏi tại sao tàu lượn siêu tốc vừa mới kiểm định đã gây tai nạn, liệu có sai sót gì trong quy trình kiểm định hay không, ông Sơn khẳng định hoàn toàn không có sai sót, nhân viên kiểm định được đào tạo bài bản, quy trình kiểm định tiến hành theo tiêu chuẩn của Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
“Do chưa có kết quả xác minh từ hiện trường nên chưa thể nói được gì. Nguyên nhân xảy ra tai nạn có thể xuất phát từ việc tàu bị quá tải, do người sử dụng, do lỗi trong quy trình vận hành hoặc chất lượng tàu lượn có vấn đề… Chúng tôi vẫn đang chờ kết quả từ cơ quan chức năng cũng như báo cáo từ anh em kỹ thuật mới xác định được nguyên nhân và có căn cứ xử lý” – ông Sơn giải thích.
Theo ông Sơn, tàu lượn siêu tốc chỉ là một đối tượng nhỏ trong tổng số 25 đối tượng thuộc danh mục trung tâm kiểm định và từ trước đến nay chưa xảy ra sự cố nào tương tự. Ông Sơn còn nói thời gian gần đây đơn vị thực hiện kiểm định chất lượng cho khá nhiều sản phẩm trò chơi công cộng tại các địa phương.
Đa số sản phẩm được các doanh nghiệp trong nước lắp ráp, sản xuất. Trung tâm chỉ thực hiện kiểm định chất lượng hồ sơ, sản phẩm thành phẩm khi được lắp đặt.
Chiều qua, PV Tuổi Trẻ tìm đến trụ sở Công ty TNHH SXTM Đăng Khoa (số 17 đường Linh Đông, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) theo hồ sơ kiểm định của CISR. Tuy nhiên, địa chỉ này hiện đang kinh doanh quán ăn gia đình. Nhân viên của quán ăn cho biết quán mở được khoảng nửa năm nay và nói không có trụ sở Công ty Đăng Khoa tại đây.
Ngay sau đó, chúng tôi liên lạc với ông Đặng Đức Huy, giám đốc Công ty Đăng Khoa, để tìm hiểu quy trình sản xuất, thông tin chất lượng sản phẩm… Qua điện thoại, ông Huy cho biết trong thời điểm này chưa thể cung cấp thông tin về vụ việc cho báo chí.
TS.BS Vũ Hữu Vĩnh – trưởng khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cho biết bé Pranyn Tran đang phục hồi tốt. Theo nguyện vọng của gia đình, bé sẽ được chuyển sang Bệnh viện FV để điều trị tiếp.
Nhiều nơi có trò chơi tàu lượn Chiều 16-3, ông Trần Hớn Văn, giám đốc Nhà thiếu nhi tỉnh Kiên Giang, cho biết sau khi có thông tin về sự cố tàu lượn ở Cà Mau qua báo chí, ông đã chỉ đạo các nhà thiếu nhi trực thuộc tổng kiểm tra toàn bộ các trò chơi cho thiếu nhi. Theo ông Văn, tỉnh Kiên Giang không có công viên giải trí, cho nên hệ thống nhà thiếu nhi các huyện, thị xã, thành phố đóng vai trò là trung tâm vui chơi giải trí cho trẻ em. Hiện toàn tỉnh có bốn nhà thiếu nhi ở TP Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Hòn Đất là có hệ thống tàu lượn trên đường ray. Trong đó, TP Rạch Giá có hai điểm có tàu lượn tại Nhà thiếu nhi tỉnh và công viên văn hóa Lạc Hồng, riêng điểm công viên văn hóa Lạc Hồng không còn thuộc nhà thiếu nhi quản lý. “Tại Nhà thiếu nhi tỉnh và Nhà thiếu nhi huyện Hòn Đất, chúng tôi phân công ba nhân viên kỹ thuật thường xuyên kiểm tra. Tại Hà Tiên và công viên Lạc Hồng thì do tư nhân đầu tư nên chúng tôi đề nghị tỉnh đoàn chỉ đạo kiểm tra, không để xảy ra sự cố đáng tiếc” – ông Văn nói. Theo ghi nhận, toàn bộ hệ thống tàu lượn ở Kiên Giang đều trong cảnh ế ẩm. Thông thường vào dịp cuối tuần, hệ thống này mới hoạt động nhưng rất ít khách mua vé tham gia. Trong khi đó tại Cần Thơ, chỉ có công viên văn hóa miền Tây (phường An Thới, Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ) mới vừa đưa các trò chơi cảm giác mạnh vào phục vụ giới trẻ hồi trước Tết Nguyên đán. Các trò chơi này gồm đu quay dây, tàu lượn siêu tốc, vũ trụ bay và đĩa bay. Ông Trần Hữu Định, quản lý khu vui chơi, cho biết tất cả các trò chơi có độ cao trên 2m đều được kiểm tra chất lượng định kỳ 6 tháng/lần, riêng tàu lượn siêu tốc chỉ giới hạn người chơi từ 15 tuổi trở lên. “Hằng ngày nhân viên đều kiểm tra kỹ thiết bị, máy móc của các trò chơi, đồng thời phải vận hành thử trước khi hoạt động. Mỗi khu trò chơi đều có ba nhân viên là thợ điện, điện tử và cơ khí túc trực để xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra” – ông Định nói. Theo thiếu tá Bùi Thanh Quyền – trưởng ban quản lý công viên văn hóa miền Tây (Quân khu 9), khu vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi được giao công ty tư nhân đầu tư khai thác. “Tuy nhiên hợp đồng chúng tôi cũng cam kết phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia vui chơi, đồng thời phải có biên bản kiểm định định kỳ” – thiếu tá Quyền nhấn mạnh. |