27/11/2024

Người phụ nữ 80 lần hiến máu cứu người

19 năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã hiến gần 30 lít máu. Mỗi lần bà hiến 350-450ml máu cho các bệnh nhân nghèo không đủ tiền để truyền máu.

 

Người phụ nữ 80 lần hiến máu cứu người

 

19 năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã hiến gần 30 lít máu. Mỗi lần bà hiến 350-450ml máu cho các bệnh nhân nghèo không đủ tiền để truyền máu.

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (bìa phải) là một trong năm cá nhân tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng cá nhân với thành tích xuất sắc trong phong trào tình nguyện quốc gia năm 2014 – Ảnh: Hữu Khoa

Cuộc sống mà, ai cũng cần tiền, nếu không có tiền thì làm sao sống. Nhưng đối với tôi, máu không phải là hàng hóa để mua bán. Bên ngoài xã hội nhiều người còn nghèo khổ hơn tôi. Đặc biệt là những bệnh nhân nghèo, họ cần những giọt máu để sống 

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Bà Nhàn kể trong một lần đi thăm bạn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, bà quá thương cảm khi chứng kiến một bệnh nhi bị bệnh máu trắng nhưng không có tiền để thay máu. Cha mẹ bệnh nhi này làm công nhân nên thu nhập thấp, tuy đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không có đủ tiền cho con thay máu. Ngay lúc đó bà đã tình nguyện hiến máu cho bệnh nhi này. Sau đó, mỗi lần đứa trẻ bất hạnh kia đến kỳ truyền máu, bà Nhàn lại lặn lội từ TP.HCM đến Bình Dương để cho máu.

Trốn gia đình, đón xe ôm đi hiến máu

Bà kể: “Mỗi lần hiến máu tôi phải đi bốn chuyến xe buýt, sau đó tự bỏ tiền đón xe ôm vào bệnh viện. Vừa hiến máu xong người rất mệt nhưng tôi phải đi bộ cả cây số mới đón được xe buýt về, nhiều lúc tôi muốn ngã quỵ trên đường và muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi hình ảnh đứa bé bị bệnh máu trắng và nhiều bệnh nhân khác đang cần những giọt máu, tôi lại tiếp tục”.

Những lần đầu hiến máu bà Nhàn cũng hơi lo vì không biết lấy nhiều máu quá có ảnh hưởng đến sức khoẻ hay không. Sợ gia đình ngăn cản, bà Nhàn phải giấu không cho ai biết việc mình đi hiến máu cứu người. “Chồng con lo lắng mình bị lấy máu nhiều rồi sinh bệnh” – bà Nhàn tâm sự.

Sau khi được các bác sĩ, nhân viên y tá tư vấn, quy trình hiến máu sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe của người đi hiến máu, các khâu an toàn vệ sinh, số lượng máu mỗi lần hiến sẽ tuân theo quy định chung của Bộ Y tế nên bà Nhàn cảm thấy yên tâm hơn mỗi lần đi hiến máu.

Kể từ lần hiến máu đầu tiên đến đầu tháng 3-2015, bà Nhàn đã có tổng cộng 80 lần hiến máu, nơi bà hiến máu nhiều nhất là Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM. Ngoài ra bà còn hiến máu tại Bình Dương, Đồng Nai và Tiền Giang sau những chuyến thăm người thân và bạn bè ở đó.

Máu không phải hàng hoá để mua bán

Ở tuổi 52, bà Nhàn vẫn phải đi làm giúp việc nhà kiếm sống, vẫn phải ở nhà thuê. Vậy nhưng khi có người hỏi bà nghèo không có tiền sao không bán máu mà đi cho máu, bà Nhàn trả lời rất tự nhiên: “Cuộc sống mà, ai cũng cần tiền, nếu không có tiền thì làm sao sống. Nhưng đối với tôi, máu không phải là hàng hóa để mua bán. Bên ngoài xã hội nhiều người còn nghèo khổ hơn tôi. Đặc biệt là những bệnh nhân nghèo, họ cần những giọt máu để sống”.

Bà Nhàn quan niệm việc hiến máu chẳng có gì lớn lao. Việc làm đó như một thói quen với bà. Tất cả cũng chỉ xuất phát từ lòng trắc ẩn, thương người như thể thương thân. Bà cho hay chừng nào mình còn sống, những việc còn có ích lợi cho người khác thì vẫn nên làm.

Bên cạnh việc hiến máu, bà còn vận động người thân, bạn bè trong xóm đi hiến máu. Sau khi được bà vận động, nhiều người đã tự nguyện đi hiến máu, có gia đình cả ba thế hệ đều tự nguyện hiến máu, có người hiến đến vài chục lần”.

Nhiều năm qua, tuy phải đi thuê nhà trọ nhiều nơi nhưng bà vẫn khẳng định sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để có sức khoẻ và tiếp tục hiến máu. Bà tâm sự: “Tôi chỉ ước mơ có sức khỏe để tiếp tục đi hiến máu, khi nào bác sĩ không cho hiến nữa hoặc sức khoẻ không cho phép thì thôi, vì có nhiều bệnh nhân nghèo rất cần những giọt máu của tôi” – bà Nhàn nói.

Nụ cười hiền từ của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Ảnh: Hữu Khoa

Với sự nhiệt tình và việc làm ý nghĩa của mình, bà Nhàn đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các tổ chức, ban ngành. Năm 2010, bà được xác lập kỷ lục gia hiến máu nhiều nhất VN. Mới đây vào đầu năm 2015, bà là một trong năm cá nhân tiêu biểu được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng cá nhân với thành tích xuất sắc trong phong trào tình nguyện quốc gia năm 2014.

Nghĩa cử cao đẹp

Bác sĩ Phạm Văn Quân – phó giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM – cho biết: “Tôi rất cảm phục tinh thần hiến máu của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Dù trong điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, bà Nhàn phải đi làm thuê kiếm tiền chăm lo cho chồng con, bận nhiều công việc nhưng bà Nhàn đã hưởng ứng rất nhiệt tình việc hiến máu nhân đạo. Có thể nói bà là một phụ nữ có tâm, yêu thương gia đình và có trách nhiệm với xã hội. Khi trung tâm thiếu máu là bà Nhàn rất sẵn sàng hiến tặng để truyền máu cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc đi hiến máu, bà Nhàn còn vận động nhiều người khác đến hiến máu tại trung tâm. Việc hiến máu của bà là một nghĩa cử cao đẹp cần được toàn xã hội học tập và noi theo”.

 

HỮU KHOA